Hoàng Cát và câu chuyện 'cát vàng em' với Xuân Diệu

Hoàng Cát (1942-2024) - một thi sĩ có cuộc đời khá đặc biệt.

Ông đi bộ đội năm 1965, đánh Mỹ ở chiến trường Bình Trị Thiên, năm 1969 bị thương mất một chân. Năm 1971, ông xuất ngũ về Hà Nội viết báo và làm thơ thì "mắc nạn" vì truyện thiếu nhi "Cây táo ông Lành" đăng trên Tuần báo Văn nghệ năm 1974.

Bản thảo của nhà thơ Hoàng Cát. Đó là một tấm bìa ông viết bút bi 3 bài thơ (2 bài cho Xuân Diệu, 1 bài cho vợ) trong chuyến đi Bình Định - Quy Nhơn năm 2016. Tư liệu của: PHẠM XUÂN NGUYÊN

Bản thảo của nhà thơ Hoàng Cát. Đó là một tấm bìa ông viết bút bi 3 bài thơ (2 bài cho Xuân Diệu, 1 bài cho vợ) trong chuyến đi Bình Định - Quy Nhơn năm 2016. Tư liệu của: PHẠM XUÂN NGUYÊN

Câu chuyện đơn giản về một ông lão hiền lành, rất yêu trẻ con. Lành quá, lâu dần, người ta vẫn quen gọi ông là "ông Lành". Ông chăm sóc ngôi vườn nhỏ, có cây táo lai với rất nhiều trái mà bọn nhỏ rất thích.

Chính cái truyện thiếu nhi này làm Hoàng Cát khốn khổ đến 20 năm. Thực ra đọc kỹ truyện ngắn này, chẳng thấy gì nhưng ông vẫn bị quy chụp đủ điều. Cuộc đời ông khốn khó từ đó. May ông là thương binh, có vợ tần tảo nên cũng dễ thở hơn những nhà văn, nhà thơ khác từng bị quy chụp.

Thi sĩ Hoàng Cát có blog Hoàng Cát, dưới avatar, ông chua: "Nhà thơ Hoàng Cát, gần cây táo ông Lành", là vậy.

Nhà thơ Xuân Diệu (phải) và Hoàng Cát thời trẻ. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Nhà thơ Xuân Diệu (phải) và Hoàng Cát thời trẻ. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Hoàng Cát khá điển trai, và đặc biệt nhất là người được thi sĩ Xuân Diệu thuở sinh thời nhận làm anh em kết nghĩa nhưng quan hệ của họ đã vượt quá tình anh em. Đọc bài thơ "Tình trai" của thi sĩ Xuân Diệu, sẽ hiểu.

Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine

Hai chàng thi sĩ choáng hơi men

Say thơ xa lạ, mê tình bạn

Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen

Trong "Cát bụi chân ai", Tô Hoài kể chuyện khi ở trong hang đá tại Việt Bắc với Xuân Diệu, đọc thấy rợn rợn như chuyện hoang tưởng mà có thiệt, mới càng hiểu và thương Xuân Diệu.

Nhà văn Nguyễn Quang Lập kể năm 1958, khi Hoàng Cát mới 17 tuổi, chăn trâu, bị lạc trâu, ông tất tả đi tìm thì gặp Xuân Diệu đang ngồi nghỉ dưới tán cây giữa đồng làng. Xuân Diệu khi ấy đi thực tế về Nghệ An, tay cầm cặp bánh chưng, ông cho Hoàng Cát một cái. Lần đầu tiên Hoàng Cát biết bánh chưng ngon đến chừng nào.

Từ đó anh em thân nhau, rồi thương nhau, chính xác chỉ có Xuân Diệu yêu Hoàng Cát, còn Hoàng Cát chỉ biết thương Xuân Diệu, thương đến vô cùng. Vì thương, Hoàng Cát chỉ chiều yêu Xuân Diệu mà thôi.

Nguyễn Quang Lập hỏi Hoàng Cát: "Rứa Xuân Diệu có yêu anh không, Hoàng Cát nói yêu chớ, Xuân Diệu yêu tau thiệt mà, yêu lắm mi nờ".

