Nhà thơ Hữu Thỉnh - Cây bút phê bình cự phách
Còn nhớ năm 2010, nhà thơ Hữu Thỉnh công bố tập lý luận phê bình đầu tiên nhan đề 'Lý do của hy vọng' chúng tôi đã viết bài khẳng định, do phải làm công tác Hội Nhà văn nên nhà thơ buộc phải viết lý luận phê bình. Bởi phải chủ trì các hội thảo, hội nghị, các lần trao đổi học thuật, các đợt triển khai nghị quyết của cấp trên.
Mười năm sau, tác giả lại cho ra đời cuốn tiểu luận phê bình thứ hai “Bến văn và những vòng sóng”. Tập này gồm 61 bài viết trong đó có một số là những tổng kết hội thảo, diễn văn, báo cáo tổng kết của người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam. Các bài phê bình văn học viết về các nhà văn, nhà thơ lớn như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Bính, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Lê Văn Thảo…

Nhà thơ Hữu Thỉnh tại lễ ra mắt sách “Ám ảnh chữ”.
Tập “Ám ảnh chữ” này được viết trong vòng 5 năm. Gồm 47 bài viết. Điều quan trọng và khác biệt nhất chính là nó được viết khi người viết đã được giải phóng khỏi mọi chức vụ. Lúc này đọc và viết chỉ còn là sự sung sướng và tự nguyện. Tác giả thổ lộ “dần dần lĩnh vực phê bình văn học làm tôi hứng thú không kém gì sáng tác”. Sẽ không có những tổng kết, báo cáo, diễn văn, đề dẫn. Bạn đọc sẽ thấy nội lực của Hữu Thỉnh khi trở lại với những tác giả mà anh đã viết trong tập trước với những khám phá mới.
Ví dụ như đánh giá về Chế Lan Viên, Hữu Thỉnh chỉ ra Chế Lan Viên có “vẻ đẹp âm tính” so với thơ mới mang “vẻ đẹp dương tính”. Đối với thơ Cách mạng thì Chế Lan Viên cũng góp 3 điều khác biệt đem lại sự hài hòa cho thơ Cách mạng. Đó là thăng hoa trí tuệ, đanh thép của chính luận và tráng ca, hùng ca. Chưa một nhà nghiên cứu nào đánh giá, so sánh như vậy. Hữu Thỉnh cũng tranh biện với những ý kiến khác để bảo vệ “Di cảo” của Chế Lan Viên “Di cảo là bản lĩnh, là nhân cách, là tâm huyết lao lung của một nhà thơ kì tài chứ không phải là sám hối, hoặc là phủ định như một số người cố tình gán ghép”.
Đánh giá về sáng tạo của Trần Dần trong trường ca “Đi! Đây Việt Bắc”. Hữu Thỉnh ví dụ 9 lần viết về lá, không lần nào giống lần nào, “Mỗi lần nhắc đến lá là mỗi lần thể hiện một cách nhìn, một tâm trạng khác nhau. Thế mới biết sáng tạo là câu chuyện của vô cùng”. Rồi người viết khẳng định: “Trần Dần đã đóng góp một giọng điệu riêng, một phong cách riêng, mang đến một giá trị bổ sung, làm phong phú thêm nền thơ ca chống Pháp trong tiến trình hiện đại hóa thơ Việt”.
Chúng ta đều biết Hữu Thỉnh là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ với nhiều thành tựu. Tác giả có những tập thơ, những tập trường ca được đánh giá rất cao. Đó là ngòi bút thơ ca tài hoa, sâu sắc. Với lợi thế đó, tác giả viết nhiều bài phê bình thơ của người cùng giới nổi bật trong tập này. Thống kê nhỏ cho chúng ta thấy có 4 bài tổng hợp, khái quát và phê bình chân dung ("Góp thêm cách nhìn về nửa thế kỉ văn học", "Truyện ngắn “lá cờ chuẩn” của Hữu Mai được dựng thành phim như thế nào", "Cảm nhận “Những bức chân dung văn hóa” của Hoàng Kim Đáng và Văn hóa trong quá trình xây dựng nước ta thành một nước phát triển"), Hữu Thỉnh chỉ có 9 bài viết phê bình văn xuôi so với 34 bài viết về thơ và trường ca. Như vậy đã rõ về việc dụng sở trường của mình của cây bút phê bình Hữu Thỉnh.
