Học nội trú: Mở lối tương lai
Ngoài giờ học chính khóa, học sinh nội trú được hướng dẫn xây dựng thời gian biểu...
Cụ thể, các em xây dựng thời gian biểu tự học, tham gia các hoạt động thể dục thể thao, chăm sóc cây trồng, vật nuôi tại vườn trường… Điều này giúp các em duy trì thói quen lao động, phụ giúp gia đình những ngày nghỉ.
Trao kiến thức, rèn kỹ năng
Cậu học trò người Cor Hồ Bảo Triều - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Trà (Trà Bồng, Quảng Ngãi) đã xuất sắc đoạt giải Nhì trong Kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9 môn Lịch sử năm học 2023 - 2024. Triều học đều các môn, đạt danh hiệu học sinh giỏi suốt cấp THCS và yêu thích môn Lịch sử.
Theo Triều, ngoài giờ học chính khóa, việc dành nhiều thời gian tự học để khắc sâu kiến thức, hệ thống và nâng cao nguồn sách tham khảo ở thư viện cùng hướng dẫn, hỗ trợ thêm của thầy cô giáo là bí quyết để em đạt thành tích cao trong học tập.
Trước đó, năm học 2022 - 2023, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Tây Trà có 7 học sinh dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh, các em đều đoạt giải. Trong đó, một em giành giải Nhất, hai em đoạt giải Nhì, hai em đoạt giải Ba và 2 giải Khuyến khích. Đây là thành tích có tính đột phá bởi Tây Trà được xem là vùng trũng của giáo dục tỉnh Quảng Ngãi.
Với học sinh nội trú cấp THCS và THPT, thời khóa biểu lên lớp chỉ có 1 buổi, thời gian còn lại, học sinh phải tự học. Nhiều năm qua, Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên (Điện Biên) đặc biệt quan tâm đến việc hướng dẫn, hỗ trợ học sinh xây dựng thời gian biểu tự học hợp lý, cân đối thời gian để tham gia các hoạt động thể dục thể thao… giúp học sinh phát triển toàn diện.
Cô Vũ Phương Thanh - giáo viên Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên (Điện Biên) chia sẻ: “Những nội dung như kỹ năng phân bổ, điều chỉnh thời gian sinh hoạt cá nhân hợp lý, nguyên tắc thực hiện thời gian biểu, sinh hoạt tập thể đầu năm, hoạt động ngoại khóa do các nhóm chuyên môn thực hiện thông qua hoạt động sinh hoạt lớp. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên hướng dẫn học trò kỹ năng lập thời gian biểu trong ngày; cách tạo thời khóa biểu online và sử dụng các app ứng dụng trên điện thoại thông minh nhằm quản lý thời gian sinh hoạt, học tập của cá nhân hiệu quả…”.
Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS Ba Tơ (Ba Tơ, Quảng Ngãi), ngoài giờ học chính khóa, giáo viên còn hướng dẫn học sinh tự học buổi tối để nâng cao kết quả học tập. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mậu Hải, trường phân công 4 giáo viên thay phiên trực đêm. Trong đó, 2 giáo viên trực ca từ 19 - 21 giờ để hướng dẫn, quản lý học sinh tự học; 2 giáo viên trực ca từ 21 giờ đêm về sau để kịp thời xử lý, giải quyết khi có tình huống xảy ra.
Từ năm học 2016 - 2017, Phòng GD&ĐT Nam Trà My (Quảng Nam) đưa chương trình giáo dục kỹ năng trồng dược liệu dưới tán rừng vào dạy cho học sinh từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn huyện. Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Don, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Trà Nam là những đơn vị triển khai đầu tiên.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam (Nam Trà My, Quảng Nam) xây dựng một chương trình riêng về giáo dục kỹ năng trồng dược liệu dưới tán rừng, phù hợp với từng khối lớp. Theo thầy Hiệu trưởng Võ Đăng Chín, học sinh lớp 1 được hướng dẫn nhận biết một số loại cây dược liệu phổ biến tại địa phương. Lượng kiến thức tăng dần với mỗi khối lớp, để đến khi học xong tiểu học, các em phải nhận dạng được các loại cây dược liệu, biết thêm dược tính và giá trị kinh tế từng loại cây mang lại.
Em Đinh Thị Kiều Oanh - học sinh lớp 8, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học & THCS Trà Nam cho biết: “Từ lớp 6, chúng em được thầy cô hướng dẫn thêm kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây dược liệu và thực hành tại vườn trường. Mỗi năm một lần, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, khi trở lại trường học, học sinh đem theo cây con để trồng và chăm sóc”.
Thường những cây con được học sinh trồng tại vườn trường là loại dược liệu đặc hữu của địa phương như: Sâm Ngọc Linh, quế, giảo cổ lam, sa nhân tím, đương quy… Bằng việc tự tay trồng cây xanh, học sinh sẽ làm quen dần với trồng rừng, tạo thêm niềm vui trong học tập và lao động.
Tư vấn chuyên sâu
Thầy Lê Đức Sơn - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Nam cho biết, năm học 2024 - 2025, nhà trường dự kiến có 5 lớp 10, trong đó 4 lớp thiên về nhóm môn Khoa học xã hội và 1 lớp Khoa học tự nhiên.
Tuy nhiên, lựa chọn thế nào để phù hợp khả năng, sở thích và định hướng nghề nghiệp sau này khiến nhiều học sinh nội trú và cả phụ huynh không khỏi lúng túng. Vì vậy, cần sự hỗ trợ, tư vấn sâu của nhà trường để đảm bảo sự lựa chọn phù hợp với khả năng, sở thích học sinh, đồng thời đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp về sau khi xét tuyển sinh đại học, cao đẳng.
“Trong tư vấn lựa tổ hợp môn, nhà trường có kèm theo danh sách mã số tương ứng cho từng khối thường được sử dụng trong xét tuyển đại học, liệt kê những ngành nghề đi cùng. Điều này giúp học sinh có thêm hiểu biết về ngành nghề, đầu ra của nhóm môn lựa chọn cũng như yêu cầu của môn học để có quyết định phù hợp”, thầy Sơn cho hay.
Để ưu tiên tối đa nguyện vọng của học sinh, biên chế sĩ số các lớp học ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Nam có thể dao động từ 30 - 40 học sinh/lớp chứ không nhất thiết phải đảm bảo cứng 35 em như quy định.
Đây cũng là cách làm của Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh Quảng Ngãi. Thầy Bùi Thế Giới - Hiệu trưởng nhà trường nhận xét: Học sinh người dân tộc thường có xu hướng lựa chọn nhóm môn học thiên về khoa học xã hội. Hiểu biết về nghề nghiệp tương lai của các em chỉ giới hạn ở một số nghề cơ bản.
Tuy nhiên, việc xây dựng tổ hợp môn lựa chọn cần phải cân đối giữa nguyện vọng của học sinh và tình hình đội ngũ giáo viên thực tế. Vì vậy, trong tư vấn chọn tổ hợp môn cho học sinh khối lớp 10, nhà trường giúp các em hình dung về ngành nghề gắn liền với tổ hợp môn lựa chọn để có lợi thế khi xét tuyển đại học, xác định được nghề nghiệp có thể theo đuổi.
Thầy Bùi Ngọc Luận - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, trong nội dung giáo dục địa phương, nhà trường đều tổ chức cho học sinh trải nghiệm các vườn sâm Ngọc Linh, một thế mạnh trong sản xuất phát triển kinh tế của địa phương. Từ mô hình này, học sinh sẽ có thêm hướng mở cho lựa chọn nghề nghiệp tương lai phù hợp điều kiện địa phương.