Hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Tại kỳ họp bất thường lần thứ 9, ngày 18/2, Quốc hội đã phê chuẩn bổ nhiệm ông Đỗ Đức Duy làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Ông Đỗ Đức Duy được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Ảnh ST
Đây là nhiệm vụ đầu tiên trong quá trình hoàn thiện cơ cấu, tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Môi trường sau khi sáp nhập Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ông Đỗ Đức Duy sinh năm 1970, quê ở Thái Bình, có trình độ Thạc sĩ Xây dựng; là Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13, đại biểu Quốc hội khóa 15.
Trước khi được phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Đỗ Đức Duy từng kinh qua các chức vụ: Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Cùng với việc phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường, cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, chức năng năng nhiệm vụ của các đơn vị trực thuộc cũng đang được cơ quan chức năng phối hợp hoàn thiện.
Dự kiến, Bộ Nông nghiệp và Môi trường là bộ đa ngành, đa lĩnh vực, bảo đảm Bộ sau khi hợp nhất đi vào hoạt động ngay, vận hành thông suốt, liên tục, không có khoảng trống pháp lý; bám sát các quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW; phù hợp với bối cảnh của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới; bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, thực hiện thường xuyên, liên tục của hệ thống hành chính Nhà nước.
Cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Môi trường được sắp xếp, kiện toàn, tổ chức lại từ 27 đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 26 đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường thành 30 đơn vị.
Trong đó, 26 đơn vị hành chính giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước gồm:
Vụ Hợp tác quốc tế,
Vụ Kế hoạch - Tài chính,
Vụ Khoa học và Công nghệ,
Vụ Pháp chế,
Vụ Tổ chức cán bộ,
Văn phòng Bộ,
Thanh tra Bộ,
Cục Chuyển đổi số,
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật,
Cục Chăn nuôi và Thú y,
Cục Thủy sản và Kiểm ngư,
Cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm,
Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi,
Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai,
Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn,
Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường,
Cục Quản lý đất đai,
Cục Quản lý tài nguyên nước,
Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam,
Cục Môi trường,
Cục Biến đổi khí hậu,
Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học,
Cục Khí tượng Thủy văn,
Cục Biển và Hải đảo Việt Nam,
Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam,
Cục Viễn thám quốc gia.
Trong đó quy định cụ thể, Vụ Kế hoạch - Tài chính có 03 phòng, Vụ Tổ chức cán bộ có 03 phòng.
04 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ gồm:
Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường,
Trung tâm Khuyến nông quốc gia,
Báo Nông nghiệp và Môi trường,
Tạp chí Nông nghiệp và Môi trường.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường có trụ sở tại số 10 Tôn Thất Thuyết, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường có thẩm quyền quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc Bộ, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập khác trực thuộc Bộ theo quy định.
Sau khi hợp nhất, Bộ Nông nghiệp và Môi trường là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các lĩnh vực nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy sản; thủy lợi; phòng, chống thiên tai; phát triển nông thôn; đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; môi trường; khí tượng thủy văn; biến đổi khí hậu; đo đạc và bản đồ; quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; viễn thám; quản lý nhà nước các dịch vụ công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ.
Hiện, các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tại Nghị định số 68/2022/NĐ-CP và các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định tại Nghị định số 105/2022/NĐ-CP tiếp tục hoạt động theo quy định hiện hành cho đến khi cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc hợp nhất tổ chức và ban hành quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị theo quy định.