Học nghề ngắn hạn, ra trường có việc làm ngay
Kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh của nhà hàng, khách sạn, khu du lịch ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu của khách.
Do đó, những người học nghề kinh doanh ẩm thực (Food and Beverage Service - F&B) có nhiều việc làm cùng thu nhập thỏa đáng.
Học nghề 12 tháng, lương khởi điểm 10 triệu đồng
Với mong muốn được học nghề đi làm sau khi tốt nghiệp THCS, nhiều học sinh đã đăng ký học các nghề trình độ trung cấp 12 tháng của Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội Trương Tường Lân chia sẻ: nhà trường là một trong những đơn vị đào tạo chuyên sâu về ngành du lịch, trong đó có 10 mã ngành được cấp phép và có nhiều cơ hội phối hợp đào tạo nghề ngắn hạn với các đối tác ở trong và ngoài nước.
Lý giải về việc học nghề trình độ trung cấp chỉ trong thời gian 12 tháng, liệu có bảo đảm trình độ, kỹ năng nghề và nhu cầu DN, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội Trương Tường Lân cho hay: “Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định, thời gian đào tạo trình độ trung cấp theo niên chế từ 12 - 24 tháng. Là những người làm nghề du lịch chuyển sang đào tạo nên chúng tôi thấu hiểu được người học cần trang bị những kiến thức và kỹ năng tay nghề gì.
Do đó, chúng tôi quyết định thời gian đào tạo trình độ trung cấp tối thiểu là 12 tháng nhưng chương trình và phương pháp đầy đủ giống như đào tạo trình độ cao đẳng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN, khách sạn, nhà hàng. Thậm chí, suốt 10 năm qua, nhà trường vẫn giữ nguyên mức học phí để dành hết lợi ích cho người học, cho dù lạm phát, giá cả tăng, lương giáo viên tăng”.
Cũng như những cơ sở giáo dục nghề nghiệp khác chuyên về du lịch, nghề Kỹ thuật chế biến món ăn của Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội được nhiều học sinh lựa chọn, chiếm tới 70% tổng số lượng người đăng ký xét tuyển. Với mã ngành Kỹ thuật chế biến món ăn, nhà trường bố trí 20% thời lượng học lý thuyết nghề, khoảng 70 - 80% thời lượng thực hành tại cơ sở của trường có đầy đủ trang thiết bị giống như thực tế ở nhà hàng, khách sạn bên ngoài.
Học sinh học Kỹ thuật chế biến món ăn trong thời gian 12 tháng (bao gồm 9 tháng học nghề, 3 tháng đi thực tập toàn thời gian tại DN) nhưng đến tháng thứ 3 đã có thể đi làm phụ bếp ở nhà hàng. Học sinh học buổi sáng thì đi làm ca chiều, các em học buổi chiều thì làm ca sáng hoặc tối...
“Do ngành Du lịch đang thiếu trầm trọng nhân lực qua đào tạo nên các khách sạn, nhà hàng luôn có nhu cầu tuyển dụng học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian. Có tới 80% số học sinh học nghề Kỹ thuật chế biến món ăn đi làm thêm. Khi các em tốt nghiệp, gần 100% có việc làm tại các DN, khách sạn, nhà hàng mà không cần nhà trường giới thiệu. Mức thu nhập tùy theo vị trí việc làm, ví dụ lương phụ bếp khoảng 10 triệu đồng/tháng, lương bếp chính từ 17 - 20 triệu đồng/tháng” - thầy Trương Tường Lân thông tin.
Đa dạng sự lựa chọn
Bên cạnh việc đào tạo các nghề trình độ trung cấp 12 tháng, Trường Trung cấp Du lịch Hà Nội còn đào tạo ngắn hạn (từ 3 - 6 tháng) các nghề khác để đáp ứng nhu cầu người lao động đang hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, bộ đội xuất ngũ, lao động phổ thông tại các khu công nghiệp.
Những nghề ngắn hạn của trường được nhiều người lựa chọn là Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật làm bánh, Nghiệp vụ nhà hàng. Những người học nghề Nghiệp vụ nhà hàng khi tốt nghiệp được nhà trường giới thiệu làm việc tại nhà hàng trong khách sạn, lương khởi điểm từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. Khi người làm đạt trình độ quản lý nhà hàng thì mức lương lên tới 40 - 50 triệu đồng/tháng.
Theo ông Trương Tường Lân, các khách sạn 4 - 5 sao trên địa bàn Hà Nội đang thiếu trầm trọng nhân lực Phục vụ buồng. Vì thế, người lao động trẻ cũng có thể đăng ký học nghề ngắn hạn 3 tháng để ra trường có việc làm ngay với mức thu nhập tốt.
Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu người học, Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội cũng mở nhiều nghề đào tạo ngắn hạn 3 tháng, 6 tháng hoặc 9 tháng, bên cạnh trình độ trung cấp.
Thầy Nguyễn Xuân Hùng (Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội) cho biết, hiện nay đối tượng học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp) của nhà trường gồm có: những người đã qua đào tạo nhưng muốn nâng cao trình độ chuyên môn để làm việc trong các nhà hàng, khách sạn, DN; người hưởng chế độ chính sách của Nhà nước như bộ đội xuất ngũ, người lao động hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp; học sinh chuẩn bị đi du học nước ngoài muốn học nghề để trang bị kỹ năng.
Những nghề ngắn hạn (thời gian 3 tháng, 6 tháng) của Trường Trung cấp nghề Nấu ăn - Nghiệp vụ Du lịch và Thời trang Hà Nội được nhiều người đăng ký học là Kỹ thuật pha chế đồ uống, Kỹ thuật chế biến món ăn, Kỹ thuật làm bánh, Nghiệp vụ nhà hàng. Bởi vì những nghề này giúp cho người học được trang bị kỹ năng mềm, khi về nhà có thể tiếp cận làm được luôn và rất dễ tìm kiếm việc làm.
Khi học sinh đi du học nước ngoài thì đây là điều kiện để các em làm bán thời gian có thu nhập để chi phí sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt, nghề Kỹ thuật làm bánh được nhiều học sinh chọn học để sau này khởi nghiệp mở cửa hàng online.
Theo dõi xu hướng tuyển sinh những năm qua, thầy Nguyễn Xuân Hùng cho biết, năm nay nhiều người có mong muốn được học nghề ngắn hạn để ra trường có việc làm ngay cùng mức thu nhập thỏa đáng. Theo thầy Hùng, trước thực tế, nhiều sinh viên tốt nghiệp trường đại học nhưng chưa tìm được việc làm do ngành học không đáp ứng nhu cầu tuyển dụng thì có thể tham gia lớp học nghề ngắn hạn để có việc làm ngay với mức thu nhập ổn định.
Những học sinh học theo học chương trình 9+ (mô hình đào tạo song song giữa học nghề trình độ trung cấp và học văn hóa phổ thông dành cho học sinh tốt nghiệp THCS) sau khi tốt nghiệp có thể học thêm lớp đào tạo nghề ngắn hạn để bổ sung kiến thức, kỹ năng đáp ứng nhu cầu công việc hoặc tự tạo công việc cho mình.