Thẩm tra cơ chế đặc thù cho dự án điện hạt nhân

Chiều tối ngày 12/2 Ủy ban KHCN&MT đã tiến hành phiên họp thẩm tra Tờ trình của Chính phủ đề xuất chính sách đặc thù cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Theo đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội đã họp phiên toàn thể lần thứ 11 thẩm tra Tờ trình số 74/TTr-CP ngày 08 tháng 02 năm 2025 về các cơ chế, chính sách đặc thù cho xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Nghĩa Đức

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Nghĩa Đức

Tham dự và chỉ đạo phiên họp có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KHCN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Tạ Đình Thi; cùng tham dự có các đồng chí lãnh đạo Thường trực Ủy ban KHCN&MT, các đại biểu là thành viên của Ủy ban KHCN&MT tại các địa phương; đại diện Thường trực các Ủy ban của Quốc hội: Pháp Luật, Kinh tế, Quốc phòng an ninh, các vấn đề xã hội, Hội đồng Dân tộc; cùng lãnh đạo, chuyên viên của Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, các cục, vụ liên quan của Văn phòng Quốc hội;

Về phía cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị quyết có Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cùng lãnh đạo, chuyên viên của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo và các Cục, vụ liên quan của Bộ Công Thương; đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông vận tải; đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng quốc gia (PVN)...

Phiên họp nhằm thu nhận các ý kiến phục vụ công tác hoàn thiện báo cáo thẩm tra, trình Quốc hội vào ngày 14/2. Ảnh: Nghĩa Đức

Phiên họp nhằm thu nhận các ý kiến phục vụ công tác hoàn thiện báo cáo thẩm tra, trình Quốc hội vào ngày 14/2. Ảnh: Nghĩa Đức

Về phía UBND tỉnh Ninh Thuận có Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam; cùng lãnh đạo UBND tỉnh, đại diện các sở, ngành liên quan của tỉnh Ninh Thuận.

Hoàn chỉnh báo cáo, trình Quốc hội vào ngày 14/2

Phát biểu khai mạc cuộc họp, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Ngày 8/2/2025, Chính phủ đã có Tờ trình số 74 đề xuất các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Nghĩa Đức

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Nghĩa Đức

Phiên họp toàn thể lần thứ 11 này nhằm thẩm tra các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, qua đó hoàn chỉnh báo cáo thẩm tra, trình Quốc hội vào sáng ngày 14/2 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9”- ông Lê Quang Huy nhấn mạnh.

Ông Lê Quang Huy chia sẻ, để thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đã khẩn trương có nhiều buổi làm việc với Bộ Công Thương, cùng với các các bộ, ngành liên quan, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn công nghiêp năng lượng quốc gia (Petrovienam). Ngày 10/2/2025, Thường trực Ủy ban KHCN&MT đã thẩm tra sơ bộ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và cho ý kiến đối với dự án.

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 174/2024/QH15 của Quốc hội, trong đó có nội dung về tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chính phủ đã thành lập ban Chỉ đạo xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Ban để chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương triển khai, sớm đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đọc Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Nghĩa Đức

Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đọc Tờ trình tại phiên họp. Ảnh: Nghĩa Đức

Ban Chỉ đạo đã họp phiên thứ nhất vào ngày 15/1/2025 và Phiên thứ 2 vào ngày 4/2/2025 và thống nhất đưa vào vận hành trong năm 2030 để đảm bảo an ninh cung cấp điện phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội.

Tờ trình nêu rõ, để đạt mục tiêu đưa dự án vào vận hành trong năm 2030, Chính phủ nhận thấy cần thiết phải có cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Trước mắt, để triển khai đồng thời, song song các giai đoạn trong công tác chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án, trên cư sở ý kiến các bộ, ngành liên quan, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép thực hiện một số cơ chế chính sách liên quan.

Thống nhất chủ trương cần có chính sách đặc thù cho dự án

Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến vào các nội dung: Quan điểm chính sách đối với các chính sách đưa vào dự thảo Nghị quyết; hồ sơ; phạm vi chính sách; các cơ chế chính sách về lựa chọn đối tác, lựa chọn nhà thầu, di dân tái định cư, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, an toàn, môi trường…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam, cùng lãnh đạo EVN, Petrovietnam đã giải trình, làm rõ những vấn đề đại biểu nêu.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: Thu Hường

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: Thu Hường

Kết luận phiên họp, ông Lê Quang Huy khẳng định, tại phiên họp các đại biểu đã thống nhất, ủng hộ Chính phủ có tờ trình đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư dự án. Trên cơ sở ý kiến góp ý tại phiên họp, Thường trực Ủy ban KHCN&MT sẽ hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội theo kế hoạch vào sáng ngày 14/2/2025.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 174 trong đó có nội dung tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trước đó Ngày 25/11/2009, Quốc hội Khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH12 về phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tiếp theo, đến ngày 26/11/2016, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 31/2016/QH14 dừng thực hiện chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tham-tra-co-che-dac-thu-cho-du-an-dien-hat-nhan-373532.html
Zalo