Hoàn thiện thể chế thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp

Trong bối cảnh đổi mới và chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, khoa học và công nghệ đóng vai trò then chốt trong phát triển bền vững ngành nông nghiệp và môi trường. Tuy nhiên, một loạt tồn tại và điểm nghẽn về thể chế, cơ chế tài chính, tổ chức, cũng như tư duy điều hành đang cản trở việc phát huy hiệu quả tiềm năng sẵn có. Thực tế này đòi hỏi ngành nông nghiệp đổi mới, sáng tạo hơn nữa để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Ảnh: Khương Trung

Bộ Nông nghiệp và Môi trường ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam. Ảnh: Khương Trung

Những điểm nghẽn cần tháo gỡ

Tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị trong ngành nông nghiệp và môi trường vừa được tổ chức, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, dù thời gian qua, ngành nông nghiệp và môi trường đã đạt một số kết quả tích cực như triển khai nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng cảm biến trong giám sát môi trường, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai và khí tượng, nhưng để đạt được “đột phá phát triển” như yêu cầu của Nghị quyết, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Nhìn nhận từ thực tế, Tiến sĩ Nguyễn Văn Long, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết, ngành nông nghiệp đang sở hữu một lực lượng hơn 11.400 nhà khoa học, cùng với mạng lưới 21 tổ chức nghiên cứu khoa học và hơn 16.000ha đất. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác của ngành vẫn còn rất khiêm tốn. Một phần nguyên nhân đến từ việc thiếu các chính sách trọng dụng cụ thể, mang tính cạnh tranh và khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Theo ông Long, một trong những bất cập hiện nay trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ là sự phân bổ nguồn lực thiếu hợp lý. Trong tổng kinh phí dành cho khoa học công nghệ, chi trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu chỉ chiếm khoảng 46%, phần còn lại dồn vào duy trì bộ máy, lương thưởng, hành chính. Điều này đã triệt tiêu phần lớn khả năng tạo ra các sản phẩm nghiên cứu có giá trị thương mại hoặc ứng dụng thực tiễn. Ở cấp địa phương, ngân sách chi cho khoa học công nghệ có thể lên tới 2% tổng chi, nhưng lại thiếu đội ngũ nhân lực thực hiện. Trong khi đó, ở cấp Trung ương, nơi tập trung nhiều nhà khoa học đầu ngành, thì lại thiếu kinh phí để triển khai nghiên cứu.

Phân tích những hạn chế trong nghiên cứu khoa học, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chỉ ra rằng, thủ tục hành chính phức tạp, kéo dài là một trong những rào cản lớn tới sự phát triển của lĩnh vực này. Nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học mất tới 5-6 năm từ khi đề xuất đến khi được phê duyệt và triển khai, khiến kết quả nghiên cứu không còn phù hợp thực tế. Điều này làm chậm nhịp chuyển giao công nghệ vào sản xuất và gây lãng phí nguồn lực đầu tư.

Tăng cường liên kết đưa khoa học công nghệ vào thực tiễn

Chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực chăn nuôi, Tiến sĩ Nguyễn Văn Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần AVAC cho biết, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành chăn nuôi không chỉ ở Việt Nam mà cả nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Không chỉ gây tổn thất lớn về kinh tế, DTLCP còn ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm và sinh kế của hàng triệu hộ chăn nuôi.

Để ứng phó với thách thức này, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa, trong đó có nghiên cứu và phát triển vaccine. AVAC đã nghiên cứu vaccine DTLCP dựa trên 3 yếu tố chính: chủng virus, tế bào và dữ liệu. Vaccine phòng DTLCP do AVAC sản xuất đã được chứng minh hiệu quả trên thực tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thử thách đối với vaccine trong quá trình sử dụng trong chăn nuôi. Vaccine AFS mới được cho phép lưu hành dùng cho lợn thịt, cần vaccine cho lợn giống. Ngoài ra, biến chủng mới, chủng tái tổ hợp giữa genotype I và II mà vaccine hiện tại không bảo hộ hiệu quả. Do đó, cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu phát triển loại vaccine mới.

