Cùng thủ khoa mở khóa chọn trường: Bộ kỹ năng cho teen mê khối ngành Kỹ thuật - Công nghệ

HHTO - Ở buổi livestream 'Cùng thủ khoa mở khóa chọn trường' chiều ngày 21/7 do Báo Tiền Phong tổ chức, các chuyên gia đến từ các trường ĐH và Á khoa khối A toàn quốc Huỳnh Tường Ân đã chia sẻ những góc nhìn mới trong việc lựa chọn ngành nghề phù hợp trong bối cảnh thế giới đang không ngừng 'AI hóa'.

Thần chú “chọn ngành trước, chọn trường sau”

Theo TS. Đặng Thị Ngọc Lan - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long, khi đăng ký nguyện vọng, thí sinh cần lưu ý hai điều: quan tâm đến điểm sàn và sắp xếp nguyện vọng hợp lý, ưu tiên ngành mình yêu thích.

Nguyện vọng 1 nên là ngành - trường mơ ước nhất, kể cả khi vượt quá khả năng. Tiếp theo là ngành đó ở các trường khác, rồi đến các ngành gần. Ví dụ, nếu thích thiết kế vi mạch, có thể cân nhắc vật lý bán dẫn hoặc điện tử - viễn thông. Học điều mình đam mê là tiêu chí quan trọng nhất.

PGS.TS. Huỳnh Kim Lâm - Trưởng khoa Kỹ thuật Hóa học và Môi trường, Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG-HCM) cũng nhấn mạnh: phải đặt hai tiêu chí “sở thích” và “năng lực” lên hàng đầu. Đồng thời, cần có kế hoạch rõ ràng và chiến lược khi sắp xếp nguyện vọng, không quên thêm vào các lựa chọn an toàn. Việc chọn trường cũng nên cân nhắc đến cơ hội nghề nghiệp, mạng lưới kết nối, học phí và học bổng.

Không cần “đóng khung” bản thân vào một ngành duy nhất

TS. Đỗ Trọng Hợp - Phó Trưởng khoa Công nghệ Phần mềm, Trường ĐH CNTT (ĐHQG-HCM) lưu ý rằng mỗi ngành sẽ có điểm đầu vào khác nhau, nên nếu chưa đủ điểm vào ngành yêu thích, thí sinh vẫn có thể chọn ngành gần hoặc ngành khác trong cùng trường để tiếp cận kiến thức liên quan và học cùng đội ngũ giảng viên chất lượng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bảo Châu - Trưởng khoa CNSH - Trường Đại học Mở TPHCM cũng nói thêm rằng điều quan trọng là giữ vững đam mê, linh hoạt lựa chọn lộ trình phù hợp. Hiện nay, các ngành liên quan đến công nghệ như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu… đang thu hút sự quan tâm lớn từ Gen Z nhờ tiềm năng ứng dụng cao và cơ hội nghề nghiệp rộng mở.

Chọn ngành nào để không bị AI thay thế?

Khi nhận được câu hỏi này, TS. Đặng Thị Ngọc Lan đã “bẻ lái” theo hướng chủ động hơn: thay vì lo sợ bị thay thế, hãy học để làm chủ AI. Theo cô, điều mà các bạn 2K7 cần chú ý là xem AI như một công cụ hỗ trợ để nâng cao năng suất và học cách ứng dụng AI vào bất kỳ ngành nào mình theo đuổi.

TS. Đỗ Trọng Hợp cũng cho rằng AI có mặt ở mọi ngành. Thay vì xem nó là “đối thủ”, càng hiểu rõ AI thì bạn càng có lợi thế. Không phải học ngành gì để “né” AI, mà là học như thế nào để không bị thay thế: học thật sự chuyên sâu, đồng thời không quên bổ sung kiến thức liên ngành bằng cách chọn môi trường đào tạo hiện đại, chuyên nghiệp cho riêng mình.

PGS.TS. Huỳnh Kim Lâm cũng gợi ý các bạn học sinh nên cân nhắc chương trình liên kết quốc tế. Việc học trong môi trường hoàn toàn bằng tiếng Anh không chỉ giúp nâng cao sự tự tin, mà còn rèn luyện tư duy toàn cầu, khả năng thích nghi và phản xạ với thị trường lao động hiện đại.

Đồng hành cùng sĩ tử cả nước trong giai đoạn điều chỉnh nguyện vọng tuyển sinh đại học, Báo Tiền Phong tổ chức chuỗi livestream độc quyền “Cùng thủ khoa mở khóa chọn trường”.

Chương trình được phát sóng trực tuyến trên Báo điện tử Tiền Phong (tienphong.vn), fanpage và YouTube Báo Tiền Phong cũng như trên nền tảng số ở các trường đại học với lịch phát sóng cụ thể:

* Kỹ thuật - Công nghệ : 17h30, ngày 21/7/2025

* Kinh tế - Tài chính - Kinh doanh ngân hàng: 09h00, ngày 23/7/2025

* Khoa học xã hội - Nhân văn - Truyền thông: 15h00, ngày 23/7/2025

* Khoa học sức khỏe - Sư phạm - Ngôn ngữ: 15h00, ngày 24/7/2025

* Cách điều chỉnh nguyện vọng thông minh: 15h00, ngày 25/7/2025

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/cung-thu-khoa-mo-khoa-chon-truong-bo-ky-nang-cho-teen-me-khoi-nganh-ky-thuat-cong-nghe-post1762390.tpo
Zalo