Học tập và làm theo Bác về bảo tồn di sản
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa. Người cho rằng di sản văn hóa chính là linh hồn trường tồn của một dân tộc. Thấm nhuần tư tưởng của Người, những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng tại Bảo tàng và Thư viện tỉnh luôn nỗ lực gìn giữ, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, lan tỏa sâu rộng truyền thống lịch sử và bản sắc văn hóa đến với cộng đồng.

Cán bộ Bảo tàng và Thư viện tỉnh sưu tầm và trưng bày hiện vật, tư liệu.
Đồng chí Ngô Thị Hải Yến, Bí thư Chi bộ, Giám đốc Bảo tàng và Thư viện tỉnh, cho biết: Chi bộ có 45 đảng viên. Căn cứ chủ đề hằng năm, Chi bộ tổ chức các cuộc sinh hoạt chuyên đề, với các nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn của cơ quan. Đồng thời, lựa chọn nội dung đột phá về bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; quản lý hiện vật, tư liệu; bảo tồn và quảng bá các tác phẩm về Bác Hồ; quản lý và phát huy công trình văn hóa về Bác Hồ; giáo dục và truyền thông di sản. Mỗi cán bộ, đảng viên cụ thể hóa, đăng ký 2-3 phần việc làm theo Bác cụ thể sát với nhiệm vụ chuyên môn, gắn với chức năng, nhiệm vụ, vị trí công tác.

Cán bộ Bảo tàng và Thư viện tỉnh thực hiện số hóa tư liệu, hiện vật.
Thực hiện các nội dung đột phá, Bảo tàng và Thư viện tỉnh đã tham mưu xây dựng và triển khai các đề án, kế hoạch bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc thiểu số; kiểm kê, quản lý, tu bổ và lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích. Giai đoạn 2016-2024, có 15 di sản văn hóa phi vật thể của Sơn La đã được công bố và đưa vào danh mục quốc gia; trong đó, nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; có 10 di tích được xếp hạng; hơn 35.000 hiện vật, tư liệu được bảo quản tại Bảo tàng Sơn La. Mỗi năm, đơn vị nghiên cứu, sưu tầm thêm từ 200 đến 300 hiện vật, tư liệu phục vụ trưng bày.
Chị Lường Ngọc Ánh, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ bảo tồn - Bảo tàng, cho biết: Khắc ghi lời Bác Hồ dạy, chúng tôi luôn nỗ lực làm tốt công tác nghiệp vụ bảo tồn, bảo tàng, lưu giữ, bảo quản các hiện vật, tư liệu quý có giá trị về văn hóa, lịch sử của Sơn La. Trong đó, chú trọng ứng dụng số hóa di sản vào công tác chuyên môn; tiến hành kiểm kê đồng bộ, số hóa, chuẩn hóa tư liệu, hiện vật và đưa đến công chúng qua website hoặc mã QR-Code.

Các em học sinh tham quan triển lãm ảnh tư liệu lịch sử tại Bảo tàng và Thư viện tỉnh.
Bên cạnh đó, Chi bộ đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Tại khuôn viên Bảo tàng tỉnh, trưng bày cố định chuyên đề “Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Sơn La”, giới thiệu hiện vật, hình ảnh quý về tình cảm của Bác đối với đồng bào, cũng như tình cảm của đồng bào các dân tộc Sơn La dành cho Bác. Hằng năm, tổ chức triển lãm “Những tấm gương bình dị mà cao quý” nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh của Bác; phối hợp với Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch tổ chức triển lãm chuyên đề “Hệ thống tượng đài Bác Hồ ở Việt Nam và thế giới”; “Sưu tập bộ chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh giai đoạn 1945-1969”...

Du khác tham quan khu trưng bày hiện vật tại Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La.
Trong 2 năm (2023 và 2024), Chi bộ đã triển khai mô hình “Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương tại điểm Di tích quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La” cho học sinh các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh; tổ chức 154 cuộc giáo dục truyền thông, thu hút trên 320.000 lượt học sinh, sinh viên và chiến sĩ các lực lượng vũ trang tham gia.
Bằng tinh thần trách nhiệm và tình yêu với nghề, Chi bộ Bảo tàng và Thư viện tỉnh đang từng ngày học và làm theo Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong gìn giữ lịch sử, văn hóa và lan tỏa hình ảnh Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại đến với mỗi người dân, hun đúc tình yêu quê hương, đất nước từ những giá trị di sản bền vững.