Indonesia dạy trẻ em tư duy phản biện để không bị phụ thuộc AI
Chuyên gia tâm lý học lâm sàng Indonesia, Tiến sỹ Adityana Kasadravati Putranto khuyến khích các bậc cha mẹ dạy con cái các quy trình tư duy phản biện, để trẻ em không quen dựa vào kết quả tức thời từ công nghệ, bao gồm cả trí tuệ nhân tạo (AI).
Trả lời Hãng thông tấn Indonesia (Antara) hôm qua (3/5), chuyên gia tâm lý học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Lâm sàng Indonesia, Adityana Kasadravati Putranto cho biết, dạy trẻ em không chỉ cách tiếp nhận thông tin từ AI mà còn cách đặt câu hỏi và phân tích các câu trả lời được đưa ra.

Khuyến khích trẻ sáng tạo và hoàn thành nhiệm vụ theo cách đòi hỏi suy nghĩ và nỗ lực cá nhân.
Cùng thảo luận với trẻ về cách AI hoạt động và những lỗi tiềm ẩn có thể xảy ra. Ngoài ra, cần phải hình thành tư duy AI chỉ là công cụ chứ không phải là sự thay thế cho nỗ lực của trẻ em. Cha mẹ nên khuyến khích con cái sáng tạo và hoàn thành nhiệm vụ theo cách đòi hỏi suy nghĩ và nỗ lực cá nhân.
Nhà tâm lý học Adityana Kasadravati Putranto nhấn mạnh, tầm quan trọng của cha mẹ trong việc hướng dẫn trẻ em khi sử dụng AI, bao gồm việc giới hạn thời gian sử dụng và lựa chọn các ứng dụng an toàn. Cha mẹ cần phải tham gia vào quá trình sử dụng AI của trẻ em, không chỉ với tư cách là người giám sát mà còn là người bạn đồng hành. Điều này bao gồm thảo luận về những gì trẻ em đang học và cách sử dụng công nghệ.
Việc đặt ra giới hạn sử dụng công nghệ cũng rất quan trọng vì thời gian sử dụng màn hình quá nhiều có thể gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh nên tạo thời gian biểu cân bằng giữa thời gian học và thời gian vui chơi. Đồng thời lựa chọn những ứng dụng đã được thử nghiệm, có nội dung cung cấp phù hợp với độ tuổi và đảm bảo an toàn cho trẻ em.
Tiến sỹ Adityana Kasadravati Putranto đặc biệt lưu ý, cha mẹ cần thảo luận với con cái về tầm quan trọng của sự trung thực và liêm chính khi sử dụng AI. Dạy trẻ cách đạo văn và sử dụng công nghệ có đạo đức. Khẳng định việc sử dụng AI không thể thay thế những trải nghiệm học tập có được từ tương tác trực tiếp với người khác. Và hãy đảm bảo trẻ em vẫn tham gia vào hoạt động thể chất và các tương tác xã hội.