Hoàng Vũ Thuật: 'Họa sĩ' vẽ thơ
Để xem nhà thơ Hoàng Vũ Thuật cho chúng ta ngắm nghía bức tranh thơ gì đây? Ừ, đấy là một bức toàn cảnh tả thực. Dưới chân một cầu thang, dưới cái bậc thấp nhất để đi lên, một bóng hồng bó gối, tì cằm khóc! Nàng đang khóc. Nàng là ai, nàng khóc vì lẽ gì. Nỗi buồn như sương mai chợt đến, hạnh phúc như nắng tinh khiết vừa về, hay một thổn thức ban đầu mà chỉ có nước mắt mới đủ quyền năng diễn tả?
Hẳn những ai vừa thưởng ngoạn xong bức tranh sẽ hỏi “họa sĩ Hoàng Vũ Thuật” câu hỏi đó, như tôi từng tự hỏi. Bởi có hỏi thì chắc rằng “họa sĩ” cũng qua quýt trả lời: Nàng là thân phận trong vô vàn thân phận, đẹp trong vô vàn cái đẹp, gợi trong tầng tầng lớp lớp cái gợi… Nàng là tất cả! Tất cả xuất hiện loanh quanh đâu đó trong đời sống mỗi chúng ta.
Là tôi mò đoán vậy. Chứ tôi biết không ai thắc mắc “họa sĩ” mà họ sẽ tự chất vấn lòng mình và, từ phòng tranh trở về nhà, họ sẽ tự gật đầu: Đẹp thật, đẹp ngoài mong đợi. Cái đẹp thì đâu cần lý do!
xóa đi rồi vẽ lại
nghẹt thở
thêm một nét gầy thêm một nét
chết lặng dưới chân cầu thang
nàng khóc
(Họa sĩ, trang 108, Màu - NXB Lao động, 2010).
Bài thơ gọn, sắc, như một nét cọ tài hoa đầy ngẫu hứng vụt cháy mặt toan tinh khôi. Lướt qua một lần đã nhớ, chỉ với hai mươi hai âm tiết, hai mươi hai tích tắc cho một bức buồn để đời. Hai mươi hai giây cho một thước phim chậm mà lắng. Hai mươi hai chữ được chia thành năm câu, năm câu sắp xếp thành ba khổ nhỏ.
xóa đi rồi vẽ lại
nghẹt thở
Tác giả đang là một nhà quay phim, đặc tả trực tiếp sự lúng túng của chàng họa sĩ trước rung động của chính mình. Bức tranh tưởng như đã thành hình bỗng chốc lại mất... rồi lại khởi đầu thận trọng đầy hồi hộp.
thêm một nét gầy thêm một nét
chết lặng dưới chân cầu thang
Giờ thì ông bỏ máy quay, quan sát, suy ngẫm theo lối tư duy của thi sĩ: thêm một nét gầy thêm một nét. Câu thơ lạ lùng. Bảy chữ, với hai cụm “thêm một nét” hai bên và một chữ “gầy” đưa vai ra gánh. Trong trí tưởng tượng của tôi, nó như một parabol có đỉnh cực đại ở chữ “gầy”, như một ngọn đồi nhỏ nhắn mà ngập sự sinh tồn từ chân đến đỉnh. Một lát cắt khéo, tác giả tạo cho người đọc một chỗ đứng trên đỉnh ngọn đồi chỉ vừa bằng hai bàn chân, để họ tự xoay quanh trục chính tư duy của mình mà ngắm cái xanh tươi, mà cảm cái vàng phai của bốn bề mái lá… thảng thốt trong từng mắt nhìn, từng tâm trạng.
Với tôi: thêm một nét gầy thêm một nét - Câu thơ vời vợi ấy là đường chân trời trong một phối cảnh đẹp. Cũng chính là bản lề hé cửa cho chúng ta vào với nàng và cùng nàng khóc. Nàng khóc sau khi đã chết lặng. Có gì trái ngược ở đây không? Nàng khóc. Họa sĩ khóc hay chúng ta khóc?
Ted Hughes (Nhà thơ Anh, 1930-1998) từng nói: Thơ là một hành trình vào vũ trụ bên trong. Có phải Hoàng Vũ Thuật đang hành trình, dẫn dắt chúng ta đến nơi thâm sâu nhất của thế giới nội tâm, nơi đó ai cũng đã đôi lần chết lặng. Nơi đó, những giọt tinh khiết đang kìm nén, trực tràn? Vẽ hay xem tranh, trước hết phải chọn góc nhìn, tầm nhìn, điểm tụ. Cũng như thơ hay hay không ngoài xác chữ hiển hiện còn là tâm trạng, là bóng của những con chữ ấy đổ xuống hồn ta đậm nhạt ra sao.
Và điều này nữa, nó chính là hơi thở, là xung năng của câu thơ, bài thơ. Đó là cách ngắt nhịp khi đọc, với cái “parabol” mà nhà thơ đưa ra có thể đọc liền nhau các âm tự đều đặn: thêm một nét gầy thêm một nét, hoặc ngắt: thêm một nét gầy/thêm một nét. Tôi lại thích “được thở” kề sau chữ “nét” của vế trước và đọc thành: thêm một nét/gầy thêm một nét. Câu thơ lạ ở chỗ đó và thơ ở chỗ đó. Bức tranh gợi tò mò cũng chính chỗ đó. Thêm da thêm thịt mà lại “gầy”, cái gầy của mãn nguyện, của vẽ đẹp trinh nguyên như một thiên thần giáng thế. Đó cũng lý do để nàng khóc nữa chăng?
“Một bức tranh” tả thực mà lại siêu thực, lưu ảnh của nó, mĩ cảm của người xem xuất hiện sau từng khúc xạ khác nhau… như câu thơ của ông: cây cứ xanh ngoài lời (Lập thể).
Tuy nhiên, tôi tin khi đã đi đến nơi, đã tận tâm chiêm ngưỡng nàng của Hoàng Vũ Thuật khóc, ít ai dửng dưng.