Hoạch định tài chính để ngăn ngừa rủi ro

Phát biểu khai mạc Hội thảo 'Hoạch định tài chính cá nhân hướng tới tài chính toàn diện tại Việt Nam', Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng Nguyễn Thị Hòa cho biết, tài chính là lĩnh vực đặc thù, có tính phức tạp.

Tạo nền tảng tài chính bền vững

Người tiêu dùng để tiếp cận và sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính hiệu quả thông thường trải qua ba giai đoạn: được trang bị kiến thức tài chính; có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân và hoạch định tài chính cá nhân. Trong đó, hoạch định tài chính cá nhân là bước phát triển cao nhất. Nếu thiếu kiến thức và kỹ năng tài chính phù hợp, việc sử dụng các sản phẩm dịch vụ tài chính không chỉ kém hiệu quả mà còn tiềm ẩn rủi ro. Hoạch định tài chính không chỉ giúp giảm thiểu nguy cơ này mà còn tối ưu hóa lợi ích của việc sử dụng các dịch vụ tài chính.

“Tài chính toàn diện và hoạch định tài chính cá nhân có mối quan hệ chặt chẽ. Tài chính toàn diện mở ra cơ hội để mọi người dân tiếp cận các dịch vụ tài chính chính thức, trong đó hoạch định tài chính cá nhân vừa là một dịch vụ tài chính, đồng thời thông qua dịch vụ này, các sản phẩm dịch vụ tài chính riêng lẻ như tín dụng, đầu tư, tiết kiệm… được kết hợp trong một tổng thể để mang lại lợi ích lớn nhất cho người tiêu dùng”, bà Hòa nhấn mạnh.

Thực tế tại nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, hoạch định tài chính cá nhân đã phát triển và trở thành một ngành nghề chuyên môn cao. Theo thống kê của Hội đồng Tiêu chuẩn hoạch định tài chính, đến năm 2024, đã có 28 quốc gia phát triển lực lượng chuyên gia hoạch định tài chính chuyên nghiệp được chứng nhận, trong đó có các quốc gia trong khu vực ASEAN như Singapore, Thái Lan, Malaysia.

Tại Việt Nam, hoạch định tài chính cá nhân vẫn còn là lĩnh vực khá mới mẻ, ở giai đoạn đầu của quá trình phát triển. Cụ thể, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng đưa ra thông tin, năng lực hiểu biết về tài chính của người Việt Nam vẫn còn thấp so với khu vực và trên thế giới. Kết quả khảo sát mới nhất của Hiệp hội Tư vấn tài chính Việt Nam cho thấy, hơn 80% người tham gia khảo sát tự nhận hoàn toàn không có kiến thức, kỹ năng về quản lý tài chính, hoạch định tài chính cá nhân hoặc chỉ có hiểu biết căn bản và sơ bộ. Cũng theo kết quả khảo sát, có 93,44% người tham gia khảo sát thể hiện sự quan tâm, khá quan tâm và rất quan tâm đối với quản lý tài chính cá nhân, hoạch định tài chính cá nhân.

Tuy nhiên, theo bà Hiền, các hoạt động tư vấn tài chính cá nhân đã có mặt trong các tổ chức tài chính nhưng mang tính chất đơn lẻ, chưa mang tính chất kế hoạch tài chính tổng thể dài hạn cho khách hàng, chưa hoàn toàn hướng tới phát triển dịch vụ hoạch định tài chính chuyên nghiệp, đúng nghĩa.

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Tạo hành lang pháp lý rõ ràng

Thực tế, việc phát triển dịch vụ hoạch định tài chính cá nhân tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng. Đơn cử như tại BIDV, bà Phạm Phương Lan, Phó trưởng Khối bán lẻ cho biết, trong các định chế tài chính, các NHTM nắm giữ lợi thế nổi bật hơn so với công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, công ty tài chính trong khả năng cung cấp các giải pháp tài chính, đầu tư toàn diện. Bởi lẽ, hoạt động của các nhà băng phục vụ những nhu cầu tài chính cơ bản và cốt lõi nhất của khách hàng và là cơ sở để triển khai các sản phẩm tài chính, đầu tư cao cấp hơn.

