Học sinh tái hiện những tác phẩm văn học trên sân khấu

Ngày 25/1, Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Quận 10, TP.HCM) đã tổ chức chuyên đề Sân khấu hóa tác phẩm văn học và tích hợp liên môn.

Học sinh khối 6 với tiểu phẩm Thầy bói xem voi

Học sinh khối 6 với tiểu phẩm Thầy bói xem voi

Chuyên đề do tổ Ngữ văn triển khai, tích hợp với môn GDCD, Âm nhạc, Mĩ thuật, Lịch sử, Địa lý với sự tham gia của toàn thể học sinh nhà trường.

Theo đó, 13 tiết mục đặc sắc, được đầu tư công phu với sự tham gia của hơn 120 học sinh của các khối, lớp đã làm sống dậy những tác phẩm văn học từ văn học dân gian tới văn học viết qua từng giai đoạn.

Học sinh nhập vai rất nhập tâm

Học sinh nhập vai rất nhập tâm

Những câu chuyện ngụ ngôn, những câu tục ngữ, ca dao, những làn điệu dân ca, hay các tiết mục kết hợp trình diễn như Dời Đô ngàn năm vang mãi, Cảnh ngày Xuân của Truyện Kiều hay bài thơ Đồng chí … đã được học sinh truyền tải lại một cách sáng tạo trên sân khấu nhà trường.

Tiết mục múa Bánh trôi nước của lớp 7/1 và 7/2

Tiết mục múa Bánh trôi nước của lớp 7/1 và 7/2

Theo cô Phạm Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng nhà trường, đây là năm thứ tư, tổ Ngữ văn tổ chức chuyên đề ngoại khóa. Mỗi năm chương trình đều được đầu tư rất công phu, ngày càng đặc sắc, thể hiện sự sáng tạo, tâm huyết của giáo viên, học sinh.

Cô Phạm Thị Thanh Bình (bìa phải) cùng tham gia với học sinh trong một tiết mục

Cô Phạm Thị Thanh Bình (bìa phải) cùng tham gia với học sinh trong một tiết mục

Chuyên đề giúp các em có thêm vốn liếng văn chương và khả năng cảm thụ văn chương trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, tình cảm. Từ đó, khơi nguồn hứng thú với môn Ngữ văn, giúp các em yêu thích môn học này hơn và có phương pháp học tập hiệu quả.

Học sinh lớp 9/1 tham gia tiết mục múa Bài thơ về Tiểu đội xe không kính

Học sinh lớp 9/1 tham gia tiết mục múa Bài thơ về Tiểu đội xe không kính

Cô Nguyễn Thị Phượng Linh, Tổ trưởng tổ Ngữ văn chia sẻ thêm, chuyên đề giúp học sinh tiếp cận những hoạt động vui học, rèn thêm các kỹ năng trong giao tiếp, làm việc nhóm… Đặc biệt, sân khấu hóa các tác phẩm văn học cũng là nơi để các em phát huy sở trường, năng lực của mình về ca hát, chơi đàn, diễn xuất, vẽ,...

Tiết mục Trao duyên lớp 9/4

Tiết mục Trao duyên lớp 9/4

Qua đó, các thầy cô mong muốn các em hiểu sâu sắc hơn những giá trị văn hóa, văn học dân tộc tộc. Từ đó, giáo dục các em tình yêu quê hương, đất nước, con người Việt Nam, tự hào về những giá trị truyền thống vẻ vang của dân tộc.

Học sinh trả lời câu hỏi ở phần Hỏi đáp

Học sinh trả lời câu hỏi ở phần Hỏi đáp

Chuyên đề còn củng cố kiến thức cho học sinh qua phần Hỏi-đáp với những câu hỏi có liên quan đến kiến thức văn học, lịch sử.

Chuyên đề khép lại với màn múa hát Việt Nam ơi! Đánh bay Covid

Chuyên đề khép lại với màn múa hát Việt Nam ơi! Đánh bay Covid

Lê Tuấn Khang, lớp 6/9, vào vai thầy bói cho biết: "Con thấy rất vui, khá thú vị. Để đóng vai, tụi con cũng phải đọc hết và hiểu về tác phẩm". Nhóm của Tuấn Khang đã có gần 2 tuần để tập luyện. Khang cho hay, nhóm đã cho một số chi tiết hài hước vào để tăng sự hấp dẫn cho hoạt cảnh.

Tiểu phẩm Thầy bói xem voi của học sinh khối 6

Tiểu phẩm Thầy bói xem voi của học sinh khối 6

Theo Khang, đây là chuyên đề bổ ích, qua câu chuyện ngụ ngôn Thầy bói xem voi, các em đã hiểu được bài học ý nghĩa chính là cuộc sống muôn màu, mọi sự việc hiện tượng là muôn mặt, để có cái đánh giá về một vấn đề, sự việc nào đó cần phải có cái nhìn tổng thể, xem xét kỹ lưỡng.

Tương tự, Nguyễn Duy Thông, lớp 8/1 cùng với các bạn đã tái hiện lại hình ảnh vua Lý Công Uẩn với tác phẩm “Chiếu dời đô”. Tiết mục nhận được rất nhiều lời khen của các thầy cô, học sinh toàn trường khi Duy Thông thể hiện rất đạt hình ảnh vua Lý.

Học sinh lớp 8/1 và 8/11 với tiết mục Dời Đô ngàn năm vang mãi

Học sinh lớp 8/1 và 8/11 với tiết mục Dời Đô ngàn năm vang mãi

Thông cho biết bản thân mất khoảng 1 tháng để tập luyện cho tiết mục. Tiết mục kết hợp với bộ môn Lịch sử, Địa lý và Âm nhạc, Văn… Để có thêm kiến thức Thông tìm hiểu thêm ở trên mạng.

“Khi vào vai vị vua, con phải thể hiện được sự uy nghiêm, thể hiện được thần thái của vua. Hình ảnh vua Lý Công Uẩn khắc sâu trong tâm trí, cũng như sự kiện lịch sử liên quan đến vị vua này đã được con ghi nhớ", Thông cho biết.

Trích đoạn Cảnh ngày xuân của lớp 9/3

Trích đoạn Cảnh ngày xuân của lớp 9/3

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hoc-sinh-tai-hien-nhung-tac-pham-van-hoc-tren-san-khau-mcwL93fGR.html
Zalo