Viết về thơ bao gồm viết về tập thơ, về đời thơ, về trường ca của ai đó, tác giả đều đọc rất kĩ. Không ít lần chúng ta biết được công phu đọc của anh. “Tôi tự khuyến khích đọc thật chậm, đọc đi đọc lại rất kĩ từng bài để thấy hết những cố gắng của tác giả”. Hoặc “Tôi đã nhiều lần đọc tác phẩm này, lần nào cũng không cầm được nước mắt”.
Khi bình phẩm, bao giờ Hữu Thỉnh cũng chú ý đến sự tìm tòi, đổi mới về nội dung và bút pháp. Không ít lần, để thuyết phục bạn đọc, nhà thơ Hữu Thỉnh trở thành nhà bình thơ, bình bài thơ hay khổ thơ mà anh cho rằng độc đáo, sáng tạo.
Chẳng hạn, Hữu Thỉnh sau khi nhận định đã dẫn ra bài “Dựng nhà trên dãy Hoàng Liên” của Vũ Quần Phương, “một bài thơ toàn bích” và say sưa bình từ trang 184 đến 186. Ví dụ khác khi viết về Trần Nhương, tác giả vừa bình, vừa khen các bài thơ “Làng Sỏi”, “Vầng trăng trên đèo Ba Bông”, và “Vừa đủ”. Viết về nhà thơ Gia Dũng, Hữu Thỉnh bình kĩ hai bài thơ của tác giả là “Đò đêm” và “Chừng nào em về làng Đót?" rồi sung sướng kết luận “Tôi muốn nói lên sự sung sướng của nỗi bất ngờ và bất ngờ một cách sung sướng khi khám phá ra một Gia Dũng rất lạ, rất khác”.
Đọc các bài viết về thơ và trường ca, bạn đọc luôn thích thú được tác giả Hữu Thỉnh chỉ ra và chia sẻ những “câu thơ nhan sắc”. Tất nhiên không phải lúc nào tác giả cũng chọn đúng, cũng làm người đọc đồng tình, không chút phân vân. Nhưng đại đa số những câu thơ nhan sắc mà Hữu Thỉnh khen thì đúng là nhan sắc thật. Nhiều lắm các ví dụ, song chỉ dẫn ra một số câu tiêu biểu:
"Sau khi trải nỗi khổ to bằng thế giới/ Mẹ nhỏ lại/ Bằng đứa cháu kia thôi/ Một cô bé tóc bạc" (Trúc Thông).
"Chiếc ba lô bé nhỏ/ Treo vách nhà/ Đựng những ngày đẹp nhất đi xa" (Y Phương). "Hạt sương/ Ngủ trên chiếc lá/ Giật mình thức giấc/ Thấy mình màu xanh" (Trần Lê Khánh).
Không chỉ tinh tế về việc chọn những câu thơ nhan sắc, Hữu Thỉnh cũng rất giỏi việc khái quát nét riêng, độc đáo của mỗi nhà thơ mà anh động bút. Chỉ nêu hai ví dụ:
Đánh giá cống hiến của Bằng Việt:
“Sau hơn nửa thế kỉ cầm bút, Bằng Việt đã có những cống hiến xuất sắc về sáng tác, dịch thuật và khảo cứu. Anh là nhà thơ hàng đầu của thế hệ chống Mỹ. Thơ anh sớm có cách nhìn riêng, giọng điệu riêng, bút pháp riêng. Chất suy tưởng trong thơ anh phát triển theo sự vận động và thay đổi của đất nước”.
Đây là khái quát về Thi Hoàng, người luôn tìm tòi đã có “những câu thơ đẳng cấp và chắc sẽ có tuổi thọ cao”. “Đã rõ là Thi Hoàng đau đáu về đời, đau đáu về thơ. Nhưng anh vốn kị to tiếng, nên mạch thơ không bị lộ thiên, nó chìm nhuyễn vào sự sống. Và nhất là nó thành nhịp thở của hồn anh. Một người đang tự bạch, đang ngộ, đang chuyển cái năng lượng tâm hồn thành năng lượng chữ, người ấy phải nung nấu lắm chứ”.
Khác với Vũ Quần Phương độc canh ở mảng phê bình thơ, nhà thơ Hữu Thỉnh còn quan tâm đến văn xuôi, cụ thể là chín tập sách tiểu thuyết, ký sự. Ở đây, hơi tiêng tiếc là cái tinh tế, sắc sảo đã giảm đi mấy phần. Có lẽ người viết phê bình đã rời những sở trường của mình chăng?