Xuân Diệu có bài thơ nổi tiếng "Biển", trong đó có đoạn:

Anh xin làm sóng biếc

Hôn mãi cát vàng em

Hôn thật khẽ, thật êm

Hôn êm đềm mãi mãi

Trong giới văn nghệ, ai cũng hiểu "Cát vàng em" được xem là Hoàng Cát.

Vì cái họa "ông Lành", Hoàng Cát gần như bị "treo bút" suốt 20 năm.

Suốt thời gian đó ông sống rất vất vả, cùng vợ làm nhiều nghề như nuôi heo, bán nước chè, làm nem chạo, rang đậu phộng... Dù khó khăn trăm bề, đặc biệt về tinh thần nhưng ông vẫn viết và luôn giữ cho mình cái nhìn lạc quan, trong trẻo với cuộc đời.

Ông "sống ngay thẳng, trung thực, tràn ngập yêu thương, không bao giờ đi vòng trên đường đời và trong sáng tạo thơ ca", như nhận xét của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi Hoàng Cát mất.

Trở lại câu chuyện thi sĩ Xuân Diệu nhận Hoàng Cát làm "em nuôi". Đó là một tình cảm đặc biệt. Hoàng Cát cũng rất thương Xuân Diệu, như một người anh, một thi sĩ mà ông rất kính trọng.

Năm 2016, Hoàng Cát lặn lội vào tận Gò Bồi, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định thăm quê mẹ của Xuân Diệu. Hai bài thơ Hoàng Cát làm lúc ấy cho thấy mối thâm tình của ông với thi sĩ Xuân Diệu dào dạt, đằm thắm đến chừng nào.

ĐẰM THẮM VÀ LINH THIÊNG

Định đi tìm chỗ ăn,

Nghỉ trưa bên bờ biển

Taxi đưa em đến

Con đường mang tên Anh...

Có hẹn tìm đường đâu

Mà sao lạ lùng thế?

Anh Diệu linh thiêng lắm

Em nào giây phút quên...

Anh mãi mãi thương em!

Trong em - em rõ lắm

Anh Diệu ơi! - đằm thắm

Là trái tim chúng mình...

(Hè 2016)

TỪ ĐÂY BÌNH ĐỊNH - QUY NHƠN

Từ đây Bình Định, Quy Nhơn

Trở thành kỷ niệm vui buồn đời ta

Dấu yêu dẫu vĩnh biệt xa

Nhưng hồn thơ vẫn la đà đâu đây

Vẫn nồng say. Vẫn đắm say

Anh - Em: tay ấm "Cầm tay" phố người...

Hỡi Người trong cõi xa xôi

Xin về đây chút -

Chút thôi...

Hỡi Người!

Diệu ơi! - Em lại khóc rồi!...

(Đêm 18-5-2016)

Hoàng Cát mất năm 2024, thọ 82 tuổi. Ông bệnh đã lâu và dù bị cuộc đời vùi dập nhưng vẫn sống rất lạc quan. Cuối năm 2023, Hoàng Cát giới thiệu tuyển thơ mang tên "Cõi người" được gộp từ 12 tập thơ của ông, do NXB Hội Nhà văn ấn hành. Xuyên suốt cả ngàn trang thơ, người đọc được thấy một tâm hồn trong trẻo, lạc quan của ông, như trong bài thơ có tên "Lãng mạn":

"Ta muốn hét, ta muốn gào thật lớn/Cuộc sống mến yêu - người đẹp quá chừng/ Có phải thế chăng - ta rồi vĩnh biệt/ Nên nhìn đâu cũng thấy đẹp rưng rưng".

Trong kỷ yếu "Nhà văn Việt Nam" - NXB Hội Nhà văn, năm 2007, ông tâm sự: "...Là con người thật sự, con người đúng với nghĩa là con người - không thể thiếu thi ca, không thể thiếu văn học. Nếu có kiếp sau xin cho tôi lại làm thi sĩ".

Lưu Nhi Dũ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/hoang-cat-va-cau-chuyen-cat-vang-em-voi-xuan-dieu-196250114134145714.htm
Zalo