Hoạt động đào tạo của Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý VN có gì đặc biệt?
Viện kỳ vọng hoạt động đào tạo sẽ đóng góp các giá trị thiết thực trong phát triển hệ tri thức về lãnh đạo, quản trị, quản lý của Việt Nam trong tương lai.
Ngày 03/02/2025, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tổ chức Lễ công bố Nghị quyết thành lập và ra mắt Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam (VLGM). Vốn được biết đến là một cơ sở giáo dục tiên phong trong công nghệ số nên sự kiện thành lập Viện này đã thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận và người học.
![Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và lãnh đạo Viện VLGM thực hiện nghi thức khai trương.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_231_51416325/564a9f4da7034e5d1712.jpg)
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và lãnh đạo Viện VLGM thực hiện nghi thức khai trương.
Viện sẽ tận dụng tối đa lợi thế nền tảng để đưa công nghệ giáo dục số, AI vào đào tạo
Để hiểu rõ hơn về lợi thế, định hướng đào tạo của Viện thời gian tới, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có trao đổi với Tiến sĩ Đoàn Hiếu - Giám đốc điều hành Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam để độc giả có cái nhìn tổng quan hơn.
Chia sẻ về một số thuận lợi từ quá trình ấp ủ đến khi Viện chính thức được thành lập, Tiến sĩ Đoàn Hiếu nhấn mạnh về sự đồng hành và định hướng ngay từ thời gian đầu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các chuyên gia, học giả tâm huyết của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.
"Bên cạnh đó, một yếu tố thuận lợi nữa chính là thế mạnh của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông về công nghệ số, đặc biệt là công nghệ giáo dục số, AI ứng dụng trong đào tạo. Điều này đã được Học viện nghiên cứu và phát triển trong những năm qua, giúp đổi mới phương thức đào tạo.
Ngoài ra, chính thế mạnh của Học viện trong nghiên cứu, đào tạo về kinh tế số cũng là tiền đề quan trọng để Viện có thể chính thức đi vào hoạt động như ngày hôm nay", vị Giám đốc điều hành Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam cho biết thêm.
![Tiến sĩ Đoàn Hiếu - Giám đốc điều hành Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam. Ảnh: Viện VLGM cung cấp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_231_51416325/549b949cacd2458c1cc3.jpg)
Tiến sĩ Đoàn Hiếu - Giám đốc điều hành Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam. Ảnh: Viện VLGM cung cấp
Về quá trình chuẩn bị với đội ngũ giảng viên, Tiến sĩ Đoàn Hiếu cho biết, Viện đã chuẩn bị và xác định có 3 lớp. Cụ thể bao gồm: Đội ngũ chuyên gia cốt lõi, đó là các nhà lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu mang khát vọng phát triển nền quản trị Việt Nam, tham gia sáng lập và là nòng cốt xây dựng hệ tri thức và các chương trình lãnh đạo của Viện.
Bên cạnh đó sẽ có thêm đội ngũ giảng viên cơ hữu, chính là các giảng viên có trình độ, chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết nắm bắt được các tinh thần từ đội ngũ chuyên gia cốt lõi trực tiếp tham gia nghiên cứu.
Đồng thời có mạng lưới chuyên gia cộng tác với chương trình, đó là các nhà khoa học quốc tế, lãnh đạo các doanh nghiệp thành công của Việt Nam, lãnh đạo - nguyên lãnh đạo trong các cơ quan chính phủ của Việt Nam tham gia đồng hành cùng chương trình giúp chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn.
Tiến sĩ Đoàn Hiếu cho rằng, với đội ngũ giảng viên như vậy sẽ góp phần tạo dựng môi trường đào tạo và hình thành mạng lưới tích lũy tri thức về quản lý và lãnh đạo đặc sắc Việt Nam.
Nói về cơ sở vật chất để phục vụ quá trình đào tạo, Tiến sĩ Đoàn Hiếu cho biết: "Quá trình đào tạo sắp tới chúng tôi sẽ dựa trên các cơ sở vật chất hiện có, là hiện đại nhất của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông để đưa vào áp dụng. Quan trọng hơn cả đó là hạ tầng số gồm kho học liệu số và hệ thống AI riêng cho lĩnh vực lãnh đạo, quản trị, quản lý đã được Học viện xây dựng trong thời gian vừa qua".
Thông tin cụ thể hơn về sự hỗ trợ của AI trong quá trình đào tạo, vị Giám đốc điều hành Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam cho hay: "Học viện hiện đã xây dựng trợ lý AI dành riêng cho lĩnh vực lãnh đạo, quản trị, quản lý và đang liên tục hoàn thiện.
Hệ thống AI được cung cấp dưới dạng Chatbot để hỗ trợ học viên tự khai thác, tìm hiểu các tri thức trong lĩnh vực học tập. Sự kết hợp giữa hệ thống học liệu số và AI sẽ giúp người học chủ động học tập được các kiến thức lý thuyết trong lĩnh vực và sẽ giúp giảm thời lượng học tập lý thuyết với giảng viên.
Thay cho thời lượng học lý thuyết thì chương trình đào tạo của Viện sẽ tăng cường việc học tập với các "case study", tổ chức thảo luận và giải quyết các bài toán thực tiễn. Việc sử dụng AI dưới dạng chatbot đã trở nên phổ biến và dễ tiếp cận sẽ không gây khó khăn gì cho việc tiếp cận của cả giảng viên và học viên".
