Di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa Việt Nam vững bước tiến vào kỷ nguyên mới

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một ước mơ lớn với hoài bão xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự cường 'đàng hoàng hơn, to đẹp hơn', sánh vai với các cường quốc năm châu.

Ông Uch Leang - Chủ tịch CAVA, quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ Quốc tế Campuchia thuộc RAC - nhận định Đảng và Nhà nước Việt Nam đang kế tục, phát huy thành công những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: Quang Anh/PV TTXVN tại Campuchia

Ông Uch Leang - Chủ tịch CAVA, quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ Quốc tế Campuchia thuộc RAC - nhận định Đảng và Nhà nước Việt Nam đang kế tục, phát huy thành công những di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: Quang Anh/PV TTXVN tại Campuchia

Ghi nhớ lời dạy và kế thừa di sản của Người, Việt Nam hôm nay đã đạt được nhiều thành tựu to lớn sau hơn nửa thế kỷ thống nhất đất nước, đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, hướng tới mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, cũng là năm đánh dấu cột mốc 100 năm lập quốc thời hiện đại. Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, giới phân tích Campuchia bày tỏ tin tưởng vào tương lai phát triển của quốc gia láng giềng, xuất phát từ tiềm lực, vị thế hiện hữu, cùng những quyết sách đúng đắn của các thế hệ lãnh đạo Việt Nam qua các thời kỳ, trên cơ sở phát huy tiềm lực và vị thế hiện có, cùng những di sản vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, người chiến sĩ lỗi lạc của phong trào công nhân và phong trào cộng sản quốc tế, danh nhân văn hóa thế giới.

Trao đổi với phóng viên TTXVN nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), ông Uch Leang, Chủ tịch Hội cựu Sinh viên Campuchia học tập tại Việt Nam (CAVA), quyền Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á - Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ Quốc tế Campuchia, Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia (RAC) cho rằng mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phồn vinh, tươi đẹp hơn, một quốc gia thống nhất theo tinh thần “nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Đó là đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa theo tôn chỉ dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Cùng với đó là quyết tâm chung trong việc bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của các anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ, đồng bào, những người yêu nước đã hy sinh xương máu vì dân tộc và tổ quốc Việt Nam.

Cho rằng với tinh thần anh dũng kiên cường, trí tuệ và sức mạnh của nhân dân cùng các thế hệ lãnh đạo, Việt Nam đã làm nên thắng lợi vĩ đại mùa Xuân năm 1975, đạt được nhiều thành tựu như hôm nay, Chủ tịch CAVA bày tỏ tin tưởng rằng cùng với những thành tựu đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự phát triển thịnh vượng, phồn thịnh và vẻ vang, sánh vai cùng các cường quốc năm châu như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là khát vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Chứng minh cho nhận định của mình, ông Uch Leang dẫn các dữ liệu, chỉ số phát triển ấn tượng ở quốc gia láng giềng mà ông đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu, đặc biệt là các thành tựu phát triển trong năm 2024 của Việt Nam như: Tăng trưởng kinh tế đạt hơn 7%, tổng thu nhập quốc nội (GDP) đạt hơn 476 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD...

Bên cạnh các chỉ số phát triển kinh tế, chuyên gia người Campuchia cho rằng việc không ngừng thiết lập, củng cố và mở rộng quan hệ quốc tế là một thành công khác trong chính sách đối ngoại của Việt Nam theo con đường, di sản của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo ông, đến thời điểm này, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó, có 3 nước có quan hệ đặc biệt là Campuchia, Lào và Cuba; 13 đối tác chiến lược toàn diện; 10 đối tác chiến lược. Bên cạnh đó, Việt Nam đã và đang phát huy tốt vai trò là bạn, đối tác tin cậy trong cộng đồng quốc tế; đồng thời có nhiều sáng kiến, đề xuất tích cực, đặc biệt là tham gia các hoạt động của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế khác.