Nhiều thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được các doanh nghiệp giới thiệu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57 trong ngành nông nghiệp và môi trường. Ảnh: Khương Trung

Nhiều thiết bị, máy móc hiện đại phục vụ sản xuất nông nghiệp đã được các doanh nghiệp giới thiệu tại Hội nghị triển khai Nghị quyết số 57 trong ngành nông nghiệp và môi trường. Ảnh: Khương Trung

Hiện, AVAC đã xây dựng quy trình sử dụng vaccine cho lợn giống; đã phối hợp với Cục Chăn nuôi thú y xây dựng tiêu chuẩn đánh giá vaccine cho lợn giống. Ông Điệp kiến nghị Cục Chăn nuôi thú y hỗ trợ, triển khai nhanh chóng công tác đánh giá và cấp phép lưu hành vaccine DTLCP cho đối tượng lợn giống. Ông Điệp cũng đề xuất Chính phủ hỗ trợ, giao thêm nhiệm vụ khoa học công nghệ cho doanh nghiệp trong việc phát triển các thế hệ vaccine DTLCP mới hiệu quả hơn, phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất.

Bàn về giải pháp triển khai Nghị quyết số 57 trong ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Đức Trường, Tổng giám đốc Công ty Đại Thành cho rằng, vấn đề hiện tại mà ngành nông nghiệp đang gặp phải, đó là sự thiếu chính xác trong quá trình vận hành của máy móc nông nghiệp, như: máy cấy không biết đi thẳng hàng, drone không bay được chính xác, máy gặt không tính được năng suất, máy cày không biết độ nông sâu...

Theo ông Trường, nền nông nghiệp thế giới tới năm 2050 sẽ chịu áp lực bởi các vấn đề: nhu cầu lương thực toàn cầu tăng, trong khi nguồn tài nguyên nông nghiệp ngày càng hạn chế; biến đổi khí hậu, dịch bệnh; chiến tranh; đứt gãy chuỗi cung ứng. Để giải quyết những vấn đề này, nông nghiệp chính xác sẽ trở thành xu thế tất yếu không thể đảo ngược, trong đó có sự hỗ trợ từ các công nghệ mới (IoT - internet vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn), AI phân tích dữ liệu...

"Mục tiêu của Công ty Đại Thành là nghiên cứu, cung cấp, chuyển giao các sản phẩm công nghệ như drone nông nghiệp, thiết bị dẫn đường không người lái trên máy nông nghiệp trên mặt đất, san phẳng đất vệ tinh... Những thiết bị này đều bắt buộc phải dùng dịch vụ DTALS (Hệ thống vị trí chính xác thời gian thực). Hiệu quả của công nghệ này là giúp điều khiển chính xác máy móc, tối ưu tài nguyên; tăng năng suất từ 15-20%; giúp tiết kiệm 15-25% chi phí đầu vào; giảm thiểu ô nhiễm môi trường..." - Ông Nguyễn Đức Trường nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy, chuyển đổi số hiện nay không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu. Trước những thách thức biến đổi khí hậu gay gắt, tài nguyên suy giảm và áp lực tăng trưởng xanh, các mô hình sản xuất truyền thống không còn phù hợp. Do đó, để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị cho sản phẩm, bảo vệ môi trường, thì ngành nông nghiệp và môi trường phải đổi mới tư duy, lấy khoa học công nghệ, chuyển đổi số làm nền tảng phát triển.

Từ thực tiễn nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã xác định 3 trụ cột chiến lược để đổi mới hoạt động khoa học công nghệ trong thời gian tới. Đó là thể chế hóa các cơ chế đặc thù, tháo gỡ vướng mắc cải cách tổ chức nghiên cứu theo hướng tinh gọn và tự chủ, để phát huy tiềm năng nội lực. Đồng thời, thay đổi cách thức đặt hàng nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn với thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, tập trung phát triển nguồn nhân lực có chuyên môn sâu và đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hoan-thien-the-che-thuc-day-chuyen-doi-so-trong-nganh-nong-nghiep-post490166.html
Zalo