Hoàn thiện thể chế về tài chính - ngân sách

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) để huy động nguồn lực cho phát triển đất nước.

Tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính. Ảnh minh họa

Tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính. Ảnh minh họa

Kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách tài chính

Bộ Tài chính xác định việc đẩy mạnh hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế tài chính là một trong 3 đột phá chiến lược để xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập. Các luật, nghị định, quyết định, thông tư được ngành tài chính xây dựng, trình các cấp ban hành đã góp phần thể chế hóa các chủ trương của Đảng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về tài chính - ngân sách, tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn về thể chế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Năm 2025, ngành tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài chính – NSNN, đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo bước đột phá phát triển kinh tế đất nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng

Năm 2024, Bộ Tài chính đã hoàn thành 70/71 đề án nhiệm vụ được giao, trong đó có 38 đề án, nhiệm vụ được giao bổ sung. Bộ đã lựa chọn một số vấn đề lớn có vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện và có tính cấp bách để trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 như 1 Luật sửa 9 Luật gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật NSNN, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập cá nhân, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính. Việc sửa đổi, bổ sung 9 Luật này đã kịp thời tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công; bổ sung nguồn lực cho NSNN; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát hiệu quả nợ công.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); ban hành Nghị quyết kỳ họp thứ 8 về chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng và ban hành 03 nghị quyết. Đồng thời, Bộ đã trình Quốc hội cho ý kiến đối với Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và Dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, rà soát đối với Luật Thuế bảo vệ môi trường; Luật Thuế tài nguyên; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật thuế thu nhập cá nhân; Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; Luật Quản lý thuế; Luật NSNN; Luật Kế toán; Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trên cơ sở đó, Bộ sẽ lập đề nghị xây dựng các luật và báo cáo cấp có thẩm quyền đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài chính – ngân sách

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho biết, nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của Ngành trong xây dựng, phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, năm 2025, Bộ Tài chính sẽ bám sát tình hình thực tế, phương châm hành động của Chính phủ để tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, nhiệm vụ hàng đầu của Bộ là tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về tài chính - NSNN. Trong đó, tập trung hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9 Dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và một số luật khác sau hợp nhất, sáp nhập...

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025 của ngành tài chính mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận ngành tài chính đã tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là nỗ lực lớn trong việc trình Quốc hội thông qua Dự án 1 Luật sửa 9 luật, trình Chính phủ ban hành 23 nghị định và ban hành theo thẩm quyền 86 thông tư hướng dẫn.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu công tác phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương cần nhanh hơn, chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Việc giải ngân vốn đầu tư công, vốn chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, chưa có nhiều chuyển biến, trong đó điểm nghẽn lớn nhất vẫn là thể chế, nhiều thủ tục còn rườm rà, cần mạnh dạn cắt giảm hơn nữa; việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính có nơi, có lúc còn chưa nghiêm; quy định về tài sản công vẫn còn những điểm nghẽn; việc cơ cấu lại, đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước cần tiếp tục tăng cường… Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành tài chính phải giữ vững đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, tạo đồng thuận khi sắp xếp, tinh gọn bộ máy, quyết tâm và quyết liệt triển khai với tinh thần "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi" trong đó có việc Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hợp nhất.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính-NSNN, chứng khoán, trái phiếu... để huy động nguồn lực phát triển với quan điểm thể chế là đột phá của đột phá, thể chế là nguồn lực, động lực phát triển, nhất là việc xây dựng, hoàn thiện Luật Quản lý và Đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, pháp luật về NSNN, đầu tư, đấu thầu… Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật thuế và quy định có liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống thất thu thuế nhất là với các hoạt động thương mại điện tử, khai thác hiệu quả nguồn lực từ đất đai, cơ sở hạ tầng; đề xuất các giải pháp chính sách thuế, phí, lệ phí phù hợp với tình hình thực tế để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, tiết giảm chi phí cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Ngành tài chính phải nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả để huy động mọi nguồn lực phát triển, góp phần vào kết quả phát triển kinh tế-xã hội, phấn đấu kinh tế cả nước đạt mức tăng trưởng ít nhất 8% năm 2025 và tạo điều kiện thuận lợi để đạt các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2021-2025, tự tin bước vào kỷ nguyên mới với thế và lực mạnh mẽ hơn./.

MINH ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/hoan-thien-the-che-ve-tai-chinh-ngan-sach-37900.html
Zalo