Học Bác để xây dựng quê hương

Lần trở lại xã Nấm Lư (huyện Mường Khương) của chúng tôi được rút ngắn. Hơn 1 năm trước, tuyến đường về trung tâm xã ngổn ngang, nhìn sang những sườn đồi bao quanh, tiếng máy kêu vang khiến không khí làm đường thêm rộn ràng. Hôm nay, từ trên tầm cao nhìn xuống, những bản làng của đồng bào Nùng, Mông… được nối với nhau bằng “dải lụa trắng” vắt ngang núi đồi. Nét ấm no dần hiện hữu ở vùng quê nghèo khó.

Bí thư Đảng ủy xã - Nùng Thị Thu bảo: Chỉ riêng trong năm 2023, có 4 tuyến đường nội đồng vừa dẫn đến khu sản xuất của bà con vừa kết nối các thôn với tổng chiều dài 16,7 km đã thành hình. Bà con phấn khởi lắm.

Vậy, làm thế nào để diện mạo nông thôn khởi sắc như vậy? Người đứng đầu cấp ủy đảng ở địa phương khẳng định: Tất cả đều xuất phát từ việc học và làm theo Bác của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã!

Từng đắn đo được - mất khi hiến đất làm đường, sau khi được xã, thôn tuyên truyền, vận động, bà con ở Nấm Lư hiểu rằng “yêu nước thì phải thi đua”. Nhìn những khu vực lân cận đường sá thênh thênh, giao thương phát triển mà mong ước quá, thế là đồng bào nơi đây đồng thuận cao, thi đua làm đường. Những hộ đồng bào người Nùng, người Mông, người Kinh… hiến 9,7 ha đất cùng biết bao tài sản mà họ nhọc công vun trồng, với khoảng 1.000 gốc chè, 1.200 gốc quế, 200 gốc quýt và một số hoa màu nhường chỗ cho đường băng qua. Những tuyến đường Tả Thền - Pạc Trà, Khấu Na (xã Nấm Lư) - Nậm Đó (xã Lùng Khấu Nhin), Tỉnh lộ 154 thôn Pạc Ngam - Tả Thền - Nấm Oọc và Sao Cô Sỉn (xã Nấm Lư) - Sín Lùng Chải (xã Lùng Khấu Nhin) cứ vậy dẫn lối dọc ngang khắp dải đất nghèo, kỳ vọng tạo sức bật cho các lĩnh vực khác của đời sống xã hội vùng cao.

Ngày chúng tôi trở lại, Nấm Lư đón trận mưa đầu hè như lộc trời ban để búp chè thêm xanh, ruộng nương tươi tốt. Những chiếc xe máy nối đuôi nhau chạy về khu sản xuất ở khắp các ngả mà không còn e ngại thời tiết. Trên cung đường mới trắng phau, chúng tôi tìm về thôn Nấm Oọc, nơi sinh sống của hơn 50 hộ người Nùng. Từ một thôn nghèo khó trên núi cao, hôm nay Nấm Oọc vươn mình trở thành điểm sáng của địa phương.

Trong tiếng Nùng, tên gọi của thôn có nghĩa là nơi “nước chảy ra”, ý chỉ ở thôn có nguồn nước lớn, cung cấp nước cho bản người Nùng sinh sống và sản xuất. Vậy nhưng, do cuộc sống còn nghèo khó, mặc dù nguồn nước thuận lợi tới đâu thì bà con cũng chỉ quanh quẩn với những nương lúa, nương ngô 1 vụ. Ước mơ về ngày mai no ấm đều xếp lại sau mơ ước về một con đường kiên cố.

