Hoài Đức hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững

Với việc xóa 690 hộ cận nghèo vào cuối tháng 9/2024, Hoài Đức (Hà Nội) chính thức hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững. Toàn huyện không còn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí của thành phố.

Thông tin được UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) chia sẻ tại Hội nghị công bố hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, ngày 18/10.

Tại huyện Hoài Đức, từ quý II năm 2020 đến nay không có hộ nghèo. Từ năm 2020 đến cuối năm 2023, số hộ cận nghèo giảm từ 1.394 hộ (tỷ lệ 2,14%) xuống còn 690 hộ (tỷ lệ 0,9%). Đến tháng 9, toàn huyện Hoài Đức không còn hộ cận nghèo theo tiêu chí của thành phố.

Việc quan tâm chăm lo tới các hộ cận nghèo, ngăn chặn việc tái nghèo, tái cận nghèo không chỉ thể hiện ở con số mà tại địa phương này, giảm nghèo, giảm cận nghèo được thực hiện theo hướng đa chiều, hiệu quả, thiết thực.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức cho biết để xóa hộ cận nghèo trên địa bàn, huyện đã rà soát, điều tra cụ thể các trường hợp, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp hỗ trợ cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh sự hỗ trợ về nguồn lực, chính sách, điều quan trọng là sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đã khuyến khích các hộ dân tự vươn lên thoát cận nghèo.

Trên hành trình giảm nghèo của huyện ven nội thành Hà Nội này, địa phương huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung nguồn lực và giải pháp giảm cận nghèo; chú trọng bù đắp các chiều thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản như: đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, miễn giảm học phí cho con em hộ cận nghèo, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa...

Chăm lo về chiều thiếu hụt việc làm, hơn 4 năm qua, 400 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, thoát cận nghèo được tập huấn công tác vay vốn, giải quyết việc làm.

Đến hết ngày 30/9, huyện đã giải ngân cho 258 hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, thoát cận nghèo và người lao động là thành viên hộ cận nghèo với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng. Ngay tại hội nghị ngày 18/10, huyện Hoài Đức đã trao hợp đồng vay vốn giải quyết việc làm cho 5 hộ.

Các địa phương tại Hà Nội chú trọng tư vấn, đào tạo nghề gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm.

Các địa phương tại Hà Nội chú trọng tư vấn, đào tạo nghề gắn với hỗ trợ giải quyết việc làm.

Hơn 4.300 lượt lao động là thành viên hộ cận nghèo, mới thoát nghèo, mới thoát cận nghèo (chiếm 14%) được giải quyết việc làm. 800 lượt người lao động thuộc hộ cận nghèo, mới thoát nghèo hay thoát cận nghèo được tư vấn giới thiệu việc làm. Đáng mừng là khoảng 65% lượt lao động sau đó đã tìm được việc làm ổn định.

Ngoài kinh phí hỗ trợ từ ngân sách, huyện cũng vận động nguồn lực xã hội hóa để tặng học bổng, hỗ trợ chi phí học tập cho 112 trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn.

Chăm lo nhà ở cho người dân thuộc hộ cận nghèo, huyện Hoài Đức hỗ trợ kinh phí cho 49 hộ cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn xây mới, sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí hơn 2,84 tỷ đồng, trong đó xây mới 37 nhà, sửa chữa 12 nhà. Tại hội nghị ngày 18/10, huyện Hoài Đức trao hỗ trợ kinh phí cho đại diện 7 hộ gia đình cận nghèo chưa có chỗ ở kiên cố (mỗi hộ 100 triệu đồng) để xây dựng nhà mới.

Một trong các hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở là gia đình chị Nguyễn Thị Hạnh (thôn Yên Lũng, xã An Khánh). Hoàn cảnh khó khăn của chị rất khó để tự xây dựng căn nhà kiên cố. Trong năm 2024, huyện Hoài Đức hỗ trợ gia đình 100 triệu đồng, xã An Khánh trợ lực 20 triệu đồng, cộng thêm nguồn vốn của gia đình, hai mẹ con chị đã có mái ấm vững chãi 40m2.

Tại xã La Phù, bà Nguyễn Thị Hảo ở thôn Thống Nhất, cũng phấn khởi khi được dọn vào căn nhà hơn 30m2 mới xây dựng. Bà Hảo là phụ nữ đơn thân, thường xuyên đau ốm, phải sống trong căn nhà thiếu kiên cố. Nhờ sự trợ giúp của huyện và xã, người phụ nữ này đã có được ngôi nhà mơ ước, không phải lo lắng mỗi khi mưa gió. Xã La Phù có 39 hộ cận nghèo, ngoài bà Hảo, hộ bà Nguyễn Thị Hoa (thôn Độc Lập) cũng được hỗ trợ xây dựng nhà mới.

Kết quả rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025, tính đến cuối năm 2023, Hà Nội còn 690 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,03%, 15.835 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,7%.

Thành phố Hà Nội luôn ưu tiên nguồn lực để đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh những chính sách của thành phố, Mặt trận các cấp cùng các tổ chức thành viên đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn...

Chín tháng đầu năm 2024, MTTQ Việt Nam các cấp thành phố đã trích trên 103 tỷ đồng từ Quỹ Vì người nghèo để hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 1.232 nhà đại đoàn kết. Với mục tiêu xóa 100% nhà xuống cấp, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp với UBND thành phố hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 714 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/hoai-duc-hoan-thanh-muc-tieu-giam-ngheo-ben-vung-2333324.html
Zalo