'Báu vật' linh thiêng của người Khmer
Kinh lá buông là một loại sách cổ quý hiếm, được ghi chép phục vụ mọi sinh hoạt trong đời sống thế tục và tín ngưỡng tôn giáo. Trải qua nhiều thế kỷ, kinh lá buông vẫn tồn tại và được người Khmer xem là những 'báu vật' linh thiêng, cần được gìn giữ, phát huy.
Xuất hiện tại Nam Bộ từ khoảng giữa thế kỷ 19, Kinh lá buông là di sản thành văn đầu tiên của Phật giáo Nam tông tại Việt Nam. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa Khmer, văn bản viết trên lá buông phần lớn là chép kinh Phật bằng chữ Pali (chữ Khmer cổ). Ngoài kinh Phật, các văn bản viết trên lá buông còn ghi chép các nội dung về văn học, lịch pháp, y học, những câu chuyện kể về các hiện tượng của đời sống xã hội,…
Sở dĩ lá buông được người Khmer chọn để khắc chữ là do lá cây buông rất dẻo dai, bền chắc, ít rách nát, hư mục. Lá buông sau khi được xử lý: phơi nắng, phơi sương khoảng 2 tuần rồi nhúng qua nước sôi, hoặc hơ qua lửa có thể chống chọi với thời gian, sâu mọt.
Khi khắc chữ trên lá, người khắc sử dụng một loại bút đặc biệt có cán bằng gỗ và có ngòi sắt nhọn gọi là Ðék-cha. Ngón cái điều khiển đầu bút để khắc sao cho luôn đều tay, nét chữ không nông, không sâu, đều đặn và thẳng hàng. Việc khắc chữ trên lá buông đòi hỏi tỉ mỉ, công phu, chỉ cần sơ ý là tấm lá bị rách, phải làm lại.
Sau khi khắc chữ xong, người khắc sẽ dùng vải thấm vào mực (là một hỗn hợp gồm bột than củi đã nghiền mịn trộn với dầu thông, dầu lửa) để quét lên mặt lá, rồi dùng một tấm vải khác lau sạch mực, nét chữ khắc sẽ dần hiện ra và rất khó bị phai mờ.
Viết chữ trên lá buông là một quá trình lao động nghệ thuật sáng tạo đặc biệt, người viết phải có ý chí, kiên nhẫn. Để hoàn thành một cuốn kinh lá phải trải qua nhiều công đoạn, tốn rất nhiều công sức, lại đòi hỏi sự khéo léo, lòng đam mê đối với công việc này. Mặt khác, muốn học khắc kinh lá buông, người học phải am tường chữ Pali và nội dung của từng loại kinh, vì hầu hết các bộ kinh lá buông đều được chạm khắc bằng chữ Pali.
Tại các chùa Khmer Nam Bộ, hầu như chùa nào cũng có kinh lá buông để các vị sư sãi, achar, phật tử học hành, nghiên cứu. Ở An Giang, hiện còn lưu giữ khoảng 170 bộ kinh lá buông với hơn 900 quyển, nằm rải rác tại một số ngôi chùa Khmer ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Mỗi bộ kinh có từ 4 đến 10 cuốn, mỗi cuốn có từ 20 đến 60 lá kinh, mỗi mặt lá có 5 dòng, với khoảng 150 chữ.
Hiện nay, hầu hết các bộ kinh lá buông được gìn giữ, bảo quản tại các chùa với phương thức rất đơn giản như dùng vải quấn quanh bộ kinh và đặt trong tủ kính. Trải qua nhiều năm tháng, cùng với sự tác động của thời gian và môi trường biến đổi, những bộ kinh lá buông cổ xưa đang dần bị hư hại. Ðáng chú ý hơn là những nghệ nhân, các vị cao tăng biết khắc kinh lá buông trong cộng đồng Khmer Nam Bộ đều đã tuổi cao, sức yếu, giờ chỉ còn khoảng vài ba người.
Hòa thượng Chau Ty, Phó Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Soài So Tôm Nóp, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn có lẽ là người duy nhất ở An Giang còn nắm giữ kỹ thuật viết kinh trên lá buông.
