Học 2 buổi một ngày với bậc THCS, THPT: Rằng hay thì thật là hay...
Việc dạy học 2 buổi/ngày ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông sẽ giúp tận dụng cơ sở vật chất nhưng nhiều ý kiến lo ngại về cách thức quản lý khi triển khai.

(Ảnh: PV/Vietnam+).
Thông tin Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến sẽ bắt buộc triển khai học 2 buổi/ngày với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ở những nơi đủ điều kiện đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, đặc biệt là các bậc phụ huynh và học sinh với nhiều ý kiến trái chiều.
Chị Phạm Thu Thủy (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng việc học 2 buổi/ngày ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông có thuận lợi nhưng cũng nhiều bất cập do ở các bậc học này, học sinh đã có sự phân hóa và định hướng khác nhau. Bên cạnh đó cần yêu cầu quản lý chặt chẽ trong cách thức triển khai để tránh các trường lợi dụng, ép học sinh học để thu tiền trong khi không có nhu cầu và chất lượng không tương xứng.
Phân tích cụ thể hơn, chị Thủy cho hay học sinh học cả ngày ở trường, phụ huynh sẽ giảm lo lắng trong việc quản lý con, tận dụng được nguồn cơ sở vật chất và môi trường quản lý đảm bảo ở các nhà trường.
Tuy nhiên, vấn đề chị quan tâm là nếu học 2 buổi/ngày ở trường thì buổi chiều các em sẽ học gì? Nếu vẫn tiếp tục học văn hóa như buổi sáng thì phải đảm bảo buổi tối học sinh sẽ không phải làm bài tập về nhà để giảm bớt áp lực. Nếu triển khai các nội dung học khác như học kỹ năng, phát triển năng khiếu, thể chất và có thu tiền dịch vụ thì đòi hỏi việc tổ chức phải thực sự đảm bảo chất lượng và trên tinh thần tự nguyện.
“Tuy nhiên, nếu học văn hóa thì điều này có lẽ mâu thuẫn với tinh thần tự học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhấn mạnh khi triển khai Thông tư 29 về quản lý dạy thêm, học thêm. Nếu triển khai dạy kỹ năng, phát triển năng khiếu hay thể chất, nghĩa là phải dạy theo nhóm riêng thì có lẽ các trường khó đủ điều kiện đáp ứng và dễ xảy ra tiêu cực,” chị Thủy nói.
Có hai con ở hai cấp tiểu học và trung học cơ sở, chị Nguyễn Thị Hương (Hà Đông, Hà Nội) cho hay việc học cả hai buổi ở trường có ưu điểm học sinh sẽ không phải học 5 tiết mỗi sáng, giờ tan học rất muộn.
Tuy nhiên, bất cập ở việc các con sẽ không còn thời gian cho các nội dung học khác mà các con thích hoặc có định hướng học nâng cao, chẳng hạn việc ôn thi vào các trường trung học phổ thông chuyên, vốn không phải chương trình dành cho học sinh đại trà trên lớp.
Năm nay, con chị định thi chuyên Lịch sử của Trường Trung học phổ thông Hà Nội–Amsterdam và phải đi học thêm riêng vì chương trình trên lớp môn học này thời lượng không nhiều. Con cũng học thêm tiếng Anh, đàn và học nhảy.
Phân tích lý do không ủng hộ học bắt buộc 2 buổi/ngày, chị Hương cho hay trước đây, khi chưa áp dụng Thông tư 29, con chị phải học cả ngày ở trường, sau đó tiếp tục đi học các lớp học thêm đến chiều muộn hoặc vào buổi tối. Bữa cơm gia đình vì thế nhiều khi không đông đủ hoặc diễn ra muộn, thời gian kết nối giữa các thành viên trong nhà ít ỏi.
“Từ ngày áp dụng Thông tư 29, con được nghỉ buổi chiều, tôi đã chuyển một số buổi học thêm lên buổi chiều, cả nhà được ăn cơm tối đúng giờ và có thời gian để chơi, trò chuyện cùng nhau,” chị Hương nói.
Cũng theo chị Hương, từ thực tế triển khai học 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học cho thấy đây là điều kiện để các trường ép học sinh, phụ huynh học các giờ học có thu tiền nhưng không hiệu quả, như học liên kết Tiếng Anh, STEM… vẫn đang diễn ra tại Hà Nội.
“Nếu học buổi chiều nhưng là các hoạt động thực sự hữu ích cho học sinh và trên đúng tinh thần tự nguyện, chất lượng thì tôi ủng hộ vì sẽ thêm một lựa chọn và việc học ở trường sẽ có sự quản lý tốt hơn, cũng là môi trường quen thuộc với học sinh hơn,” chị Hương nói.
Trước đó, ngày 3/4, tại buổi làm việc của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Thành phố Hồ Chí Minh về triển khai học bạ số, xây dựng học liệu số và tổ chức dạy học 2 buổi trên, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục Phổ thông cho hay thời gian tới, Bộ sẽ yêu cầu học hai buổi/ngày ở cả bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông như bậc tiểu học hiện nay.
Ông Tài cho biết điều này nhằm tạo môi trường để học sinh được phát triển năng lực, phẩm chất theo đúng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới đồng thời khai thác được cơ sở vật chất của các nhà trường. Ông Tài cũng cho hay trong các nội dung dạy buổi chiều sẽ có các nội dung trường liên kết với bên ngoài dạy có thu phí và không bắt buộc học sinh tham gia.
Tuy nhiên, từ thực tế trải nghiệm của các con ở cả ba bậc học, từ tiểu học đến trung học phổ thông, chị Nguyễn Minh Anh (quận Hoàng Mai, Hà Nội) tỏ ra thiếu tin tưởng. “Tôi không muốn con học tiếng Anh liên kết ở trường tiểu học nhưng vẫn phải cho con học vì trường chèn vào giữa giờ chính khóa. Tôi muốn cho con học cờ vua, bóng rổ, nhưng trường lại bố trí thời gian học rất muộn, từ sau 17 giờ. Về lý thuyết thì hay nhưng thực tế triển khai lại chỉ gây thêm bức xúc, tốn kém, áp lực cho phụ huynh và tốn thời gian cho học sinh,” chị Minh Anh nói.
Theo ông Thái Văn Tài, trong tháng 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có văn bản hướng dẫn việc dạy học 2 buổi/ngày để cho các trường đủ điều kiện chuẩn bị sẵn sàng cho năm học sau./.