Học Bác để soi đường cho đổi mới hôm nay
HNN - Bài viết 'Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân' của Tổng Bí thư Tô Lâm nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lời tri ân, tưởng nhớ lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, mà còn là một lời hiệu triệu thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, năm 1954. Ảnh: Tư liệu
Rằng đã đến lúc chúng ta cần học Bác một cách thiết thực, bản lĩnh, dấn thân hơn – không phải để ca ngợi, mà là để hành động, để soi đường cho công cuộc đổi mới hôm nay.
Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Học Bác để sống có lý tưởng, có kỷ cương, biết yêu thương, trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Đây chính là yêu cầu then chốt với đội ngũ cán bộ, công chức hôm nay – những người đang gánh trọng trách tiếp tục công cuộc đổi mới đất nước trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cạnh tranh khốc liệt.
Nhìn lại gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã vươn lên thành nền kinh tế có thu nhập trung bình, hội nhập quốc tế sâu rộng, từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế. Nhưng Tổng Bí thư thẳng thắn chỉ ra, thách thức vẫn còn rất lớn: Năng suất lao động thấp, tham nhũng – lãng phí chưa được đẩy lùi triệt để, suy thoái tư tưởng chính trị – đạo đức trong một bộ phận cán bộ, công chức chưa được khắc phục căn cơ…
Trong bối cảnh đó, học Bác về đạo đức, về trách nhiệm với dân, về ý chí “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” không chỉ là lời răn dạy, mà là yêu cầu cấp thiết để chỉnh đốn Đảng, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, kiến tạo.
Bác từng căn dặn: “Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi. Nếu dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi.” Những lời ấy, đến hôm nay vẫn là thước đo cho tính chính danh và hiệu quả của chính quyền.
Chúng ta không thể kỳ vọng một nền hành chính phục vụ nếu cán bộ không thực sự coi trọng dân, không hành xử vì lợi ích chung, không lấy sự hài lòng của Nhân dân làm mục tiêu cuối cùng của cải cách. Học Bác là để sửa mình, để soi vào chính mình xem đã vì dân đến đâu, liêm khiết đến đâu, công tâm đến đâu trong từng quyết định, từng hành xử.
Đặc biệt, tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” mà Tổng Bí thư nhấn mạnh cũng là lời giải cho tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ, sợ sai – vốn đang trở thành một điểm nghẽn lớn trong bộ máy thực thi hiện nay. Học Bác không phải để tìm chỗ đứng an toàn, mà là để dấn thân vì cái đúng, vì lợi ích chung, kể cả khi phải trả giá cá nhân.
Học Bác trong phát triển kinh tế cũng không chỉ là lời hô hào về độc lập, tự chủ, mà cần chuyển hóa thành chiến lược xây dựng nền kinh tế tự cường trong thời đại mới. Tổng Bí thư đã dẫn những con số ấn tượng: Từ nước nghèo sau chiến tranh, Việt Nam đã vươn lên top 35 nền kinh tế thế giới, top 20 quốc gia có quy mô thương mại lớn nhất, xuất khẩu nông sản hàng đầu.
Tuy nhiên, nếu không đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động và năng lực công nghệ, thì nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương trước các cú sốc toàn cầu. Vì vậy, học Bác là phải biết khơi dậy khát vọng phát triển, đặt mục tiêu sánh vai cùng cường quốc năm châu không chỉ trong lời nói, mà trong hành động cải cách thể chế, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Ở tầm quốc gia, học Bác là tiếp tục củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền – nhưng đồng thời vận dụng linh hoạt tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh để giữ vững môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài cho phát triển.
Việt Nam hôm nay đã là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đó là minh chứng cho sức sống bền bỉ của đường lối ngoại giao “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ở tầm con người, học Bác là học để sống tử tế hơn, nhân ái hơn, giản dị hơn. Một đất nước hùng cường không thể chỉ dựa vào GDP, mà còn cần một nền văn hóa chính trị lành mạnh, một xã hội giàu lòng nhân ái và một thế hệ trẻ biết sống lý tưởng, không bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa hưởng thụ hay thực dụng.
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dịp để mỗi chúng ta tự soi lại mình: Đã thực sự học Bác đến đâu, đã sống xứng đáng với Người đến mức nào? Bởi học Bác không phải là việc của lễ kỷ niệm, mà là công việc đời đời.
Chỉ khi mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân đều học Bác trong từng việc nhỏ, trong mỗi quyết định, hành vi ứng xử hàng ngày, thì khi ấy tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mới thật sự thấm sâu vào mạch máu của xã hội, trở thành động lực đổi mới bền vững cho đất nước.