Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số
Tại Hội thảo 'Hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên số' do Cục Báo chí và Tạp chí điện tử VietTimes tổ chức hôm qua, 16/5, các đại biểu cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí là cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành.
Tạo hành lang pháp lý cho báo chí phát triển trong kỷ nguyên số
Hội thảo diễn ra trong bối cảnh đặc biệt nhân kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025), đồng thời lấy ý kiến góp ý xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) trước khi trình Chính phủ, Quốc hội xem xét, thông qua. Tại hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Phan Xuân Thủy cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí hết sức cần thiết nhằm hoàn thiện quy định pháp luật để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng về báo chí; khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy định pháp luật về báo chí hiện hành. Cùng với đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí nhằm điều chỉnh, quản lý hoạt động báo chí phù hợp trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của khoa học, công nghệ, truyền thông hiện đại, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí phát triển trong kỷ nguyên số.
Trao đổi về quá trình xây dựng dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc cho biết, quá trình xây dựng dự thảo, Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã bám sát ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, cụ thể hóa 4 chính sách bao gồm: tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động báo chí; nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí và điều chỉnh hoạt động báo chí trên không gian mạng.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình điều phối nội dung thảo luận tại hội thảo. Ảnh: T. Tâm
Theo ông Lưu Đình Phúc, dự thảo Luật sẽ bổ sung nhiều quy định quan trọng, trong đó điểm nhấn là nguyên tắc quản lý báo chí chặt chẽ, minh bạch và phân định rõ thẩm quyền giữa Trung ương và địa phương. Dự kiến có 30 nội dung giao Chính phủ và các cơ quan chức năng quy định chi tiết; phân quyền cho địa phương thêm 10 thủ tục hành chính. Đồng thời, sửa đổi và bổ sung hệ thống khái niệm, nhằm phân biệt rõ ràng giữa các loại hình báo chí, khắc phục tình trạng “báo hóa” tạp chí - một trong những vấn đề nổi cộm thời gian qua.
Một điểm mới đáng chú ý là việc bổ sung mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông chủ lực đa phương tiện, tổ hợp báo chí địa phương; khái niệm về phóng viên, biên tập viên làm cơ sở để Chính phủ quy định chính sách, pháp luật phát triển quản lý phù hợp. Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra các nguyên tắc chặt chẽ trong hoạt động báo chí trên không gian mạng. “Các kênh nội dung của báo chí trên mạng xã hội, ứng dụng internet bắt buộc phải đăng ký, kết nối hệ thống với cơ quan quản lý. Nội dung phát hành phải tuân thủ pháp luật báo chí, an ninh mạng và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”, ông Phúc nhấn mạnh.
Mở đường cho báo chí phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về mô hình tổ hợp báo chí, liên kết phát triển nguồn lực xã hội và hoàn thiện pháp luật để báo chí cạnh tranh, định hướng thông tin trên không gian mạng… Ngoài ra, các đại biểu cũng tham gia góp ý cho từng điều luật cụ thể trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) nhằm hoàn thiện pháp luật để báo chí phát triển trong kỷ nguyên mới.
Theo TS. Lê Hải, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Tạp chí Cộng sản điện tử - Tạp chí Cộng sản cho biết, tổ hợp truyền thông ra đời là nhân tố góp phần hoàn thiện những vấn đề đang còn khuyết thiếu và yếu của nền truyền thông nước ta, như về thể chế, điều kiện, môi trường báo chí, mô hình tổ chức cơ quan báo chí, chiến lược quy hoạch. Ông Hải chỉ ra, hầu hết các cơ quan báo chí của Việt Nam chưa tiếp cận mô hình tổ chức hiện đại, giữ mô hình tổ chức cũ với phương thức quản trị hiệu quả không cao. Khi phát triển tới một trình độ nhất định, mô hình tổ chức cũ sẽ mâu thuẫn với trình độ lực lượng sản xuất mới, cản trở phát triển.
Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm cho rằng hoạt động báo chí trên không gian mạng được dự thảo thiết kế một chương rất rõ, song cần làm rõ thêm về mô hình kinh doanh của báo chí. Ngoài ra, nên làm rõ việc Nhà nước đầu tư và mua dịch vụ công nghệ thông tin trên nền tảng số và mô hình sự nghiệp công lập đối với cơ quan báo chí.
Trong khi đó, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong Phùng Công Sưởng cho rằng liên kết báo chí là vấn đề rất cần quan tâm. Một cơ quan báo chí tốt cần có nền tảng công nghệ mạnh, một doanh nghiệp công nghệ của chính mình. Do đó, ông cho rằng, Luật Báo chí (sửa đổi) lần này cần tháo gỡ các "điểm nghẽn", đặc biệt là về kinh tế báo chí, mô hình tổ chức, cơ chế hoạt động và quyền tự chủ của cơ quan báo chí, để thực sự mở đường cho báo chí Việt Nam phát triển chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập.
Đề xuất cơ chế đặc thù về tài chính, lao động, công nghệ cho báo chí đa phương tiện, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Nguyễn Thị Sự kiến nghị cần bổ sung chế tài mạnh bảo vệ bản quyền, yêu cầu các nền tảng số tuân thủ nghiêm ngặt quyền tác giả khi đăng tải nội dung báo chí…
Cũng tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Vietnamnet Nguyễn Văn Bá cũng đề nghị cần làm rõ định nghĩa không gian mạng trong dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), tránh quá thiên về kỹ thuật như quy định trong Luật An ninh mạng. Lưu ý cách xác định các kênh báo chí trên nền tảng số, ông cho rằng, việc yêu cầu mọi nội dung trên mạng phải đăng trên báo chính thống cần xem xét lại để phù hợp thực tiễn. Ngoài ra, ông đặt vấn đề về việc có nên tiếp tục đưa trang thông tin điện tử tổng hợp vào luật, khi hiện nay mạng xã hội là kênh phân phối chính. Về chính sách thuế, cần cân nhắc miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho báo chí, tương tự y tế và giáo dục, thay vì mức thuế hiện hành 15 - 20%.
Trao đổi ý kiến tại hội thảo, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Hải Bình nhấn mạnh: Việc hoàn thiện dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi) lần này là những bổ sung cơ bản, hình thành không gian, cơ chế, tạo hành lang pháp lý để báo chí phát triển, giúp người làm báo có thể yên tâm làm nghề trong những năm tới.