Học viện Hải quân: Đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học ngoại ngữ

Những năm qua, Học viện Hải quân đã chủ động triển khai chuyển đổi số trong công tác giáo dục - đào tạo, đặc biệt trong việc dạy và học ngoại ngữ. Từ đó, công tác đào tạo ngoại ngữ tại học viện đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Học viên trình bày tham luận tại Hội thảo Tiếng Anh về chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo tại học viện.

Học viên trình bày tham luận tại Hội thảo Tiếng Anh về chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo tại học viện.

Xây dựng học liệu số, đổi mới phương pháp dạy và học

Khoa Cơ bản - Ngoại ngữ và Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học là hai đơn vị được Học viện Hải quân chọn làm điểm trong lộ trình chuyển đổi số. Để thực hiện được kế hoạch đề ra, học viện đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp.

Đại tá, PGS. TS Hồ Thanh Hòa - Phó Giám đốc Học viện Hải quân cho biết, nhận thức chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong giáo dục - đào tạo ở các nhà trường quân đội, do đó, từ năm 2010, học viện đã chỉ đạo Khoa Cơ bản - Ngoại ngữ và Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học triển khai xây dựng học liệu số, bắt đầu từ những bước sơ khai là thiết kế bài giảng điện tử dạng e-book. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, các giảng viên ngoại ngữ đã luôn chủ động tiếp cận với những ứng dụng mới để không ngừng cập nhật, nâng cấp, đa dạng hóa nguồn học liệu số. Đến nay, học viện đã có nguồn học liệu số dạy học ngoại ngữ khá phong phú, đáp ứng được nhu cầu của người học với các bài giảng điện tử tương tác (iSpring, H5P); từ điển điện tử thuật ngữ chuyên ngành hải quân song ngữ; phim huấn luyện ngoại ngữ chuyên ngành; bộ học liệu số ngoại ngữ trên hệ thống dạy học trực tuyến e-learning.

Song song với việc xây dựng học liệu số, việc đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá cho phù hợp với định hướng chuyển đổi số là khâu then chốt. Với sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, từ năm 2020, Khoa Cơ bản - Ngoại ngữ đã chủ động thí điểm triển khai phương pháp dạy học kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Thượng tá Đào Thị Thanh Mai - Chủ nhiệm Khoa Cơ bản - Ngoại ngữ cho biết, với phương pháp này, các bộ môn Tiếng Anh và Tiếng Nga đã xây dựng chương trình dạy học kết hợp các bài giảng trực tiếp trên lớp của giảng viên với các giờ thực hành, tự học của học viên trên hệ thống dạy học trực tuyến e-learning. Người học có thể linh hoạt sắp xếp thời gian tự học trên hệ thống tại các phòng máy tính trong học viện. Giảng viên có thể truy cập hệ thống để kiểm tra kết quả tự học của học viên bất cứ thời điểm nào trong giờ làm việc.

Học viên đoạt giải Olympic Tiếng Anh toàn quân được học viện cử đi giao lưu tại Học viện Hải quân Ấn Độ.

Học viên đoạt giải Olympic Tiếng Anh toàn quân được học viện cử đi giao lưu tại Học viện Hải quân Ấn Độ.

Qua 4 năm triển khai, phương pháp dạy học này được đánh giá là phù hợp, tạo hứng thú và điều kiện thuận lợi cho người học trong tiếp thu và thực hành kiến thức, kỹ năng ngoại ngữ. "Bản thân tôi thấy việc áp dụng học trực tiếp kết hợp tự học trực tuyến rất thiết thực. Vì ngoài giờ học trên giảng đường, tôi có thể truy cập vào hệ thống để học trực tuyến bất cứ lúc nào, khá thuận tiện để học viên sắp xếp thời gian tự học, nâng cao khả năng ngoại ngữ cho bản thân", học viên Phan Văn Sang - Tiểu đoàn 5 chia sẻ.

Cùng với đó, Khoa Cơ bản - Ngoại ngữ cũng triển khai chuyển đổi từ hình thức kiểm tra, đánh giá truyền thống sang hình thức trực tuyến trên máy tính. Đến nay, tất cả các học phần ngoại ngữ đã áp dụng hình thức thi trực tuyến đối với các kỹ năng nghe, đọc và viết; áp dụng với kiểm tra quá trình, kết thúc học phần, đánh giá trình độ đầu ra cho đến thi tốt nghiệp. Hình thức thi, kiểm tra trực tuyến này đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ và thực hiện có hiệu quả chủ trương “dạy thực chất - học thực chất - kiểm tra, đánh giá thực chất”.

Đầu tư hạ tầng, nhân lực

Đại tá, PGS. TS Hồ Thanh Hòa cho biết, để triển khai hiệu quả các kế hoạch chuyển đổi số, học viện đã chú trọng bồi dưỡng công nghệ thông tin cho đội ngũ giảng viên và học viên; thường xuyên tổ chức tập huấn cho giảng viên phương pháp số hóa học liệu và khai thác các phần mềm dạy học. Bên cạnh đó, Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng và thi cấp chứng chỉ công nghệ thông tin cho cán bộ, giảng viên, học viên trong toàn học viện. Riêng các giảng viên ngoại ngữ thường xuyên được cử đi tham gia các khóa tập huấn, hội thảo về xây dựng học liệu số của các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước. Đến nay, các giảng viên ngoại ngữ tại học viện có trình độ công nghệ thông tin vững vàng, có thể khai thác tốt các phần mềm dạy học; chủ động, sáng tạo trong xây dựng học liệu số, phục vụ tốt cho công tác giảng dạy.

Học viên tự học ngoại ngữ trên hệ thống e-learning tại phòng thực hành.

Học viên tự học ngoại ngữ trên hệ thống e-learning tại phòng thực hành.

Được sự quan tâm của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân, Học viện Hải quân đã đầu tư xây dựng các phòng máy học ngoại ngữ đa phương tiện, bảng thông minh, các phần mềm dạy học trực tuyến và hệ thống mạng nội bộ. Cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chuyển đổi số trong dạy học ngoại ngữ. "Với những giải pháp toàn diện, công tác chuyển đổi số trong dạy học ngoại ngữ tại Học viện Hải quân đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ tại nhà trường, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại quốc phòng và hội nhập quốc tế của Quân chủng Hải quân và quân đội trong tình hình mới", Đại tá, PGS. TS Hồ Thanh Hòa nói.

VĨNH THÀNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202501/hoc-vien-hai-quan-day-manh-chuyen-doi-so-trong-day-va-hoc-ngoai-ngu-9d47d38/
Zalo