Học tập lẫn nhau

Ngành giáo dục cần mạnh dạn đề cao tinh thần học tập lẫn nhau giữa thầy và trò trong nhà trường

Câu chuyện một giáo viên "dỗi" không soạn bài và có thái độ chưa đúng mực với học sinh khi không hài lòng về việc phối hợp giảng dạy có thể coi là một "điển hình" về quan niệm giáo dục một chiều trong nhà trường. Đó là thái độ "nắm quyền sinh sát" của người dạy đối với người học, có khi bỏ qua cả chức phận, đạo đức nghề nghiệp của mình. Trên thực tế, nhận thức áp đặt trong hoạt động giáo dục ở nước ta còn nặng chiều từ trên xuống, cả trong cách thức tổ chức buổi học và các cách ứng xử liên quan. Điều này cần được điều chỉnh.

Có lẽ ngành giáo dục cần mạnh dạn đề cao tinh thần học tập lẫn nhau giữa thầy và trò trong nhà trường, theo tinh thần đối tượng nào cũng cần được tôn trọng và người học càng lớn tuổi thì càng cần được tôn trọng. Bởi vì người thầy truyền đạt và người học tiếp nhận. Cách thức thông thường là một chiều - do người thầy thể hiện tính áp đặt theo nếp vốn đã có từ trước, do cách dạy học lâu nay, do chương trình giảng dạy và có cả do người học không được dạy ý thức phản biện…

Tất nhiên, không phải một chiều tuyệt đối nhưng chiều ngược lại thường diễn ra lẻ loi và cá biệt. Lời người thầy mặc nhiên thành "khuôn vàng thước ngọc". Ngay cả ở bậc đại học, cao học giảng viên cứ trình bày thao thao mà không tạo cơ hội cho học viên đặt câu hỏi, nói gì đến phản biện. Như vậy, chính người thầy đã đóng khung kiến thức của mình. Mà trong không ít trường hợp, người thầy có thể có điều kiện nghiên cứu sâu về lý luận nhưng chưa hẳn sâu hơn người học về hoạt động thực tiễn. Như vậy tại sao không chú trọng "học lẫn nhau"?

Học tập lẫn nhau xứng đáng được nghiên cứu để trở thành một quy tắc giáo dục mới. Quy tắc này có thể bao gồm các nội dung chủ yếu như: sự truyền đạt không chỉ có chiều từ trên xuống mà có trao đổi, thảo luận, giải đáp thắc mắc; sự phản biện của người học đối với nội dung hoặc phương pháp do người thầy thể hiện; người thầy có thể học tập những kiến thức, phương pháp của người học để hoàn thiện giáo án của mình… Rõ ràng với cách làm việc này, người thầy phải tự nâng cao mình lên một bước, chủ động hơn nhưng cũng phải đào sâu hơn và liên tục làm mới cho kiến thức và bài giảng của mình. Sự trao đổi làm mối quan hệ người thầy và người học gần gũi, thân tình.

Học tập lẫn nhau thực ra không phải là một sáng kiến hay điều gì mới mẻ. Tự thân giáo dục đã hàm chứa nội dung phải học tập lẫn nhau chứ không phải chỉ người trò học của người thầy.

Tuy nhiên, để học tập lẫn nhau thực sự trở thành một quy tắc giáo dục thì đòi hỏi phải có những biện pháp mang tính bắt buộc đối với người giảng dạy, như trong việc soạn giáo án, phương thức thể hiện, câu hỏi thảo luận, giải đáp thắc mắc, kể cả việc ra đề và cách chấm các bài kiểm tra, bài thi cũng như cách thức đánh giá… Bên cạnh việc để cho người thầy có sự chủ động thì trong công tác quản lý phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện, tránh để buổi học/khóa học/chương trình học bị loãng, bị vỡ do người thầy chuẩn bị kém hoặc không có khả năng làm chủ nội dung giảng dạy của mình. Xét cho cùng, học tập lẫn nhau là để nâng cao chất lượng giáo dục.

Nguyễn Minh Hải

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoc-tap-lan-nhau-196241007210002354.htm
Zalo