Hoàn thiện hành lang pháp lý về thương mại điện tử

Sáng 14-8, Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề ''Phát triển thương mại điện tử - Cơ hội, động lực và thách thức''.

Các khách mời dự tọa đàm. Ảnh: PV

Các khách mời dự tọa đàm. Ảnh: PV

Các đánh giá cho thấy, trong dòng chảy mạnh mẽ và mãnh liệt của thời kỳ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số đang được xem là một trong những động lực quan trọng hàng đầu để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển vào năm 2045. Đón đầu xu thế này, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số cũng đề ra các nhiệm vụ cụ thể về phát triển kinh tế số ở từng ngành, lĩnh vực trọng tâm, trong đó, thương mại điện tử là một trong những lĩnh vực tiêu biểu, điển hình của kinh tế số.

Theo Báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI 2024) của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, ước tính tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2023 tăng trên 25% so với năm trước và đạt 25 tỷ USD, trong đó, quy mô bán lẻ hàng hóa trực tuyến đạt 17,3 tỷ USD

Hiện nay, trên các sàn thương mại điện tử, nông sản có khoảng 5,2 triệu hộ nông dân mở cửa hàng. Hằng năm có hơn 1,1 triệu hộ kinh doanh có doanh thu từ bán nông sản qua hình thức giao dịch thương mại điện tử. Cùng đó, kênh giao dịch điện tử, nền tảng số trung gian, như: Shopee, Lazada đang đóng góp vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Với đà hiện nay, mục tiêu đặt ra là doanh thu thương mại điện tử chiếm 10% tổng doanh thu bán lẻ vào năm 2025 là có thể đạt được.

Theo TS Võ Trí Thành - chuyên gia kinh tế, tại thành phố Hồ Chí Minh có hơn 90 nghìn người kinh doanh online, tức khoảng 0,8% dân số. Cả nước chưa có con số cụ thể nhưng qua đó có thể thấy đây là lĩnh vực tạo ra nhiều việc làm. Dân số trẻ, tiêu dùng mạnh mẽ, thích giao dịch online, thương mại điện tử tạo ra sự phát triển đồng đều hơn, giảm khoảng cách về thu nhập tại Việt Nam. Thương mại điện tử phát triển ở khu vực nông thôn cũng rất mạnh mẽ, tiệm cận với thành phố.

Thương mại điện tử đã đem lại nhiều tác động tốt đẹp, song PGS.TS Trần Minh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông tin, hiện đang nổi lên những vấn đề liên quan đến tranh chấp và bảo vệ người tiêu dùng, hàng hóa tiêu dùng.

Về việc này, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lại Việt Anh kiến nghị, các cơ quan chức năng hoàn thiện khuôn khổ thị trường thương mại điện tử. Trong đó, dữ liệu không chỉ là sức sống của kinh tế số, của thương mại điện tử mà sẽ là một trong số những chìa khóa cho việc triển khai thực thi pháp luật về thương mại điện tử thời gian tới.

“Chúng tôi mong rằng những nỗ lực của Chính phủ trong việc kết nối dữ liệu giữa những cơ quan quản lý nhà nước và các chủ thể độc lập được điều chỉnh bởi pháp luật, giữa cơ quan thuế, cơ quan hải quan, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và những nền tảng thương mại điện tử lớn sẽ giúp chúng ta có đầu vào để giải quyết được nhiều bài toán về thực thi pháp luật, về thể chế trong tương lai, từ chuyện bảo vệ người tiêu dùng, xử lý hành vi không lành mạnh trên môi trường điện tử”, bà Lại Việt Anh nói.

Bà Lại Việt Anh cũng nhấn mạnh, sự đồng hành của nền tảng số mới, chủ chốt trong thị trường thương mại điện tử cần có sự hợp tác, phối hợp chia sẻ dữ liệu với các cơ quan nhà nước để đạt được mục tiêu là xây dựng thị trường bền vững, lành mạnh và phát triển.

Hà Phong

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoan-thien-hanh-lang-phap-ly-ve-thuong-mai-dien-tu-674712.html
Zalo