Học viện Ngoại giao nỗ lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế về lĩnh vực GD

Để khẳng định vị thế trên BXH quốc tế, Học viện Ngoại giao triển khai kiểm định theo bộ tiêu chuẩn uy tín quốc tế để đánh giá và nâng cao chất lượng các CTĐT.

Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT (sau đây gọi là Thông tư 01) của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học có hiệu lực từ 22/3/2024 quy định các cơ sở giáo dục đại học cần cung cấp, cập nhập đầy đủ, chính xác và nhất quán số liệu phục vụ việc xác định các chỉ số và đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học.

Thời điểm chốt số liệu là ngày 31 tháng 12 hằng năm; đối với số liệu về tài chính, thời điểm chốt số liệu là ngày 31 tháng 3 của năm tiếp theo.

Nhằm tìm hiểu rõ hơn về quá trình triển khai, thực hiện các tiêu chí và tiêu chuẩn theo Thông tư 01, cũng như những định hướng chiến lược của nhà trường, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã ghi nhận chia sẻ từ đại diện của Học viện Ngoại giao.

Nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển nguồn nhân lực

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đại diện Học viện Ngoại giao cho biết, trước khi Thông tư 01 được ban hành, nhà trường đã có những chuyển biến mạnh mẽ, mang lại nhiều thành quả tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện tổ chức và quản trị theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Do đó, Học viện Ngoại giao tiếp nhận Thông tư 01 như một cơ hội để tiếp tục phát triển hơn là một thách thức.

Quyết liệt thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là Nghị quyết 19-NQ/TW, Học viện đã chuyển đổi sang mô hình tự chủ tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) từ năm 2023, bước đầu đã đạt những thành tựu đáng khích lệ, tạo dựng nền tảng cho những bước phát triển bền vững trong thời gian tới.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học, công nghệ diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu cùng những chuyển biến tích cực của đất nước trong thời gian vừa qua, Học viện đã tiến hành cập nhật sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi và triết lý giáo dục.

Theo đó, Học viện xác định sứ mạng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiên phong trong lĩnh vực hội nhập quốc tế, nghiên cứu, dự báo chiến lược và lan tỏa tri thức, phục vụ đắc lực và hiệu quả không chỉ trong ngành ngoại giao mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội. Đại diện nhà trường nhấn mạnh: “Học viện đã xác định ưu tiên quan trọng là phát triển bền vững, hướng tới các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế”.

Đồng thời, Học viện Ngoại giao đã tiến hành rà soát và cập nhật Chiến lược phát triển giai đoạn 2024-2029 với những chỉ tiêu cụ thể để phù hợp với bối cảnh mới. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, bao gồm đội ngũ quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay của Học viện.

 Lãnh đạo và sinh viên Học viện Ngoại giao chụp ảnh kỷ niệm cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 (AFF 2025). (Ảnh: NTCC)

Lãnh đạo và sinh viên Học viện Ngoại giao chụp ảnh kỷ niệm cùng Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 (AFF 2025). (Ảnh: NTCC)

Theo đại diện nhà trường, Học viện sở hữu nguồn nhân lực có chất lượng cao, được đào tạo bài bản ở bậc thạc sĩ và tiến sĩ tại nhiều trường đại học danh tiếng trên thế giới, có kinh nghiệm thực tiễn phong phú khi tham gia công tác đối ngoại tại các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài/các tổ chức quốc tế, được quy hoạch bài bản và có nhiều cơ hội tham gia các chương trình bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn chuyên sâu về quản lý và chuyên môn.

Đặc biệt, chính sách tuyển dụng hiệu quả được phân cấp thực hiện với việc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển, cùng kế hoạch khuyến khích đội ngũ nghiên cứu viên và giảng viên tham gia các chương trình đào tạo tại các trường đại học uy tín trên thế giới và ở Việt Nam, và với tỷ lệ đội ngũ có trình độ tiến sĩ đạt 40%. Trong giai đoạn hiện nay, Học viện đáp ứng tốt tiêu chuẩn về giảng viên được quy định tại Thông tư 01.

Học viện đã triển khai nhiều chính sách nhằm xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại và thúc đẩy đội ngũ nghiên cứu viên và giảng viên chuyên tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, giảng dạy và phục vụ cộng đồng.

Ngoài ra, Thông tư số 01 đặt ra yêu cầu về cơ sở vật chất, hệ thống thông tin và học liệu nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

“Từ năm 2021, Học viện đã đầu tư xây dựng và mở rộng cơ sở vật chất với các phòng học, phòng hội thảo/ hội nghị quốc tế, phòng thực hành hiện đại; đồng thời nâng cấp thư viện và ký túc xá, tạo môi trường chuyên nghiệp, thân thiện và thuận lợi hơn cho giảng dạy, học tập và nghiên cứu.

