Học sinh tự nguyện làm đơn xin học thêm, giáo viên có vi phạm Thông tư 29?

Một học sinh muốn được học thêm chính giáo viên dạy mình trên lớp bày tỏ thắc mắc liệu có cách nào, thậm chí viết đơn xin học để cô không vi phạm dạy thêm?

Độc giả Chu Ngân (Vĩnh Phúc) gửi câu hỏi tới Báo VietNamNet như sau:

“Em đang luyện thi vào lớp 10 và rất cần học thêm Văn. Cô giáo chủ nhiệm em dạy Văn rất tốt, rất tâm huyết và em cảm thấy muốn tiếp tục theo học cô. Em có thể viết đơn xin học hay thực hiện thủ tục nào để được cô dạy tiếp mà cô không vi phạm quy định không?”.

Về điều này, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT) cho rằng, nếu cô giáo dạy văn tốt và hay như thế chắc chắn có phương pháp dạy học tốt.

“Như vậy, tôi nghĩ dạy trên lớp, cô cũng dạy đủ rồi, đương nhiên cô sẽ giao thêm bài tập về nhà, yêu cầu học sinh viết, đọc, làm gửi để cô chấm, góp ý. Vậy tại sao em lại phải viết đơn để xin học thêm nữa?

Quan trọng nhất là cô dạy ít mà trò học nhiều chứ không phải cô dạy nhiều để trò học ít. Vì vậy em phải xem lại việc này. Em đã có ý thức như vậy, tôi tin rằng nếu em cứ tiếp tục đề xuất: ‘Cô cho em xin một bài nữa để em viết’, thì chắc chắn cô sẽ cho thêm mà không cần thu tiền; hay nếu em xin góp ý khi viết xong bài văn, cô cũng sẽ góp ý, không thu tiền.

Vì vậy, em không cần viết đơn, cứ làm thế, chắc chắn thầy cô không thể từ chối”, ông Thành nói.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT (phải) chia sẻ tại tọa đàm: "Thông tư 29: Cơ hội hay thách thức cho giáo dục?" do Báo VietNamNet tổ chức mới đây.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD-ĐT (phải) chia sẻ tại tọa đàm: "Thông tư 29: Cơ hội hay thách thức cho giáo dục?" do Báo VietNamNet tổ chức mới đây.

Nói thêm về tình huống này, TS Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho hay, tất cả các giáo viên đều phải chịu trách nhiệm với “sản phẩm” mình đào tạo.

Theo đó, nhiệm vụ của giáo viên dạy trên lớp là cung cấp kiến thức, hướng dẫn cho học sinh và cũng phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra của học sinh.

Học sinh thấy giáo viên dạy hay, đó là điều đáng mừng. Nhưng không có nghĩa vì thế phụ huynh, học sinh tập hợp mọi người làm đơn là cô có thể dạy thêm cho con. Cô giáo có dạy kiểu gì cũng không đúng quy định bởi Thông tư 29 có nêu rõ giáo viên không dạy thêm cho học sinh mình dạy chính khóa trên trường và có dạy trong một số trường hợp nhất định thì không thu tiền.

"Các thầy cô phải chịu trách nhiệm đến cùng với sản phẩm đào tạo của mình. Do đó, học sinh cứ yên tâm học và tôi tin các thầy cô không tiếc thời gian cũng như không ngại cung cấp, rà soát lại các kiến thức cần thiết giúp học sinh", bà Quỳnh nhấn mạnh.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam chia sẻ, ông khuyến khích các giáo viên phải “chặn quán tính” của học trò khi thấy bạn mình đi học thêm và cứ nghĩ phải học thêm nữa thì mới giỏi.

“Học sinh giỏi rồi không cần học thêm kiến thức trên lớp nữa, thay vào đó học những thứ khác. Giáo viên phải định hướng thêm cho các em tự tin, tin vào năng lực của bản thân để vượt qua khó khăn, hiểu rằng nếu dựa mãi vào người khác sẽ không thể phát triển”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cũng cho rằng thầy cô nên “chặn quán tính” muốn học thêm của học sinh.

“Thấy các em muốn học thêm mình, giáo viên cứ thế đồng ý, không có ý kiến gì là không đúng. Nếu thầy cô thực sự giỏi, số bài tập giao ít nhất vẫn giúp học sinh có được năng lực tốt nhất. Một người thầy giỏi, chỉ trong một giờ học thôi sẽ không ra 2 bài tập giống nhau. Giao 2 bài tập cũng phải cho học sinh thấy bài này và bài kia khác gì nhau. Chính sự ‘khác’ đó dần dần học sinh mới biết còn khối kiến thức nào, bài nào nữa cần phải làm hay không”, ông Thành nói.

Mời độc giả xem thêm phần giải đáp các thắc mắc liên quan đến Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm của đại diện Bộ GD-ĐT:

Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoc-sinh-tu-nguyen-lam-don-xin-hoc-them-giao-vien-co-vi-pham-thong-tu-29-2371472.html
Zalo