Hội chứng nỗi buồn kỳ nghỉ Tết

Trong khi nhiều người cảm thấy hào hứng chào đón Tết thì một số người lại rơi vào hội chứng buồn chán, uể oải, cô đơn.

Xa quê hơn chục năm, Hà Phượng (34 tuổi, quê Đắk Lắk, đang làm việc ở Hà Nội) mỗi năm về nhà một lần vào dịp Tết Nguyên đán. Ba năm gần đây, thay vì về quê ăn Tết cùng gia đình thì chị chọn ở lại thủ đô hoặc đi du lịch. Chị sợ về nhà lại bị họ hàng hỏi thăm việc lập gia đình, thu nhập. Trong mắt mọi người, chưa lập gia đình ở tuổi ngoài 30 là thất bại.

Phượng cảm thấy bản thân không làm được việc gì khi nhiều năm trôi qua sự nghiệp, tình duyên, nhà cửa mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. Những năm không về quê ăn Tết, Phượng tự tìm niềm vui bằng đi cà phê, xem phim, lượn phố một mình.

Tương tự, cứ Tết đến, Lê Hà Anh (27 tuổi, Hà Nội) thường xuyên có cảm giác cô đơn, uể oải, buồn bã. Lâu dần chị thấy những ngày xuân trở nên tẻ nhạt, không nhiều ý nghĩa.

Hà Anh kết hôn năm 20 tuổi, sinh được hai cô con gái. Ngày Tết tụ tập đông đúc, liên tục bị họ hàng hỏi thăm về kế hoạch sinh thêm để có con trai nối dõi tông đường, khiến người phụ nữ chán nản, thấy kỳ nghỉ Tết càng trở nên dài ngày.

Sau kỳ nghỉ Tết, thấy tâm trạng không thay đổi nhiều, chị tìm đến bác sĩ nhờ tư vấn và được chẩn đoán bị hội chứng Holiday blues (hội chứng kỳ nghỉ mùa lễ hội).

Thay vì về quê ăn Tết, nhiều năm nay, Phượng chọn đi du lịch. (Ảnh: NVCC)

Thay vì về quê ăn Tết, nhiều năm nay, Phượng chọn đi du lịch. (Ảnh: NVCC)

Theo bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương (Hà Nội), nhiều người gặp tình trạng buồn chán tái diễn vào các kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Triệu chứng phổ biến nhất của hội chứng Holiday blues là cảm giác buồn bã kéo dài hoặc lặp đi lặp lại với các cường độ khác nhau.

Kỳ nghỉ Tết là thời gian để tụ tập với những người thân thiết và nó có thể khơi dậy nhiều cảm xúc cả tốt lẫn xấu. Một số người có thể thấy mình không có các mối quan hệ thân thiết và cuối cùng bị cô lập, ngắt kết nối với những thành viên khác. Như một số trường hợp bị hỏi về việc lập gia đình, con cái, thu nhập, công việc, sức khỏe khiến họ khó chịu, không muốn tiếp xúc.

Một số dấu hiệu cho thấy mắc hội chứng Holiday blues là thay đổi khẩu vị hoặc cân nặng, giấc ngủ bị xáo trộn, chán nản, cáu kỉnh, khó tập trung, cảm giác vô dụng hoặc tội lỗi, mệt mỏi hơn bình thường và mất niềm vui khi làm những việc từng thích.

Theo bác sĩ Thu, trạng thái này khác với các chứng bệnh tâm thần. Thông thường các triệu chứng của hội chứng Holiday blues chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn và sau đó biến mất, nhưng lại gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Để vượt qua tình trạng này, mỗi người cần dành nhiều thời gian cho bản thân và nghỉ ngơi đầy đủ, cân đối thời gian, ưu tiên các hoạt động chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần như tập thể dục, đi dạo, thiền, tắm thư giãn, tự trị liệu bằng spa, đọc một cuốn sách hay, xem phim hoặc thử làm những điều mới mẻ. Mọi người cần ngủ đủ giấc mỗi ngày không chỉ để duy trì sức khỏe tinh thần mà còn ngăn ngừa các bệnh như huyết áp cao, đột quỵ và suy nhược thần kinh.

Vào những ngày nghỉ lễ, mọi người có xu hướng tìm đến những thực phẩm nhiều chất béo và đường. Bạn nên thêm vào khẩu phần ăn các loại trái cây và rau xanh, đồng thời tránh uống nhiều rượu bia vì nó có thể khiến những cảm xúc tiêu cực trở nên khó kiểm soát hơn.

Có thể khởi đầu ngày mới bằng một bài tập ngắn hoặc thiền, tập hít thở sâu để làm dịu tâm trí và kích hoạt giải phóng endorphin, hormone tạo cảm giác dễ chịu.

"Thông thường, cảm giác mệt mỏi, buồn chán sẽ tạm biến mất khi mùa lễ Tết kết thúc. Song ở một số người, tình trạng này kéo dài và trở nên trầm trọng hơn, dễ chuyển biến thành trầm cảm theo mùa hoặc rối loạn lo âu. Lúc này, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp từ bác sĩ hoặc các chuyên gia sức khỏe tâm thần", bác sĩ Thu nói.

Như Loan

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/hoi-chung-noi-buon-ky-nghi-tet-ar921581.html
Zalo