Ngoài ra, Học viện đang đẩy nhanh triển khai các kế hoạch cụ thể nhằm hiện thực hóa chiến lược mở rộng và hiện đại hóa cơ sở vật chất. Đáng chú ý là Dự án “Tăng cường năng lực đào tạo và nghiên cứu bằng nguồn vốn ODA và vốn đối ứng” và Dự án xây dựng mới cơ sở 2 của Học viện.

Những nỗ lực này không chỉ nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Học viện Ngoại giao trong tương lai”, đại diện nhà trường chia sẻ.

Trong những tiêu chuẩn của Thông tư 01, quy định về tuyển sinh và đào tạo nhận được nhiều quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học. Theo tìm hiểu của phóng viên, với những tiêu chuẩn liên quan đến tuyển sinh và đào tạo, Học viện Ngoại giao không chỉ đáp ứng được các tiêu chí mà còn ghi dấu ấn với tỷ lệ sinh viên có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp trên 90% (theo số liệu khảo sát của nhà trường các năm 2022 và 2023).

 Sinh viên Học viện Ngoại giao tham dự Tọa đàm về Luật biển Quốc tế ngày 11/10/2024. (Ảnh: NTCC)

Sinh viên Học viện Ngoại giao tham dự Tọa đàm về Luật biển Quốc tế ngày 11/10/2024. (Ảnh: NTCC)

Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục thu hút nhiều học sinh trung học phổ thông giỏi thi vào trường, Học viện đã triển khai các chính sách mới, chú trọng đa dạng hóa phương thức tuyển sinh, đặc biệt khuyến khích thí sinh có chứng chỉ quốc tế tham gia xét tuyển.

Đồng thời, các đề án mở ngành đào tạo mới đang được khẩn trương xây dựng để đáp ứng xu thế phát triển kinh tế - xã hội và khoa học kỹ thuật trong thời đại mới, mở rộng cơ hội học tập cho sinh viên trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là những lĩnh vực then chốt, gắn với chiến lược phát triển của đất nước.

Công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh nhằm giới thiệu môi trường học tập hiện đại, đa ngành, không chỉ trong lĩnh vực ngoại giao mà còn ở nhiều lĩnh vực phục vụ hội nhập quốc tế khác. Học viện Ngoại giao nỗ lực phát huy hiệu quả mạng lưới cựu sinh viên để tăng cường sự kết nối, lan tỏa giá trị đào tạo và nghiên cứu, qua đó thu hút sự quan tâm của các thí sinh tiềm năng, góp phần giữ vững và phát triển thương hiệu Học viện.

Phát huy những thành tựu và thế mạnh hợp tác quốc tế, Học viện Ngoại giao không ngừng đổi mới chương trình và phương pháp đào tạo theo hướng đáp ứng các chuẩn mực đào tạo quốc tế.

Đại diện Học viện khẳng định: “Trong những năm qua, Học viện Ngoại giao đã rà soát, đối chiếu với hệ thống tiêu chuẩn kiểm định quốc tế, nghiên cứu các mô hình đào tạo tiên tiến của các trường đại học hàng đầu, từ đó triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giảng dạy, tạo dựng môi trường học thuật hiện đại, cởi mở và sáng tạo. Học viện đã ban hành Kế hoạch hành động, trong đó đặt mục tiêu kiểm định chu kỳ 2 các chương trình đào tạo đại học theo tiêu chuẩn quốc tế.

Song song với việc nâng cao chất lượng đào tạo, Học viện thúc đẩy hợp tác với các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp để tăng cường cơ hội thực hành, kết nối thực tiễn, đồng thời mở rộng các cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên. Công tác chuyển đổi số cũng đang được đẩy mạnh, trong đó từng bước áp dụng bài giảng điện tử đối với một số học phần nhằm đa dạng hóa phương pháp học tập, giúp sinh viên tiếp cận kiến thức một cách linh hoạt và hiệu quả hơn”.

 Học viện Ngoại giao đón Thủ tướng Hà Lan Mark Ruth đến thăm và dự hội thảo tại trường vào tháng 11/2023. (Ảnh: NTCC)

Học viện Ngoại giao đón Thủ tướng Hà Lan Mark Ruth đến thăm và dự hội thảo tại trường vào tháng 11/2023. (Ảnh: NTCC)

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, gắn kết giảng dạy – nghiên cứu, và tăng cường công bố quốc tế

Thông tư 01 nêu rõ, cơ sở giáo dục đại học có năng lực nghiên cứu và đổi mới sáng tạo thể hiện qua nguồn thu từ các hoạt động này và kết quả công bố khoa học.

