Hoạt động trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ diễn ra sôi động trong tháng 3
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 3 ghi nhận điểm sáng trên thị trường thứ cấp với tổng giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đạt 120.858 tỷ đồng, tương đương bình quân 5.755 tỷ đồng mỗi phiên – tăng mạnh 56,6% so với tháng trước.
Hơn 8.000 tỷ đồng nợ chậm trả trái phiếu được thanh toán trong quý I/2025 Thị trường trái phiếu xanh sẽ tiếp tục trở thành kênh huy động vốn quan trọng
Tính đến thời điểm công bố thông tin ngày 31/3/2025, theo dữ liệu do Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 1 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ trị giá 500 tỷ đồng cùng 4 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị lên tới 10.199 tỷ đồng trong tháng 3. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã tích cực thực hiện nghĩa vụ nợ khi mua lại trước hạn lượng trái phiếu trị giá 5.430 tỷ đồng trong tháng, dù con số này đã giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 3 quý còn lại của năm 2025, áp lực đáo hạn vẫn còn khá lớn khi theo ước tính của VBMA, sẽ có khoảng 172.963 tỷ đồng trái phiếu đến hạn thanh toán. Đáng chú ý, nhóm trái phiếu bất động sản chiếm tỷ trọng lớn với giá trị khoảng 93.483 tỷ đồng, tương đương 54% tổng khối lượng đáo hạn. Về tình hình công bố thông tin bất thường trong tháng 3, thị trường ghi nhận 5 mã trái phiếu bị chậm trả lãi với tổng giá trị lên tới 305 tỷ đồng và 2 mã chậm trả gốc 355 tỷ đồng.

Nguồn: VBMA.
Trên thị trường thứ cấp, hoạt động giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ diễn ra khá sôi động, với tổng giá trị đạt 120.858 tỷ đồng trong tháng 3, tương đương mức bình quân 5.755 tỷ đồng mỗi phiên – tăng mạnh 56,6% so với bình quân tháng trước đó.
Liên quan đến kế hoạch phát hành sắp tới, một số doanh nghiệp lớn đã bắt đầu công bố phương án huy động vốn thông qua kênh trái phiếu. Cụ thể, Hội đồng Quản trị CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) đã phê duyệt kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi ra công chúng trong năm 2025 với tổng giá trị tối đa gần 500 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 1 năm và lãi suất cố định 9,5%/năm.
Tương tự, Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank – CTG) cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu ra công chúng đợt 2, triển khai trong quý I và II/2025 với tổng giá trị tối đa lên tới 4.000 tỷ đồng. Loại trái phiếu này có đặc điểm không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản đảm bảo, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn từ 8 đến 10 năm, áp dụng lãi suất thả nổi.
Tổng quan quý I/2025, theo báo cáo từ VIS Rating, lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ năm trước. Giai đoạn từ năm 2019 đến 2024 cho thấy quý đầu năm thường chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng phát hành cả năm, phản ánh yếu tố mùa vụ rõ nét của thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, quý I/2025 ghi nhận giá trị phát hành mới thấp nhất trong vòng 5 năm, nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm đáng kể trong các đợt phát hành riêng lẻ – chỉ có hai đợt được công bố với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng.
Trái ngược với xu hướng này, kênh phát hành ra công chúng lại tăng trưởng mạnh, đạt 23.130 tỷ đồng – tăng 68% so với cùng kỳ, và là mức cao nhất trong 5 năm qua, với động lực chính đến từ nhóm ngân hàng và công ty chứng khoán.