Thành công hơn cả là bài viết về Nguyễn Trọng Tân, Nguyễn Bắc Sơn, Đỗ Hàn. Các bài viết về Phùng Văn Khai, Nguyễn Hữu Nhàn, Hoàng Quốc Hải, Trình Quang Phú, Hoàng Quảng Uyên thì thành công vừa vừa bởi một điều kị là tóm tắt, kể lại nội dung tác phẩm dài quá. Người đọc không thấy rõ nhà văn được nói đến. Nhất là với tác phẩm của Hoàng Quảng Uyên. Khi viết về tập “Trông vời cố quốc”, người đọc không thấy tác giả Hoàng Quảng Uyên đã đành, mà hình tượng Bác cũng không rõ.
Chỉ thấy nhà sử học không chuyên Hữu Thỉnh trình bày say sưa các sự kiện lịch sử xảy ra với Bác từ khi Người ra đi tìm đường cứu nước đến khi về Trung Quốc tham gia Hồng quân Trung Quốc mang quân hàm Thiếu tá với bí danh Hồng Quang. Trong cuốn sách vẫn còn nhiều lỗi chính tả do sơ suất đọc morát, và một số trích dẫn sai. Thật gay là bốn câu thơ ngắn trích, ba câu đều có từ sai hoặc thiếu:
"Trong vườn em trái ngọt đã “thấm” cành/ Hoa đã nở hương thơm dìu dặt tỏa/ Hạnh phúc đến chật vườn ong bướm “hót”/ Gió ôm mùi hương bay xa" ( tr. 470).
Tôi đối chiếu với “Sự im lặng biếc xanh”, trang 141, của Như Bình thì thấy tác giả Như Bình viết là: thắm cành, ong bướm hát và Gió ôm những mùi hương bay xa.
Tôi muốn dành những lời cuối để nói đến bài đầu tập “Góp thêm cách nhìn về nửa thế kỉ văn học”. Đây là một bài viết sâu sắc, công phu, vừa bao quát, vừa chi tiết, chi tiết từng tên tác giả và tác phẩm. Nhà phê bình Hữu Thỉnh đã khái quát rất chính xác hai việc lớn của 50 năm qua: Trả nợ quá khứ và nhập cuộc đổi mới. Tác giả đã giải thích rõ ràng, rất thuyết phục. Dẫn chứng về tác giả, tác phẩm vô cùng phong phú.
Riêng vấn đề biển đảo, Hữu Thỉnh dẫn chứng cha ông ta nói rừng vàng, biển bạc, mà anh chưa được đọc một áng văn hay nào viết về Biển. Nhưng 50 năm qua đã có "Đảo chìm" của Trần Đăng Khoa, "Trường ca Biển" của Hữu Thỉnh, "Tổ quốc nhìn từ Biển" của Nguyễn Việt Chiến, "Hòn đảo cuối chân trời" của Trần Nhuận Minh, "Quần đảo san hô" của Hà Đình Cẩn, "Từ biển mà lên" của Trịnh Công Lộc, "Hạ thủy những giấc mơ" của Nguyễn Hữu Quý, "Sóng trầm biển dựng" của Đoàn Văn Mật, "Đảo chìm và hơi thơ rừng chồi" của Vương Trọng, "Nơi khôn thiêng của biển" của Nguyễn Hữu Quang, "Trường Sa kì vĩ" của Sương Nguyệt Minh, "Biển xanh màu lá" của Nguyễn Xuân Thủy. (Mách nhỏ nhà phê bình Hữu Thỉnh là Trường ca "Biển mặn" của Nguyễn Trọng Tạo rất đáng kể vào đây!). Thật kính phục sức đọc, sức nhớ của một nhà thơ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh viết “Phàm làm thơ, ai cũng mong đợi một lời bình. […]Sợ nhất là rơi vào im lặng”. Không biết tác giả có đợi lời bình từ việc viết phê bình hay không. Nhưng tôi cứ viết lời bình này, vì tôn trọng, khâm phục, quý mến nhà thơ tài năng Hữu Thỉnh, càng thêm quý mến nhà phê bình cự phách Hữu Thỉnh với 3 tập sách đã in!