Miễn học phí: Bước tiến công bằng từ chủ trương lớn

Theo các đại biểu Quốc hội, chính sách miễn học phí thể hiện bước tiến lớn về công bằng giáo dục, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho mọi trẻ em trên toàn quốc.

Mở rộng nhóm đối tượng được thụ hưởng

Phát biểu tại phiên thảo luận tại tổ vào chiều ngày 22/5 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông và người học chương trình giáo dục phổ thông, đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn Hà Nội) khẳng định: Đây là một chủ trương lớn, mang tính nhân văn sâu sắc và thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ ta. Chính sách này mở ra bước tiến quan trọng trong việc bảo đảm quyền tiếp cận giáo dục công bằng, toàn diện cho mọi người dân.

Toàn cảnh phiên họp tại tổ của Đoàn Hà Nội vào chiều 22/5. Ảnh: QH

Toàn cảnh phiên họp tại tổ của Đoàn Hà Nội vào chiều 22/5. Ảnh: QH

Theo ông Sơn, việc ban hành Nghị quyết là hết sức cấp thiết, dựa trên cơ sở pháp lý và thực tiễn vững chắc. Dự thảo đã quán triệt đầy đủ tinh thần của Hiến pháp năm 2013, các kết luận chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư về giáo dục phổ cập, trong đó nêu rõ định hướng miễn học phí cho học sinh công lập, hỗ trợ học sinh tư thục. Điều này tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán của Đảng “giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Một điểm mới quan trọng của chính sách lần này là mở rộng đáng kể nhóm đối tượng được thụ hưởng, bao gồm: Trẻ em mầm non dưới 5 tuổi, học sinh trung học phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục thường xuyên và cả học sinh tại các trường tư thục, dân lập.

Điều này không chỉ xóa bỏ rào cản tài chính, chính sách còn thúc đẩy công bằng giữa trường công và trường tư, giữa khu vực thành thị và nông thôn, giữa hệ chính quy và không chính quy.

Đề cập đến yếu tố thực thi, ông Sơn đánh giá cao sự chuẩn bị kỹ lưỡng của Chính phủ. Theo Tờ trình số 283/TTr-CP, ngân sách cần bổ sung khoảng 8.200 tỷ đồng mỗi năm. Với quy mô dân số và hệ thống giáo dục lớn, thành phố Hà Nội sẽ chịu áp lực ngân sách không nhỏ.

Tuy nhiên, đây là khoản đầu tư hợp lý, đúng thời điểm, giúp giảm gánh nặng tài chính cho hàng triệu gia đình, đặc biệt trong bối cảnh hậu Covid-19 và chi phí sinh hoạt gia tăng”- đại biểu khẳng định.

Về lâu dài, chính sách miễn học phí phổ thông sẽ tạo nền tảng để từng bước phổ cập giáo dục 12 năm.

Vị đại biểu này nhấn mạnh: “Miễn học phí không chỉ là chính sách xã hội mà còn là một cam kết đạo lý”. Đồng thời khẳng định, đây là điều kiện để học sinh được tiếp cận tri thức bình đẳng, giảm nguy cơ bỏ học do khó khăn kinh tế, điều vẫn còn tồn tại rõ nét ở những đô thị như Hà Nội.

Tuy nhiên, theo đại biểu, chính sách chỉ đạt hiệu quả nếu đi đôi với bảo đảm chất lượng giáo dục. Người dân kỳ vọng không chỉ miễn phí, mà còn được học trong môi trường tốt, có đội ngũ giáo viên ổn định và chương trình giảng dạy phù hợp. Vì vậy, cần có cơ chế phân bổ ngân sách hợp lý, tránh tình trạng “cào bằng” gây quá tải cho các địa phương.

Ông cũng đề xuất: Hà Nội với vai trò là Thủ đô, nơi có điều kiện thuận lợi cần đi đầu trong triển khai thí điểm, đặc biệt là ứng dụng công nghệ trong quản lý học phí, số hóa hồ sơ, minh bạch quy trình chi trả. Đồng thời, thành phố có thể huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ hệ thống giáo dục, qua đó làm hình mẫu để các địa phương khác học tập, nhân rộng.

Đảm bảo chính sách miễn học phí thực sự công bằng

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) bày tỏ đồng tình với chủ trương miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh phổ thông, cho rằng đây là chính sách mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục, phù hợp với Hiến pháp, Luật Giáo dục và các cam kết quốc tế của Việt Nam.

 Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương Ảnh: Khánh Duy

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Hải Dương Ảnh: Khánh Duy

Đại biểu nhấn mạnh, chính sách có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh phân hóa giàu - nghèo ngày càng rõ nét, áp lực chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt với các gia đình thu nhập thấp ở nông thôn, miền núi. Miễn học phí sẽ giúp giảm gánh nặng tài chính, chống bỏ học, tạo cơ hội đến trường cho mọi trẻ em.

Đại biểu phân tích, trong bối cảnh thu nhập của nhiều hộ gia đình, nhất là ở nông thôn và miền núi còn thấp, việc miễn học phí ở trường công lập và hỗ trợ học phí ở cơ sở ngoài công lập là giải pháp giảm gánh nặng tài chính, giúp ngăn chặn tình trạng bỏ học và tạo điều kiện cho mọi trẻ em đều được đến trường.

Tuy nhiên, để chính sách đi vào thực chất, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nhấn mạnh, cần thiết kế cơ chế phân bổ, quản lý ngân sách chặt chẽ, minh bạch để tránh thất thoát, trục lợi. Việc giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ là phù hợp, song cần có khung hướng dẫn thống nhất từ Trung ương để bảo đảm sự công bằng giữa các địa phương.

Về đối tượng thụ hưởng, đại biểu cho rằng, cần có lộ trình thực hiện phù hợp, ưu tiên trước cho cấp học phổ cập mầm non để tránh gây áp lực ngân sách. Trong bối cảnh mức học phí giữa công lập và ngoài công lập có sự chênh lệch lớn, nhất là tại các đô thị, việc hỗ trợ cần nguyên tắc rõ ràng: Không vượt quá mức học phí được miễn tại các trường công lập tương ứng. Đồng thời, cần xây dựng khung học phí chuẩn cho từng cấp học, từng năm học để làm căn cứ chi trả thống nhất.

Nên quy định rõ cách hỗ trợ học phí

Đại biểu Nguyễn Thị Yến (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng tình với chủ trương miễn, hỗ trợ học phí, đánh giá đây là chính sách nhân văn, phù hợp với trình độ phát triển hiện nay của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đức Nghĩa

Đại biểu Nguyễn Thị Yến - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ảnh: Đức Nghĩa

Theo bà, chính sách này không chỉ giúp nâng cao mức sống mà còn giảm áp lực tài chính cho người dân, đặc biệt là với thiếu niên, nhi đồng.

Tuy nhiên, góp ý vào Điều 2 của dự thảo, bà Yến băn khoăn với quy định giao Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định mức học phí. Hiện nay, cả nước có 63 tỉnh, nhưng chỉ 18 địa phương có cơ chế phân chia ngân sách với Trung ương.

Với các tỉnh còn lại, đại biểu đặt vấn đề: “Nguồn ở đâu để Hội đồng nhân dân quyết định?”. Do đó, bà đề xuất cần xem xét để Trung ương đảm bảo toàn bộ nguồn lực.

Liên quan đến tổ chức thực hiện (Điều 4), đại biểu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ban hành văn bản hướng dẫn, cần quy định rõ phương thức hỗ trợ học phí. Với học sinh trường công lập, cần làm rõ việc chuyển tiền hỗ trợ trực tiếp cho hộ dân hay cho nhà trường. Với trường dân lập, cần quy định mức hỗ trợ ngang bằng mức học phí của trường công lập tương ứng.

Dẫn ví dụ từ thực tiễn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Yến cho biết, địa phương đã có chính sách hỗ trợ học phí trong ba năm qua cho học sinh từ mầm non đến THPT ở cả công lập và dân lập. Trong đó, mức hỗ trợ cho trường dân lập bằng với trường công lập. Việc chuyển tiền hỗ trợ cũng được thực hiện trực tiếp cho người dân, giúp thuận tiện và minh bạch hơn trong quá trình triển khai.

Các đại biểu cũng lưu ý: Chính sách hỗ trợ học phí chỉ là một phần trong tổng thể chính sách phát triển giáo dục. Muốn tạo chuyển biến bền vững, phải đồng bộ các cơ chế để khuyến khích xã hội hóa. Hiện, các chính sách ưu đãi đối với giáo dục ngoài công lập còn hạn chế, thiếu sức hút, khiến nhiều địa phương thiếu cả trường công và ngoài công lập.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/mien-hoc-phi-buoc-tien-cong-bang-tu-chu-truong-lon-388869.html
Zalo