Hoàng hậu Sam Đát có xuất thân dân thường hay công chúa?

Năm 1618, biên niên sử Campuchia chép hoàng hậu Sam Đát (Samdach) là con vua An Nam. Song nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đưa ra giả thuyết bà hoàng xuất thân là một thôn nữ.

Theo sử sách, trước hết, người Việt đến khai hoang Mô Xoài, tức Bà Lỵ hay Bà Rịa sau này, rồi đến Đồng Nai; đợt thứ hai mới tới Gia Định (Sài Gòn, Bến Nghé). Đúng như Trịnh Hoài Đức ghi: “Địa đầu Gia Định là Mô Xoài (hay Mỗi Xuy) và Đồng Nai (sau là Biên Hòa trấn) đã có lưu dân nước ta đến... khai khẩn ruộng đất” (1). Nhưng “lưu dân” đến Mô Xoài rồi Đồng Nai từ bao giờ, chúng ta chưa tìm ra niên đại.

Cách đây gần 15 năm (1975), chúng tôi đã bất ngờ đọc được một cuốn sách tại Thư viện Quốc gia II (nay là Thư viện Khoa học Tổng hợp), có lẽ thuộc loại hiếm và cổ nhất của cả Việt Nam, với nhan đề tiếng Pháp là Les voyages aventureux de Fernand Mendez Pinto (Những cuộc du hành mạo hiểm của Fernand Mendez Pinto) do Bernard Figuier dịch từ tiếng Bồ Đào Nha sang tiếng Pháp và ấn hành tại Paris năm 1629.

 Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đồng Nai.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Đồng Nai.

Trong nửa đầu thế kỷ XVI, nhà thám hiểm Fernand Mendez Pinto, người Bồ Đào Nha từng tham quan vùng Đông Nam Á nhiều lần; sau khi về nước, ông viết ký sự tả lại phong cảnh và người dân của nước “Cauchenchina” (Giao Chỉ gần Tần). Phụ tá của Pinto là Faria cũng thăm vùng này năm 1535.

Thời đó, nhân danh và địa danh chưa định rõ, nhưng đọc kỹ chi tiết thì đúng là tác giả đã gặp người Việt Nam tới sinh sống làm ăn tại miền duyên hải và trên bờ sông “Cambodia” (Campuchia), tức Mê Kông. Miền này nằm xa ở phía Nam con sông Tinacoreu mà người phương Tây đương thời gọi là Varella (2).

Một tư liệu khác mang tựa đề “Giáp Ngọ niên Bình Nam đồ. Đốc suất Đoan quận công tiến. Tự Đồng Hới chí Cao Miên giới” (Bản đồ dẹp yên miền Nam năm Giáp Ngọ. Đốc suất Đoan quận công vẽ dâng lên. Từ Đồng Hới tới biên giới Cao Miên).

Trong cuốn Hồng Đức bản đồ do nhóm Bửu Cầm soạn dịch, ở trang 139 có viết: “Đoan quận công đây tức Nguyễn Hoàng”. Thiết tưởng không đúng (3). Đoan quận công đây là tước của Bùi Thế Đạt, người được chúa Trịnh sai đi cùng Hoàng Ngũ Phúc vào lấy Đàng Trong năm Giáp Ngọ (1774).

Đạt chưa hề đi quá Quảng Nam, nếu vẽ bản đồ “từ Đồng Hới đến biên giới Cao Miên” thì có lẽ đã sử dụng một bản đồ nào đó của các chúa Nguyễn vẽ từ trước, từ cuối thế kỷ XVII vì trong đó đã ghi “Nặc Thu thành” ở khoảng địa điểm Nam Vang. Đối với ta, đáng chú ý nhất trong bản đồ đó là câu ghi: “Đồng Nai xứ, Hà Tôm xã, thủy đắc nhị thập nhân” (Xứ Đồng Nai, xã Hà Tôm, lúc đầu có hai mươi người). Lúc đầu là bao giờ? Có phải từ thế kỷ XVI hay đầu thế kỷ XVII, còn cần nghiên cứu thêm.

b) Hoàng hậu Sam Đát là con lưu dân hay con chúa Nguyễn?