Từ các dữ liệu ghi nhận và hướng tiếp cận đó, Chủ tịch CAVA nhận định đến thời điểm này, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và hiệu quả vào cộng đồng quốc tế, đạt nhiều thành tựu quan trọng có ý nghĩa chiến lược, tạo dựng cục diện đối ngoại mới, mang tính rộng mở, tạo thuận lợi cho an ninh và phát triển, tiếp tục nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, Việt Nam đã khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc mở đường cho công cuộc xây dựng và duy trì môi trường hòa bình, ổn định, cũng như huy động các nguồn lực bên ngoài phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu về tình hình chính trị Việt Nam, nhà nghiên cứu đến từ RAC cho rằng sau nửa thế kỷ thống nhất đất nước, có hai yếu tố chính giúp làm nên tiềm lực và vai trò, vị thế của Việt Nam hôm nay, trước tiên là yếu tố lãnh đạo. Theo ông, Việt Nam có nhiều thế hệ lãnh đạo trải qua các thời kỳ luôn kiên định đi theo con đường được kiến tạo, xây dựng và di sản vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và trong trường hợp cần thiết, giới lãnh đạo Việt Nam luôn sẵn sàng cởi mở với những điều chỉnh, thay đổi phù hợp với bối cảnh tình hình trong nước và thế giới.

Theo chuyên gia Uch Leng, yếu tố thứ hai chính là nhân tố con người. Ông nêu góc nhìn riêng: “Tôi nhận thấy người dân Việt Nam ở muôn nơi, họ cần cù, sáng tạo và luôn tích cực tham gia hỗ trợ, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước, kể cả những người sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài”.

Tiến sĩ Chheang Vannarith - Phó Tổng Thư ký, Trưởng nhóm Cố vấn Quốc hội Vương quốc Campuchia - trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Quang Anh/PV TTXVN tại Campuchia

Tiến sĩ Chheang Vannarith - Phó Tổng Thư ký, Trưởng nhóm Cố vấn Quốc hội Vương quốc Campuchia - trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN. Ảnh: Quang Anh/PV TTXVN tại Campuchia

Chia sẻ góc nhìn trên, Phó Tổng Thư ký, Trưởng nhóm Cố vấn của Quốc hội Campuchia, đồng thời là một chuyên gia phân tích tình hình chính trị khu vực, Tiến sĩ Chheang Vannarith cho rằng trong nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng tự hào, đặc biệt là trong tiến trình hội nhập và công cuộc hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống nhân dân.

Có quá trình gắn bó học tập và nhiều lần trở lại thăm Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Campuchia Chheang Vannarith chia sẻ ông đã tận mắt chứng kiến những đổi thay nhanh chóng, thể hiện tiến trình phát triển với tốc độ cao ở quốc gia láng giềng trong những thập kỷ qua, giúp đời sống của người dân thay đổi nhiều, từ thành thị tới nông thôn, đặc biệt là hệ thống cơ sở hạ tầng và đời sống của người dân vùng nông thôn.

Trên tinh thần đó, ông nhận định: “... lợi ích và thành công điển hình trong tiến trình hội nhập của Việt Nam chính là công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế, xã hội. Việt Nam hiện đang ở vị thế của một nền kinh tế phát triển mạnh và được quan tâm ở khu vực Đông Nam Á, cả về quy mô và tiềm lực kinh tế. Việt Nam cũng có khả năng tiến thêm một bước nữa, gia nhập Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20)”.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia phân tích, Tiến sĩ Chheang Vannarith cho rằng những thành tựu phát triển “hài hòa, đồng đều, đồng bộ, bền vững” ở Việt Nam không thể đạt được nếu không có sự lãnh đạo có tầm nhìn, thông tuệ và linh hoạt của Đảng Cộng sản Việt Nam. “Điều đó thể hiện vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, giúp con tàu Việt Nam luôn tiến về phía trước".

Nhà phân tích người Campuchia cũng cho rằng nhân tố quan trọng nhất giúp tạo nên tiềm lực và vị thế hôm nay của Việt Nam chính là nhân dân Việt Nam, thể hiện qua nhân tố con người. Theo quan sát của ông, sinh viên Việt Nam rất chịu khó, siêng năng, hiếu học; trong khi người dân Việt Nam chăm chỉ, cần cù trong lao động. Và với nhân tố quyết định đó, đất nước Việt Nam sẽ luôn tiến bước.

Cho rằng với nhân tố quyết định là con người, cùng với vai trò lãnh đạo chính trị và những quyết sách đúng đắn, Việt Nam đã tiến nhanh trên con đường phát triển của mình, trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế xã hội, nhất là công cuộc giảm nghèo, Tiến sĩ Chheang Vannarith nhấn mạnh: “Việt Nam đã lựa chọn con đường đúng đắn và tương lai của nhân dân Việt Nam sẽ ngày càng tươi sáng hơn.”.

Huỳnh Thảo (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/di-san-cua-chu-tich-ho-chi-minh-dua-viet-nam-vung-buoc-tien-vao-ky-nguyen-moi-20250521130924165.htm
Zalo