Bàn đến quy định tại tiêu chuẩn 6 về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo của thông tư, đại diện nhà trường cho biết, Học viện Ngoại giao có hai viện gồm Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao và Viện Biển Đông, thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và dự báo chiến lược về các vấn đề khu vực và quốc tế nhằm tham mưu và tư vấn chính sách cho Bộ Ngoại giao trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế, đồng thời hỗ trợ hiệu quả công tác đào tạo.

Ngoài ra, với vị thế là đầu mối quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học của Bộ Ngoại giao, Học viện quy tụ đội ngũ chuyên gia, nhà ngoại giao, nhà nghiên cứu và giảng viên, góp phần thúc đẩy nghiên cứu gắn liền với thực tiễn đối ngoại của Việt Nam.

Những năm qua, Học viện không ngừng nâng cao chất lượng nghiên cứu theo chuẩn quốc tế, được nằm trong top 36 bảng xếp hạng toàn cầu của Đại học Pennsylvania, Mỹ - danh sách các cơ quan nghiên cứu tham mưu/tư vấn chính sách liên quan đến Chính phủ tốt nhất trên thế giới.

Học viện được cộng đồng học thuật quốc tế công nhận là 1 think-tank (tổ chức tư vấn về chính sách) uy tín tại Đông Nam Á, tổ chức thành công nhiều hội nghị/ hội thảo quốc gia, quốc tế quan trọng như Diễn đàn Tương lai ASEAN, chuỗi Hội thảo quốc tế về Biển Đông, Diễn đàn quốc tế Mê Công, chuỗi Hội thảo quốc tế về nghiên cứu Trung Quốc,…Đồng thời, hoạt động nghiên cứu khoa học của nghiên cứu viên, giảng viên và sinh viên cũng đạt nhiều thành tích với các đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia, cấp Bộ và cấp cơ sở, nhiều công trình đoạt giải được đăng trên các tạp chí trong nước, quốc tế.

Tuy nhiên, công tác nghiên cứu khoa học tại Học viện vẫn còn một số thách thức. Mặc dù số lượng và chất lượng nghiên cứu đã tăng đáng kể nhưng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu thực tiễn trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và sự thay đổi nhanh chóng của môi trường quốc tế.

Với đặc thù đào tạo trong các lĩnh vực khoa học xã hội và nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, tham mưu cho Bộ Ngoại giao trong hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại, hội nhập quốc tế, Học viện cần tiếp tục xác định ưu tiên nghiên cứu gắn với công bố trên các tạp chí uy tín thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus.

 Hội thảo khoa học cho sinh viên về Luật Quốc tế lần thứ ba. (Ảnh: NTCC)

Hội thảo khoa học cho sinh viên về Luật Quốc tế lần thứ ba. (Ảnh: NTCC)

Nhằm gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học và giảng dạy, Học viện đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm: Rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan để tăng cường hiệu quả nghiên cứu; Xác lập và theo dõi hệ thống KPI về nghiên cứu khoa học cho toàn bộ giảng viên và nghiên cứu viên; Khuyến khích nghiên cứu viên và giảng viên tham dự các hội thảo, hội nghị học thuật trong nước và quốc tế; Tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về phương pháp nghiên cứu và công bố quốc tế; Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, tập trung vào các lĩnh vực có thế mạnh và tính ứng dụng cao.

Thêm vào đó, Học viện áp dụng chính sách khen thưởng bao gồm tặng bằng khen và hỗ trợ tài chính cho các công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí thuộc danh mục Web of Science hoặc Scopus. Đồng thời, Học viện tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, tạo điều kiện để giảng viên, nghiên cứu viên và sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu chung với các trường đại học, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Với những nỗ lực này, Học viện Ngoại giao hướng đến việc xây dựng một môi trường nghiên cứu khoa học năng động, đổi mới và hội nhập quốc tế, vừa phục vụ công tác giảng dạy, vừa góp phần nâng cao vị thế học thuật của Học viện trên trường quốc tế.

“Với tư duy chiến lược, tầm nhìn toàn cầu, quyết tâm đổi mới và phát triển bền vững, Học viện Ngoại giao cam kết nỗ lực để thực hiện sứ mệnh và các mục tiêu phát triển đã đề ra, tuân thủ các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời đáp lại sự tin tưởng, kỳ vọng của xã hội và cộng đồng”, đại diện Học viện Ngoại giao bày tỏ.

Thúy Hiền

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/hoc-vien-ngoai-giao-no-luc-dap-ung-tieu-chuan-quoc-gia-va-quoc-te-ve-linh-vuc-gd-post250350.gd
Zalo