Học cách nói 'không', chẳng cần cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người

'Ban đầu, nói 'không' thật khó khăn với tôi. Đó không chỉ là từ chối một lời đề nghị, mà tôi sợ bị đánh giá là ích kỷ', chị Thu Hằng (thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh) tâm sự.

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chị Hằng đã bước sang tuổi 48 được 3 tháng nay. Đó cũng là thời gian chị thực hiện một số việc từng bị bỏ quên giống như những chiếc ảnh cũ giờ mới được mở ra, xem lại. Điều giúp chị thực hiện được những việc ấy bắt đầu từ khi chị học cách nói "không".

Chị Hằng nhớ lại: "Đó không chỉ là từ chối một lời đề nghị, mà tôi sợ bị xem là ích kỷ. Nhất là khi tôi đã quen với việc luôn đáp ứng mong đợi của mọi người. Ở tuổi trung niên, tôi nhận ra thời gian, sức lực của mình là hữu hạn.

Những năm tháng trước đây, tôi luôn cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người, từ người thân, bạn bè, đồng nghiệp đến những người quen biết sơ. Nhưng rồi tôi nhận ra, nói "không" không phải là ích kỷ mà là cách để nói "có" với chính mình.

Lần đầu tiên tôi nói "không" là khi một người bạn nhờ tôi hỗ trợ tổ chức sự kiện ở công ty. Trước đây, tôi luôn là người xung phong giúp cô ấy những công việc như thế vì sợ làm mọi người thất vọng.

"Xin lỗi, cuối tuần này mình đã có kế hoạch khác rồi", đó là câu từ chối của tôi. Kế hoạch khác đó của tôi chỉ là nằm ngủ thêm một chút để bù những ngày thiếu ngủ. Thật sự khi từ chối, tôi cảm thấy nhẹ nhõm, thay vì áy náy.

Người bạn có vẻ bất ngờ nhưng cô ấy nhanh chóng tìm người khác giúp. Tôi nhận ra, mọi thứ vẫn diễn ra tốt đẹp khi tôi từ chối. Tôi nhớ hôm đó, chồng đề nghị tôi làm mâm cơm khách để mời gia đình người bạn.

Thường thì tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng và đúng ngày hẹn sẽ lao vào bếp nấu nướng, bất kể đó là cuối tuần, bất kể tôi thực sự muốn nghỉ ngơi.

Nhưng tôi đáp lại: "Em muốn ngày cuối tuần được nghỉ ngơi. Anh có thể hẹn bạn hôm khác hoặc mình sẽ ra ngoài quán ăn". Chồng tôi hơi ngạc nhiên nhưng cũng đồng ý hủy hẹn. Và tôi đã dành thời gian cuối tuần ấy để thư giãn và đi làm đẹp".

Việc nói "không" không chỉ được chị Hằng áp dụng với người khác mà còn cho chính bản thân. Chị từng có thói quen ôm đồm việc nhà mỗi khi thấy nhà cửa, bếp núc chưa gọn gàng. Nhưng rồi chị cũng thử nói "không" với sự cầu toàn.

Thay vì lao vào dọn dẹp ngay, chị để lại và phân công cho các thành viên khác trong gia đình cùng làm. Chị cảm nhận việc chọn nói "không" sau nhiều năm giúp bản thân cảm thấy không còn phải làm điều gì để vừa lòng người khác mà chỉ lắng nghe mình.

Mỗi lần nói "không", chị lại có thêm không gian cho những điều thực sự thú vị: Đi chụp ảnh cùng bạn bè hoặc đơn giản là ngồi bên ly trà, ngắm nhìn lọ hoa yêu thích và thả mình theo dòng suy nghĩ, đôi khi không cần biết chính xác là mình đang nghĩ gì.

Chị Hằng cho biết thêm: "Tôi đã đăng ký lớp học yoga mà mình từng hạ quyết tâm cả nghìn lần trước đó nhưng chưa lần nào thực hiện được. Quan trọng hơn, tôi biết nói "không" một cách chân thành, người khác cũng học cách tôn trọng tôi hơn.

Chồng và con gái khi thấy tôi bận tập luyện yoga cũng chủ động làm việc nhà. Tất nhiên, việc từ chối không diễn ra một cách hoàn hảo. Có lúc, tôi vẫn cảm thấy áy náy khi từ chối người thân, bạn bè.

Nhưng điều lạ là, càng nói "không", tôi càng cảm thấy mình tự do hơn. Tôi không còn bị cuốn vào những mong muốn, kỳ vọng của người khác và có thể sống đúng với chính mình".

Chị Hằng cho biết, chị sẽ tiếp tục việc học cách nói "không". Mỗi ngày, chị lại thấy mình mạnh mẽ, độc lập hơn và quan trọng là hạnh phúc hơn. Tuổi trung niên không phải là thời điểm để gói gọn cuộc sống của mình trong những trách nhiệm, mà là để sống thật với chính mình.

Kim Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/hoc-cach-noi-khong-chang-can-co-gang-lam-hai-long-tat-ca-moi-nguoi-20241122122522089.htm
Zalo