Hồi chuông cảnh báo từ vụ tai nạn máy bay thảm khốc của Jeju Air

Theo giới chuyên gia, vụ tai nạn của hãng hàng không Jeju Air với nguyên nhân ban đầu được cho là do va chạm với chim chính là lời cảnh báo trước tình trạng thiếu nhân lực trong đội cảnh báo chim (BAT) tại sân bay Muan.

Đội cảnh báo chim - Batman

Theo báo Korea Times, tại thời điểm xảy ra sự cố, chỉ có một thành viên trong Đội cảnh báo chim (BAT), thường được gọi là "Batman", đang làm nhiệm vụ, làm dấy lên câu hỏi về việc liệu trình độ nhân sự và quy trình hoạt động đã đủ hay chưa.

Tại Hàn Quốc, các đơn vị BAT thường sử dụng vũ khí và các biện pháp khác để xua đuổi chim khỏi sân bay đồng thời có nhiệm vụ liên lạc trực tiếp với tháp kiểm soát khi phát hiện đàn chim gần sân bay.

Hình ảnh cho thấy ngọn lửa bất thường từ động cơ bên phải của máy bay xấu số trong lúc đang tiếp cận đường băng sân bay Muan (Ảnh: Yonhap).

Hình ảnh cho thấy ngọn lửa bất thường từ động cơ bên phải của máy bay xấu số trong lúc đang tiếp cận đường băng sân bay Muan (Ảnh: Yonhap).

Theo nguồn tin từ báo Hankook Ilbo, trong thời gian khả năng xảy ra va chạm chim từ 8h57 sáng đến 8h59 sáng 29/12, chỉ có một thành viên của đội BAT làm việc.

Thông tin này trái ngược với tuyên bố trước đó của đơn vị ứng phó thảm họa và an toàn trung ương của Chính phủ rằng mỗi ca làm việc trong ngày xảy ra tai nạn đều có hai thành viên trong đội BAT hoạt động.

Sự khác biệt về số lượng nhân sự có thể xuất phát từ cơ cấu nhân sự BAT của sân bay. Đơn vị BAT của sân bay Muan hoạt động theo một nhóm gồm bốn thành viên, chia thành hai ca: hai người trực ban ngày (9h sáng đến 6h chiều) và một người trực đêm (6h chiều đến 9h sáng hôm sau).

Vì sự cố xảy ra ngay trước khi ca sáng bắt đầu nên nhân viên duy nhất trực ban có thể đã bị chậm trễ trong xác định tình hình do còn phải thực hiện thêm quy trình thay ca.

Trao đổi với Korea Times, một viên chức sân bay xác nhận chỉ có một thành viên BAT hoạt động trong vụ va chạm với chim.

Hồi chuông cảnh báo

Đáng nói, lực lượng nhân sự BAT của sân bay Muan từ lâu đã ít hơn so với các sân bay có quy mô tương tự.

Ví dụ, sân bay Cheongju và Daegu, là các trung tâm hàng không chính ở miền trung và đông nam Hàn Quốc, đều có tám thành viên BAT, gấp đôi số lượng tại Muan.

Trong số 14 sân bay do Tổng công ty cảng hàng không Hàn Quốc quản lý (trừ Sân bay Quốc tế Incheon), chỉ có bốn sân bay có ít thành viên BAT hơn sân bay Muan.

Đội điều tra làm việc tại hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Yonhap).

Đội điều tra làm việc tại hiện trường vụ tai nạn (Ảnh: Yonhap).

Mặc dù số vụ va chạm với chim trên toàn quốc tăng từ 91 vụ vào năm 2019 lên 130 vụ năm ngoái và Tổng công ty CHK Hàn Quốc có kế hoạch triển khai thêm 43 thành viên BAT tại 7 sân bay vào giữa năm 2024, nhưng Muan không nằm trong danh sách trên vì tần suất va chạm với chim tại đây tương đối thấp - 10 vụ trong thời gian từ năm 2019 đến tháng 8/2024.

Tuy nhiên, Muan có tỷ lệ va chạm với chim tính trên số chuyến bay cao nhất trên toàn quốc, với 0,09 phần trăm trong số 11.004 chuyến bay cùng thời gian trên.

Nếu nguyên nhân vụ tai nạn nghiêm trọng ngày 29/12 khiến 179 người thiệt mạng được xác định là do va chạm với chim thì một lần nữa vụ việc sẽ là hồi chuông cảnh báo về hậu quả thảm khốc nếu máy bay va chạm với chim.

Hầu hết các sân bay nội địa đều nằm gần môi trường sống của các loài chim di cư nên dễ bị ảnh hưởng.

Do đó, giới chuyên gia kêu gọi cần tăng cường đảm bảo đủ nhân sự và áp dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống radar phát hiện chim.

"Vụ tai nạn một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết cần tăng cường nhân viên kiểm soát chim", Korea Times dẫn lời một nhà nghiên cứu tham gia vào các nghiên cứu hàng không quốc gia cho biết, đồng thời lưu ý nên cân nhắc việc đưa vào sử dụng các hệ thống radar để chủ động phát hiện hoạt động của chim.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hoi-chuong-canh-bao-tu-vu-tai-nan-may-bay-tham-khoc-cua-jeju-air-19224123110402324.htm
Zalo