Ông cho biết, năm 24 tuổi, ông được theo học cụ Chau Riêng, Trụ trì chùa Xvayton (thị trấn Tri Tôn), cách viết kinh trên lá buông. Nhờ cần cù, chăm chỉ và say sưa học hỏi, chỉ sau hai năm, ông đã nắm vững kỹ thuật viết kinh trên lá rất đặc biệt này.
Hòa thượng Chau Ty nổi tiếng trong vùng là người khắc chữ Pali trên lá buông đẹp nhất và đến nay, khi đã ngoài 83 tuổi, Hòa thượng cũng là người duy nhất sở hữu bộ kinh lá buông hoàn chỉnh nhất. Với những đóng góp trong việc gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, Hòa thượng Chau Ty được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú năm 2015 và danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân năm 2019.
Hòa thượng Chau Ty luôn đau đáu việc làm sao phải truyền dạy cho thật nhiều người biết đến kinh lá buông, biết cách đọc và khắc chữ trên lá buông, nhất là trong bối cảnh những năm gần đây, nguyên liệu lá buông ngày càng trở nên khan hiếm, việc khắc kinh lá buông đang đứng trước nguy cơ thất truyền theo thời gian.
Nhận thấy kinh lá buông không chỉ đóng vai trò chính trong việc bảo tồn kinh điển Phật giáo mà còn có ý nghĩa gìn giữ truyền thống văn hóa quý báu của người Khmer, năm 2013, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang tổ chức lớp dạy khắc chữ Pali trên lá buông cho các sư sãi, phật tử người Khmer do Hòa thượng Chau Ty đứng lớp.
Ban đầu lớp học có 14 người, thế nhưng đến nay chỉ còn một, hai người biết cách khắc nhưng cũng chưa thuần thục. Một học trò của Hòa thượng Chau Ty là anh Ry Thi, 36 tuổi, người rất say mê nghiên cứu cách viết kinh lá buông, cho biết, học khắc chữ trên lá buông rất khó, thêm nữa giờ kiếm được nguồn cung cấp lá buông đạt tiêu chuẩn cũng không phải dễ. Nếu không thật sự đam mê, muốn gìn giữ bảo tồn giá trị văn hóa của ông cha thì rất khó học được và để khắc đẹp được như thầy Chau Ty thì còn cần cả năng khiếu hội họa, hoa tay nữa.
Do đó, trong tương lai, các trường Phật học Nam tông Khmer nên chăng cần xây dựng chương trình dạy môn đọc và khắc chữ Pali trên kinh lá buông, với mong muốn phục hồi lại nghệ thuật khắc chữ cũng như đào tạo thêm thế hệ sư sãi có thể đọc mẫu tự Khmer cổ, nhằm phục vụ việc nghiên cứu sâu, rộng các tài liệu cổ, đặc biệt các tài liệu ghi chép trên kinh lá buông của người Khmer.
Nhằm bảo tồn và lưu truyền cho thế hệ sau những giá trị đặc sắc kinh lá buông, tỉnh An Giang đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang” đến năm 2030.
Cụ thể, đề án được chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (2022-2026), sẽ thực hiện công tác kiểm kê, phân loại các bộ Kinh lá buông trên địa bàn tỉnh theo hệ thống. Thực hiện sửa chữa, phục hồi đối với những bộ kinh lá buông đã bị hư hỏng và hướng dẫn cách bảo quản cho các chùa đang lưu giữ Kinh lá buông. Tiếp theo, tỉnh sẽ thực hiện tư liệu hóa và số hóa di sản “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang”.
Tỉnh An Giang sẽ tổ chức bảo tồn và phát huy giá trị của di sản đã được nhận diện, xây dựng thêm các dị bản của một số bộ Kinh lá buông phục vụ cho công tác giáo dục di sản, phát triển du lịch. Đồng thời, sẽ dịch thuật một số bộ kinh lá Buông tiêu biểu để làm tư liệu tham khảo, nghiên cứu và giới thiệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều hình thức; đưa vào chương trình học ngoại khóa và các cuộc thi ở các trường học về việc tìm hiểu về di sản.
Giai đoạn 2 (2028-2030), tỉnh sẽ thực hiện xây dựng hồ sơ đăng ký công nhận di sản tư liệu tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer ở tỉnh An Giang thuộc Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Unesco.