Giải pháp cho bài toán an cư của người thu nhập thấp

Ngày 21/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).

Áp lực hiện thực hóa giấc mơ an cư

Theo báo cáo của Chính phủ, từ năm 2021 đến nay, cả nước mới hoàn thành hơn 66.000 căn NƠXH trên tổng số gần 600.000 căn đã và đang được phê duyệt hoặc triển khai. Tiến độ này mới chỉ đạt khoảng 15% so với mục tiêu đề ra đến năm 2025.

Nếu muốn thực hiện đúng kế hoạch phát triển ít nhất một triệu căn hộ NƠXH vào năm 2030, mỗi năm Việt Nam phải xây dựng được 150.000 căn – một mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh nguồn lực tài chính và cơ chế thực hiện còn nhiều bất cập.

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho biết, phần lớn người thu nhập thấp hiện không đủ khả năng tiếp cận với các dự án nhà thương mại, trong khi nguồn cung NƠXH lại khan hiếm, giá cả còn cao so với thu nhập thực tế. “Giải pháp căn cơ là phải thiết lập cơ chế tài chính riêng cho NƠXH – nơi không chạy theo lợi nhuận mà đặt mục tiêu an sinh xã hội lên hàng đầu”, ông Mai nhấn mạnh tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 21/5.

Quỹ nhà ở quốc gia sẽ hoạt động phi lợi nhuận

Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, Chính phủ đang nghiên cứu mô hình Quỹ nhà ở quốc gia như một thiết chế tài chính hoạt động độc lập ngoài ngân sách, hướng tới mục tiêu duy nhất là cung cấp nhà ở giá rẻ cho các đối tượng khó khăn. Quỹ này không nhằm thu lợi nhuận, mà sẽ huy động đa dạng nguồn lực để tạo lập quỹ đất, đầu tư xây dựng hoặc hỗ trợ người dân vay mua nhà với lãi suất ưu đãi.

Nguồn tài chính cho Quỹ có thể đến từ ngân sách trung ương, địa phương, khoản đóng góp tự nguyện của doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, cá nhân trong và ngoài nước. Đặc biệt, một phần đáng kể sẽ được trích từ quỹ đất 20% trong các dự án bất động sản thương mại bắt buộc dành cho NƠXH – một nguồn lực hiện chưa được khai thác hiệu quả.

 Phó Thủ tướng nhận định sẽ có nhà giá rẻ cho người dân khi có Quỹ nhà ở quốc gia.

Phó Thủ tướng nhận định sẽ có nhà giá rẻ cho người dân khi có Quỹ nhà ở quốc gia.

“Quỹ sẽ như một chiếc cầu nối giữa nhu cầu của người dân và khả năng cung ứng của thị trường, đồng thời giúp Nhà nước chủ động hơn trong việc kiểm soát giá nhà, định hướng phát triển đô thị và đảm bảo công bằng xã hội”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Mô hình quản lý quỹ nên được thiết kế linh hoạt, có thể học hỏi từ kinh nghiệm các nước như Singapore, Hàn Quốc, nơi các quỹ phát triển nhà ở công cộng gắn liền với chính sách quy hoạch, hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người mua và cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà giá rẻ.

Việc có một quỹ tài chính độc lập cho phép Nhà nước phản ứng linh hoạt với biến động thị trường, hỗ trợ người mua nhà trong thời điểm khó khăn hoặc điều chỉnh nguồn cung khi cần thiết.

Để hiện thực hóa ý tưởng này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ đang chuẩn bị các bước cụ thể, từ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, xác định nguồn lực tài chính ban đầu, đến thiết lập bộ máy vận hành chuyên trách. Đồng thời, việc kết nối các quỹ đầu tư nước ngoài, tổ chức quốc tế và các nhà hảo tâm trong và ngoài nước cũng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ.

Hương Trang

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giai-phap-cho-bai-toan-an-cu-cua-nguoi-thu-nhap-thap-post732154.html
Zalo