Kỳ vọng về sự đóng góp các giá trị thiết thực trong phát triển hệ tri thức lãnh đạo
Chia sẻ thêm về mô hình đào tạo “Giáo viên phải là bác sĩ chữa bệnh” đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh trong buổi lễ ra mắt Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam, Tiến sĩ Đoàn Hiếu cho biết, đây là một cách tiếp cận và phương pháp mới trong đào tạo.
"Viện sẽ áp dụng các phương pháp đào tạo hiện đại, tối ưu hóa quá trình học tập và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Qua đó, thay vì tập trung tiếp cận từ dạy kiến thức, đơn vị đào tạo sẽ tiếp cận từ các vấn đề, bài toán cần giải về lãnh đạo, quản trị và quản lý của tổ chức. Từ đó, tổ chức đào tạo kết hợp với tư vấn, huấn luyện hướng tới giải quyết những vấn đề, bài toán của tổ chức bằng các tri thức chung và tri thức đặc thù Việt Nam.
Ngoài ra, từ khía cạnh phương pháp, trong quá trình đào tạo các vấn đề thực tiễn được đặt trọng tâm với phương pháp đào tạo thông qua “case study” và thảo luận cùng với chuyên gia để tìm ra lời giải cho các vấn đề vướng mắc. Với phương pháp này, chuyên gia và giảng viên sẽ cùng với người học xác định được các “căn bệnh” đang có trong chính tổ chức của mình và phương hướng để khắc phục, cải thiện các vấn đề đó", vị Giám đốc điều hành Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam cho hay.
![Một phòng học sẽ được Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam sử dụng trong hoạt động đào tạo. Ảnh: Viện VLGM cung cấp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_231_51416325/b72274254c6ba535fc7a.jpg)
Một phòng học sẽ được Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam sử dụng trong hoạt động đào tạo. Ảnh: Viện VLGM cung cấp
Qua đó, Tiến sĩ Đoàn Hiếu cho biết, đối tượng người học mà Viện hướng đến là các nhà lãnh đạo/quản lý hiện tại và tương lai trong các tổ chức, doanh nghiệp mong muốn học tập các tri thức về lãnh đạo và có khát vọng phát triển mạnh mẽ tổ chức của mình ra thế giới.
Bên cạnh đó Viện cũng sẽ triển khai các chương trình đào tạo dành cho học viên cao học, nghiên cứu sinh có hướng nghiên cứu về lãnh đạo và quản lý ở Việt Nam.
"Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam ra đời với một sứ mệnh phát triển và chuyển giao tri thức về lãnh đạo, quản lý, quản trị đặc sắc Việt Nam để đáp ứng sự phát triển của các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
Do đó, Viện là đơn vị nghiên cứu, tập hợp hệ tri thức về lãnh đạo, quản trị, quản lý dựa trên tri thức đã tích lũy của nhân loại và phát triển tri thức lãnh đạo riêng có, mang bản sắc của văn hóa và con người Việt Nam. Viện cũng sẽ triển khai đào tạo để chia sẻ, truyền cảm hứng cho các thế hệ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển của doanh nghiệp, tổ chức trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Viện sẽ áp dụng các phương pháp đào tạo hiện đại, nhằm tối ưu hóa quá trình học tập và nâng cao hiệu quả giảng dạy. Đó là, kết hợp hài hòa giữa các hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, mang lại sự linh hoạt trong học tập cho học viên. Đó là, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong đào tạo để giúp học viên khai thác tri thức trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý.
Đồng hành với Viện sẽ là các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế tham gia giảng dạy, chia sẻ kinh nghiệm và tư vấn cho học viên. Các chương trình đào tạo chính của Viện bao gồm chương trình Thạc sĩ/Tiến sỹ, các chương trình đào tạo cấp chứng chỉ, các chương trình đào tạo bồi dưỡng dành cho các cấp lãnh đạo, quản lý và các môn học dành cho sinh viên đại học.
Những chương trình này sẽ được thiết kế và liên tục điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của các nhà lãnh đạo, quản lý ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ công nghệ, kinh doanh cho đến quản lý nhà nước", Tiến sĩ Đoàn Hiếu nhấn mạnh.
![Một phòng máy tại Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam. Ảnh: Viện VLGM cung cấp](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_231_51416325/7016b4118c5f65013c4e.jpg)
Một phòng máy tại Viện Lãnh đạo, Quản trị và Quản lý Việt Nam. Ảnh: Viện VLGM cung cấp
Qua đó, vị lãnh đạo này kỳ vọng hoạt động nghiên cứu và đào tạo của Viện trong tương lai sẽ đóng góp được các giá trị thiết thực trong phát triển hệ tri thức về lãnh đạo, quản trị, quản lý của Việt Nam. Đồng thời sẽ đồng hành, hỗ trợ được sự phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam trong kỷ nguyên mới của dân tộc.
"Chúng tôi cũng xác định con đường phát triển của Viện là một hành trình mới và lâu dài, một hành trình không ngừng nghỉ và cần bắt đầu với các bước đi vững chắc. Trước mắt Viện sẽ tập trung vào nghiên cứu và hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức để xây dựng hệ tri thức về lãnh đạo, quản trị và quản lý, phát triển các tri thức này theo hướng “đặc sắc Việt Nam” và phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Từ đó hình thành các chương trình đào tạo chia sẻ các tri thức này tới các doanh nghiệp, tổ chức", Tiến sĩ Đoàn Hiếu nêu kỳ vọng.