Học thật, thi thật, đánh giá thật

Người bạn tôi vừa nhận được bảng điểm cuối năm của con gái ở bậc THCS với toàn điểm 9, 10 và đánh giá kết quả năm học hoàn thành xuất sắc. Bạn chia sẻ không buồn mà cũng chẳng vui, vì con gái anh cũng như gần 30 học sinh của lớp cháu đều có kết quả học xuất sắc, trong khi thực tế không hẳn vậy.

Câu chuyện của anh không phải hiếm gặp. Ngày càng nhiều phụ huynh có trạng thái buồn vui lẫn lộn vì điểm cao ngất ngưởng của con. Thực tế học sinh chưa thực sự vượt trội, nhưng kết quả trong học bạ lại “lung linh”, khiến chính người trong cuộc cũng không còn tin vào những con số hiện lên trước mắt.

Học thật, thi thật, đánh giá thật. Ảnh minh họa

Học thật, thi thật, đánh giá thật. Ảnh minh họa

Vì sao lại có nghịch lý này? Một trong những nguyên nhân sâu xa chính là cách đánh giá và tuyển chọn hiện nay ở nhiều cấp học, đặc biệt là sơ tuyển đầu vào một số trường THCS, THPT chất lượng cao vẫn đặt nặng học bạ và điểm số. Học sinh muốn được vào trường tốt, phải có “hồ sơ đẹp”.

Có cung ắt có cầu! Từ đó, phụ huynh đặt kỳ vọng vào những con điểm cao, tạo nên áp lực vô hình đối với giáo viên. Không ít trường hợp, thầy cô “nương tay” trong đánh giá để chiều lòng phụ huynh. Mặt khác, vì sức ép thành tích trong thi đua, nhiều trường “bật đèn xanh” để làm đẹp bảng điểm cho học sinh.

Vòng xoáy đó lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, hình thành một thứ tâm lý phổ biến: Học bạ đẹp là cần thiết, dù năng lực thật đến đâu cũng không quá quan trọng. Đó là lúc bệnh thành tích bắt đầu len lỏi, ăn sâu vào nền giáo dục và tạo ra những méo mó trong giáo dục.

Bệnh thành tích hiện diện trên từng phiếu điểm đẹp như mơ, trong những buổi họp phụ huynh mà tất cả học sinh đều “hoàn thành tốt”, “hoàn thành xuất sắc”. Nó khiến học sinh thiếu đi trải nghiệm thực chất, làm mờ ranh giới giữa năng lực thật và thành tích ảo. Nghiêm trọng hơn, nó làm mất đi sự trung thực-một trong những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục.

Khi học sinh giỏi, xuất sắc chỉ là... trên giấy, các em sẽ học được điều gì? Rằng không cần cố gắng hết mình cũng được khen thưởng? Rằng không trung thực cũng chẳng sao, miễn có được kết quả đẹp? Những bài học lệch lạc như thế sẽ theo các em đến những bậc học cao hơn, thậm chí đi vào cả đời sống, công việc sau này.

Muốn chữa bệnh thành tích, cần phải bắt đầu từ sự thay đổi quan niệm của xã hội. Trước hết, phải cắt bỏ tiêu chí xét học bạ đang đặt ra ở nhiều nơi trong môi trường giáo dục. Từ đó, phụ huynh không cần phải “chạy dài” để lo “học bạ đẹp”, “điểm đẹp” cho con và trở về với hiện thực, chấp nhận rằng con mình có thể chưa giỏi, nhưng điều đó không phải đáng xấu hổ. Nhà trường cần mạnh dạn từ bỏ tư duy “an toàn số đông”, xây dựng cơ chế đánh giá khách quan, công khai và khuyến khích sự tiến bộ thực chất.

Giáo viên cũng cần được trao quyền để đánh giá đúng năng lực học sinh, thay vì phải chiều lòng các bên do áp lực từ nhiều phía. Khi không còn bị ràng buộc bởi bệnh thành tích, thầy cô sẽ có cơ hội làm đúng thiên chức: Dạy thật, chấm điểm thật, giúp học trò tiến bộ thật.

Đưa học sinh về điểm thực không phải là việc làm “ngược dòng”, mà là hành động cần thiết để trả lại sự trung thực, công bằng và nhân văn cho giáo dục. Một bảng điểm phản ánh đúng năng lực, dù có nhiều điểm 6, điểm 7 vẫn xứng đáng được trân trọng hơn bất kỳ học bạ nào toàn điểm 9, 10 nhưng rỗng chất lượng.

Nói đến đây, tôi lại nhớ hơn 20 năm về trước: Điểm trung bình chỉ 6,5 trở lên là lọt nhóm học sinh tiên tiến của lớp. Vậy mà học sinh vẫn vui và bố mẹ rất tự hào! Giờ đây con điểm 9, 10 mà cả gia đình và học sinh cũng chẳng biết vui hay buồn là sao?

Thực tế đó là hồi chuông để chúng ta can đảm nhìn vào sự thật. Hãy đưa học sinh trở về điểm thực của mình để các em biết mình đang ở đâu, từ đó mà phấn đấu, vươn lên bằng chính nỗ lực, ý chí và sự trung thực. Đó mới là mục tiêu thật sự của giáo dục.

Theo Quân đội nhân dân

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/hoc-that-thi-that-danh-gia-that-a424650.html
Zalo