NHTM cũng nắm giữ nguồn dữ liệu đầy đủ nhất về tình hình tài chính, dòng tiền của khách hàng, cung cấp thông tin hữu ích cho quá trình khảo sát khẩu vị rủi ro khách hàng, tư vấn đầu tư, tuân thủ quy định về phòng chống rửa tiền, xác định nguồn tiền trong quá trình cung cấp sản phẩm đầu tư.

Chưa kể, các ngân hàng lại có nền khách hàng lớn, chỉ riêng BIDV đã có 22 triệu khách hàng cá nhân với mạng lưới rộng khắp, triển khai nhiều kênh phân phối… Mặt khác, hoạt động của NHTM được giám sát chặt chẽ bởi NHNN, các cơ quan của Chính phủ để đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, ổn định, lành mạnh thị trường.

Thực tế triển khai tại BIDV, từ tháng 6/2022, ngân hàng cũng đã thuê đối tác McKinsey để tư vấn chiến lược triển khai dịch vụ BIDV Private Banking, dịch vụ đã chính thức ra mắt thị trường vào tháng 9/2022. Cũng theo tư vấn từ McKinsey, một trong các giá trị cốt lõi của dịch vụ tài chính cá nhân là chất lượng tư vấn. Nắm bắt được điều này, ngân hàng đã lần lượt ký kết đối tác chiến lược với các định chế tài chính uy tín và lâu đời trong mảng dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản trên thế giới để triển khai dịch vụ BIDV Private Banking.

Tuy nhiên theo bà Lan, việc triển khai các hoạt động, dịch vụ trên cũng gặp một số vướng mắc. Vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 38/2024/TT-NHNN ngày 1/7/2024, hướng dẫn các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai hoạt động tư vấn đối với khách hàng. Theo đó, các NHTM có thể cung cấp dịch vụ tư vấn trong phạm vi các sản phẩm truyền thống như tiền gửi, tín dụng, thanh toán, bảo hiểm và mở rộng sang các sản phẩm tài chính khác mà NHTM cung cấp như trái phiếu ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp mà NHTM đóng vai trò tư vấn phát hành, hoặc các loại tài sản có giá trị khác. Đây là điều kiện pháp lý thuận lợi cho các NHTM triển khai hoạt động tư vấn chuyên sâu hơn, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng cá nhân.

Tuy nhiên, nhu cầu tài chính của người dân Việt Nam hiện nay đã vượt xa các mục tiêu tiết kiệm hay bảo vệ tài sản đơn thuần. Khách hàng, đặc biệt là phân khúc khách hàng cao cấp, mong muốn có những giải pháp tài chính toàn diện, bao gồm cả hoạch định chiến lược dài hạn nhằm tối ưu hóa lợi nhuận, tối đa hóa giá trị. Vì vậy, bà Lan cho rằng cần có hành lang pháp lý rõ ràng để triển khai hoạt động tư vấn đối với các sản phẩm này của các NHTM, trong khi bản thân các NHTM là những tổ chức có uy tín, có đầy đủ năng lực, nguồn lực và kinh nghiệm về các sản phẩm tài chính, đầu tư nêu trên.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT cũng đề nghị cần định hướng hỗ trợ từ Chính phủ cho sự hình thành chính thức và chuyên nghiệp của nghề nghiệp hoạch định tài chính cá nhân. Bởi tại các nước phát triển, đây là nghề nghiệp có giấy phép hành nghề riêng biệt, về cách thức đào tạo và hành nghề rất giống luật sư. Theo đó, cần có khung pháp lý về quy chuẩn hành nghề; chương trình đào tạo chính quy; phạm vi dịch vụ và tính kết nối vào các sản phẩm tài chính như bảo hiểm, chứng khoán, tín dụng…

Quỳnh Trang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/hoach-dinh-tai-chinh-de-ngan-ngua-rui-ro-158688.html
Zalo