Năm 2019, khi địa phương triển khai làm đường trục thôn, bà con chung sức, đồng lòng để hiện thực hóa mơ ước. Tuyến đường dài hơn 2 km, rộng 3 m được thực hiện trong không khí sôi nổi, hào hứng của bà con. Anh Vàng Văn É, Bí thư Chi bộ thôn nhớ lại: Các hộ tích cực đóng góp ngày công, thậm chí có hộ ở xa gói cơm theo hoặc góp gạo nấu cơm để bớt thời gian đi lại. Nhận thấy lợi ích của tuyến đường đem lại, đường mở lối tới đâu, đói nghèo và lạc hậu bị đẩy lùi tới đó, nên năm 2023, không khí ấy một lần nữa bừng lên ở thôn khi bà con chung sức mở tuyến đường nội đồng và kết nối các thôn.

Đường thành hình, bà con bắt tay vào khai thác các lợi thế để phát triển kinh tế. Xác định rõ thế mạnh để sản xuất nông nghiệp, từ chủ trương chung của huyện, xã và thôn, cùng với sự chăm chỉ của đồng bào nơi đây đã phủ xanh những đồi đất, làm nên hơn 100 ha lúa, 80 ha ngô, hơn 30 ha chè. Không còn những ngày đói giáp hạt, không còn là thôn tù mù trên núi cao, Nấm Oọc giờ như “khoác” trên mình màu áo mới.

Ở vùng quê thuần nông như Nấm Oọc, mỗi gia đình vun đắp xây dựng cuộc sống văn minh, mỗi nông dân hăng say lao động, mỗi đảng viên tự giác nêu gương… Vậy là cả thôn mình học Bác.

Bí thư Chi bộ thôn Vàng Văn É

Bí thư Chi bộ thôn Vàng Văn É bảo: Để đưa việc học và làm theo Bác trở nên gần gũi, thân thuộc, chi bộ thôn tuyên truyền đến bà con học Bác từ những việc làm nhỏ nhất.

Phát huy tinh thần “đảng viên đi trước”, nhiều đảng viên ở thôn không chỉ tiên phong trong hiến đất làm đường mà còn là tấm gương đi đầu trong phong trào thi đua phát triển kinh tế. Tiêu biểu như đảng viên Lùng Văn Kinh. Căn nhà xây 2 tầng được đảng viên Kinh xây dựng từ sự chăm chỉ lao động, sản xuất. Ngoài diện tích nương ngô, đồi sắn, anh Kinh là một trong những hộ đầu tiên ở thôn tham gia trồng chè với hơn 2 ha từ năm 2020. Trong chăn nuôi, anh tập trung chăm sóc giống lợn đen, bình quân mỗi năm xuất bán 2 lứa. Nhẩm tính riêng năm 2023, gia đình anh thu gần 300 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt.

Điều đáng mừng là ở chi bộ thôn còn nhiều đảng viên khác cũng nỗ lực góp sức để xây dựng gia đình ấm no, quê hương trù phú, như Lùng Văn Thưởng, Lù Văn Thòn, Vàng Văn Chiến…

Nhìn rộng ra toàn Đảng bộ xã Nấm Lư, trong những năm qua, việc học và làm theo Bác đã trở thành việc làm thường xuyên của cán bộ, đảng viên và đồng bào các dân tộc trên địa bàn. Cùng với làm tốt việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, thấm nhuần lời Bác dạy: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta”, thời gian qua, “đoàn kết” trở thành chìa khóa mà Đảng bộ xã Nấm Lư dùng để mở những “cánh cửa” từng khép kín trong cộng đồng mỗi thôn, bản và mở khóa cả những nhiệm vụ khó nhằn để huy động, tập hợp sức mạnh nội sinh trong Nhân dân. Đoàn kết để dựng xây quê hương, đoàn kết trong giúp nhau phát triển kinh tế…

Từ những việc làm thiết thực học và làm theo Bác, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc xã Nấm Lư đã và đang tiếp tục thi đua, góp sức để diện mạo xã vùng cao ngày càng khởi sắc, cuộc sống đồng bào thêm ấm no. Tinh thần học Bác sẽ tiếp tục được địa phương phát huy để Nấm Lư thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trong thời gian tới.

Bí thư Đảng ủy xã Nấm Lư Nùng Thị Thu

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/hoc-bac-de-xay-dung-que-huong-post386230.html
Zalo