Hoàn thiện các quy định về các cơ quan của Quốc hội phù hợp với yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật
Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa trả lời phỏng vấn Báo Khánh Hòa về những điểm mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
![Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_12_435_51460123/72350702304cd912805d.jpg)
Đại biểu Lê Hữu Trí - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa
- Thưa ông, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội sẽ thảo luận và cho ý kiến dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, xin ông cho biết mục đích của việc sửa đổi Luật này?
Để kịp thời cụ thể hóa các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội phải đạt các mục đích và quán triệt các quan điểm cơ bản sau đây:
1. Thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 27-NQ/TW, Nghị quyết số 56-NQ/TW, Kết luận số 111-KL/TW, Kết luận số 121-KL/TW nhằm sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
2. Hoàn thiện các quy định về các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phù hợp với yêu cầu đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật.
3. Kết hợp sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh một số điều, khoản liên quan đến hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội để làm rõ hơn thẩm quyền của Quốc hội trong mối quan hệ với Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác cũng như xử lý một số vướng mắc, bất cập trong hoạt động của Quốc hội phát sinh trong quá trình thi hành Luật Tổ chức Quốc hội thời gian qua.
4. Chỉ xem xét sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã có chỉ đạo rõ, những vấn đề đã chín muồi, có nhu cầu cấp thiết trong thực tế nhằm cụ thể hóa các chỉ đạo, kết luận của Trung ương và xử lý việc thiếu thống nhất trong một số quy định giữa các luật.
- Thưa ông, trong dự án Luật sửa đổi lần này có những quy định về việc phân định thẩm quyền của Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ, các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, xin ông cho biết thêm về vấn đề này?
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Công văn số 13078-CV/VPTW ngày 14/01/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng về việc giao Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự đảng Chính phủ phối hợp rà soát, trao đổi thống nhất các nội dung còn giao thoa về chức năng, nhiệm vụ giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ, bảo đảm phân định rõ ràng, rành mạch về phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền các cơ quan theo đúng các nguyên tắc hiến định, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền.
Qua nghiên cứu cho thấy, các nội dung về thẩm quyền của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội đang bám sát với quy định tại Điều 70 của Hiến pháp. Đối với nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao hiện đang được quy định khá cụ thể trong các luật, nghị quyết điều chỉnh về từng lĩnh vực nên cơ bản không có sự giao thoa, chồng lấn. Một số nhiệm vụ, quyền hạn hiện đang được các luật chuyên ngành quy định cho Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân quyền cho Chính phủ và các cơ quan cấp dưới thì sẽ được nghiên cứu để kịp thời sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Do đó, hiện chỉ còn vấn đề chưa thực sự rành mạch là phân định giữa phạm vi thẩm quyền lập pháp của Quốc hội với lập quy của Chính phủ và các cơ quan khác (cụ thể như luật quy định về những vấn đề gì và chi tiết đến mức độ nào…). Để khắc phục bất cập này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 5 của Luật Tổ chức Quốc hội theo hướng xác định cụ thể hơn những nội dung cần được quy định bằng luật, nghị quyết của Quốc hội để phân định thẩm quyền của Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác trong công tác xây dựng pháp luật và hoàn thiện thể chế. Đồng thời, để làm rõ luật quy định đối với những nội dung này chi tiết đến mức độ nào, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất bổ sung vào Điều 5 nội dung quy định có tính nguyên tắc, định hướng về mức độ chi tiết cần được quy định trong luật. Cụ thể là: luật chỉ quy định các vấn đề mang tính ổn định, có giá trị lâu dài; quy định cụ thể các nội dung liên quan đến quyền con người, quyền, nghĩa vụ của công dân, các vấn đề có ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội, mối quan hệ giữa Nhà nước với công dân và xã hội. Đối với các nội dung quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực, các vấn đề mới, có tính kiến tạo, phát triển, các vấn đề chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, luật chỉ quy định các nội dung chính sách có tính nguyên tắc, định hướng, chiến lược, dài hạn để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng; phân quyền cho Chính phủ, các cơ quan trong bộ máy nhà nước trong việc tiếp tục cụ thể hóa các quy định của luật và tạo điều kiện cho việc thực hiện phân cấp, bảo đảm phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của từng cơ quan, tổ chức, chính quyền các cấp và kịp thời đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn; không quy định các nội dung về thủ tục hành chính, trình tự, hồ sơ, về quy trình, quy chuẩn chuyên môn, kỹ thuật và các nội dung có tính biến động cao.
Cách thức quy định nêu trên một mặt bảo đảm phân định rõ hơn một bước về phạm vi, nhiệm vụ, thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước khác trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, mặt khác thống nhất với cách thức quy định hiện nay tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) là luật gốc về tổ chức bộ máy chỉ quy định các vấn đề cơ bản, mang tính nguyên tắc, các nội dung cụ thể được quy định trong pháp luật chuyên ngành để phù hợp với yêu cầu, tính chất và đặc điểm riêng, bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước theo từng lĩnh vực.
- Xin cảm ơn ông!
TRÍ NGHĨA (Thực hiện)