Năm 1618, biên niên sử Campuchia chép: “Prea Chey- chessda lên ngôi... Khi đó vua nước An Nam gả một người con gái cho nhà vua. Công chúa này rất đẹp, được nhà vua sủng ái và đưa lên ngôi hoàng hậu với tước hiệu Somdach-prea- peaccac-vodey-prea-voreac-khsattey” (4).

Đây là sự kiện quan trọng, nó giúp cho người đồng hương của “Bà Chúa” được dễ dàng tới khai hoang trong vùng ảnh hưởng của Chân Lạp. Do đó nhiều sử gia đã ghi nhận biến cố này và truy tầm lý lịch của “hoàng hậu” xem đích thị là ai, mặc dầu lịch sử cũng như ngọc phả nhà Nguyễn không hề nói tới.

Họ đã đưa ra giả thuyết đây là công nữ Ngọc Vạn hoặc Ngọc Khoa con chúa Sãi, tức Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635), rồi đoán chắc là Ngọc Vạn! (5). Nhưng không hiểu tại sao chưa có giả thuyết nào cho rằng “hoàng hậu Sam Đát” chỉ là một cô gái rất đẹp con một “lưu dân” người Việt đã sống ở đồng bằng sông Cửu Long hay kinh đô Oudong của Chân Lạp.

Người Việt nào khi xa quê hương mà chẳng nhận mình là con ông cháu cha? Huống chi một “hoàng hậu xinh đẹp” lại không nhận mình là “con dân” của vua chúa người Việt được sao? Đâu có quá đáng. Không phải tới lúc đó, “bà hoàng hậu” này “mới đem nhiều người Việt Nam đến, có người được giữ chức hệ trọng trong triều; bà lại lập một xưởng thợ và nhiều nhà buôn bán gần kinh đô” (6).

Có lẽ người Việt đã hiện diện nơi đây từ lâu rồi (trước cả năm 1618), đã làm ăn sinh sống và góp phần phát triển kinh tế của Chân Lạp từ kẻ chợ đến thôn quê. Cho nên không phải vì muốn tiểu thuyết hóa mà chính vì sự thật, chúng tôi ngả về giả thuyết bà hoàng chỉ là thôn nữ lưu dân, hơn giả thuyết con đẻ của chúa Nguyễn. Ít nhất, chưa đủ sử liệu chính xác để khẳng định hoàng hậu Sam Đát là con chúa Nguyễn.

-----------------------------------

(1). GĐTC, quyển III, tr.7.

(2). Les voyages aventureux de Fernand Mendez Pinto, traduit par Bernard Figuier,

Paris, 1629, p.128-150.

(3). Hồng Đức bản đồ, soạn dịch Bửu Cầm, Đỗ Vân Anh, Phạm Huy Thúy, Tạ Quang Phát và Trương Bửu Lâm, Sài Gòn in lại năm 1962 do vi phim của Đông Dương văn khố Nhật Bản sang lại giùm. Bản đồ này được in từ tr.138-167.

(4). Royaume du Cambodge của J.Moura, tome II, Paris 1883, p.57-58. - Chroniques Royales du Khmer, Martine Piat dịch từ tiếng Thái, trong BSEI, 1974, 1, tr.45, nhưng đó là năm 1619 chứ không phải năm 1618.

(5). Phan Khoang, Xứ Đàng Trong, Sài Gòn, 1967, tr.400-401.

(6). Phan Khoang, sđd, tr.401, theo Les Khmers của André Migot. - Phạm Đình Khiêm,

Une grande page d’histoire oublieé: De l’alliance des cours de Huế et d’Oudong à la premìere ambassade à demeure du Vietnam au Cambodge au début du XVIÌe sìecle. Extrait des Etudes interdisciphinaires sur le Vietnam, Vol. I. Saigon, 2 semestre 1974.

Nguyễn Đình Đầu/ NXB Trẻ

Nguồn Znews: https://znews.vn/hoang-hau-sam-dat-co-xuat-than-dan-thuong-hay-cong-chua-post1497749.html
Zalo