Hoan nghênh các doanh nghiệp Thụy Điển đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực có thế mạnh

Ngày 12/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Benjamin Dousa, Bộ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Benjamin Dousa, Bộ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Benjamin Dousa, Bộ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Tại cuộc tiếp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp với Thụy Điển; tin tưởng chuyến thăm của Bộ trưởng Benjamin Dousa tới Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác hai nước thời gian tới.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chuyển lời mời thăm Việt Nam của Tổng Bí thư Tô Lâm và Chủ tịch nước Lương Cường tới Nhà Vua Thụy Điển, của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển. Thủ tướng cũng mời Thủ tướng Thụy Điển sớm thăm Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Benjamin Dousa, Bộ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp ông Benjamin Dousa, Bộ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế và Ngoại thương Thụy Điển. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng nhắc lại những kỷ niệm sâu sắc trong quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Điển; đặc biệt là tình cảm của nhân dân Thụy Điển được thể hiện qua bộ phim “Victoria Viet Nam”, mới được phía Thụy Điển trao tặng nhân dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.

Thủ tướng khẳng định Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ, trân trọng và biết ơn sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu, trong sáng và chân thành của Thụy Điển dành cho Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển và hội nhập quốc tế ngày nay.

Thụy Điển là nước cung cấp viện trợ không hoàn lại nhiều nhất cho Việt Nam, đạt 3 tỷ USD; đã đào tạo cho Việt Nam nhiều cán bộ, chuyên gia và giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình ý nghĩa đối với dân sinh như Nhà máy giấy Bãi Bằng, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Uông Bí (Quảng Ninh), góp phần rất quan trọng vào những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Quang cảnh buổi tiếp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng khẳng định Thụy Điển là đối tác quan trọng và tin cậy của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU), kim ngạch thương mại hai nước tăng trưởng tích cực, đạt 1,5 tỷ USD năm 2024, tăng 15% so với 2023; cho rằng con số này vẫn còn khiêm tốn so với tiềm năng và quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước.

Trong bối cảnh thương mại thế giới gặp nhiều khó khăn, Thủ tướng đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn, tiếp xúc các cấp, đặc biệt là cấp cao để tạo động lực thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới, nhất là trên các lĩnh vực thương mại-đầu tư, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hạ tầng chiến lược như đường sắt, sân bay, cảng biển, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, giáo dục, khoa học-công nghệ…

Thủ tướng nhất trí hai bên hợp tác, tạo thuận lợi cho hàng hóa của mỗi bên thâm nhập thị trường của nhau, đặc biệt là các mặt hàng nông sản; khẳng định Việt Nam sẵn sàng làm cửa ngõ cho hàng hóa Thụy Điển vào ASEAN và đề nghị Thụy Điển là cửa ngõ để hàng hóa Việt Nam vào thị trường Bắc Âu, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững chung.

Đoàn đại biểu phía Thụy Điển tham dự buổi tiếp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Đoàn đại biểu phía Thụy Điển tham dự buổi tiếp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Thủ tướng hoan nghênh các doanh nghiệp Thụy Điển tăng cường đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Thụy Điển có thế mạnh và phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như kinh tế số, cơ sở hạ tầng, công nghệ thông tin-truyền thông…

Thủ tướng đánh giá hai nước có nhiều điểm tương đồng trong quan điểm phát triển, đặc biệt là về các chính sách an sinh-xã hội, giảm chênh lệch giàu nghèo, lấy người dân làm trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển, không để ai bị bỏ lại phía sau. Việt Nam đang tham khảo kinh nghiệm của Thụy Điển về chính sách xây dựng nhà ở cho người lao động, phát triển công nghiệp văn hóa, mong muốn đẩy mạnh giao lưu thế hệ trẻ giữa hai nước.

Lãnh đạo một số bộ, ngành Việt Nam tham dự buổi tiếp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Lãnh đạo một số bộ, ngành Việt Nam tham dự buổi tiếp. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Bộ trưởng Benjamin Dousa cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp; bày tỏ ấn tượng về sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng và mạnh mẽ của Việt Nam, quốc gia có nền chính trị ổn định, môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển, đặc biệt là mức tăng trưởng trên 7% năm 2024, mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và tăng trưởng ở mức 2 con số trong những năm tiếp theo; khẳng định Thụy Điển là đối tác tin cậy và thực chất của Việt Nam, nhân dân Thụy Điển luôn yêu mến Việt Nam.

Bộ trưởng Benjamin Dousa cho biết, một trong những động lực cho chuyến thăm lần này của ông đến Việt Nam là ở Thụy Điển cũng như trên thế giới, ai ai cũng nhắc đến Việt Nam với niềm thiện cảm. Bộ trưởng cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của Thủ tướng đối với quan hệ hai nước; nhấn mạnh Thụy Điển mong muốn đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, nhiều doanh nghiệp Thụy Điển quan tâm, mong muốn hợp tác với Việt Nam và có chiến lược đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Bộ trưởng cũng nhất trí với đánh giá của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc hai bên bên còn nhiều dư địa hợp tác và cần phối hợp thúc đẩy đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới. Bộ trưởng hứa sẽ trao đổi để các nước thành viên EU còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA cũng như với Ủy ban châu Âu (EC) về đề xuất gỡ bỏ thẻ vàng IUU đối với hải sản xuất khẩu của Việt Nam.

THANH GIANG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hoan-nghenh-cac-doanh-nghiep-thuy-dien-dau-tu-vao-viet-nam-trong-cac-linh-vuc-co-the-manh-post879184.html
Zalo