Hoa Tết

Tết đến, gia đình không thể thiếu đi đôi bánh tét, cặp bánh chưng, chiếc áo mới, lít rượu ngon, hũ dưa món, cân mứt gừng… Nhưng vẫn chưa đủ, mà buộc phải có 'nàng hoa' ngự trị thì Tết mới 'nên hình, nên dáng'.

Nếu thiếu một vài thứ cũng không sao, nhưng nếu thiếu hoa thì khó gọi là Tết. Tết thiếu hoa rất tẻ nhạt. Tết với hoa như duyên tao ngộ, làm cho cuộc sống con người hài hòa, tốt đẹp hơn và theo đó ba ngày Tết có ý nghĩa hơn.

Tết đến, con người thưởng thức hoa không những ở lung linh sắc màu và hương thơm, mà còn giá trị ở tinh thần và những tình cảm sâu lắng nhất. Và cứ theo định kỳ đều đặn của thời tiết, hàng năm những ngày cuối tháng chạp, hoa đến với người, người tìm đến với hoa như hẹn hò của cuộc sống, một cuộc tao ngộ đẹp đẽ đầy ý nghĩa.

Tết đến hoa đi vào tâm hồn con người bằng nhiều hình thức. Những người xa xứ, mỗi lần thấy hoa vàng hé nụ, hoa đào đơm bông, hoa cúc rực vàng… là quay quắt nỗi nhớ Tết quê nhà và nhớ người thân… Do vậy trong những ngày cuối tháng chạp, thông thường chủ nhà cũng đưa vào sân, góc nhà chậu hoa mai, chậu hoa cúc hay thùng vạn thọ để lòng bớt xao xuyến, bâng khuâng nhớ Tết quê hương.

Tết đến có trăm “nàng hoa” thi nhau khoe sắc mời gọi con người, dù kiêu sa như hoa hồng, quý phái như cúc đại đóa, diễm lệ như mai vàng, đài các như hoa đào… hầu như mỗi nhà không quên sự dung dị đời thường của hoa vạn thọ, tên loài hoa như lời chúc phúc đầu năm mới mà ai ai cũng ước mong điều đó.

Tết đến là trăm hoa đua nở, có mặt các phố phường, làng quê. Hoa lên miền ngược, hoa về miền xuôi…làm rộn ràng thêm không khí đón Tết của mọi người. Những cô gái thôn nữ bên những hàng chậu hoa từ các nơi tụ về trong ngày Hội hoa xuân ở góc phố thị, chốc chốc trên môi nở nụ cười tươi cùng với dịu ngọt lời chào mời khách tham quan để mua hoa về chơi Tết.

Tất cả đều toát lên niềm vui như chưa hề trải qua bao lo toan tất bật của thường ngày dãi nắng dầm mưa, để có những chậu hoa tươi đẹp phục vụ mọi người.

Tết đến có thể nhìn vào những ngày cuối tháng chạp, sắc hoa muôn màu lại vẫy chào mùa xuân đang đến. Màu hoa, màu áo mới và nụ cười cùng dệt nên cảnh sắc mùa xuân. Nhưng mùa xuân đâu chỉ trên những cánh hoa tươi, trên môi em cười, mà mùa xuân còn được dệt nên chính từ những bàn tay trao và nhận hoa của người mua và người bán một cách nâng niu.

Chính những bàn tay lao động thô ráp do chăm cành, tỉa lá, tưới nước, bón phân ấy đã làm nên những đóa hoa tươi thắm, góp thêm cho cuộc sống một mùa xuân tươi đẹp.

Tết đến có hoa làm mới những ngày tháng cũ. Con người thích gần gũi với hoa, vì hoa là biểu tượng của cái đẹp, của những tình cảm sâu lắng nhất. Cho nên ngày Tết, dù nghèo hay giàu trong nhà cũng có bình hoa bài trí trên bàn thờ tổ tiên.

Tết đến có thể nhìn qua lăng kính từ những tấm thiệp xuân chúc mừng năm mới tràn ngập phố phường, hình ảnh hoa đào và hoa mai được chọn in nhiều nhất. Nếu ở xứ Bắc hoa đào được xem là hoa khôi, thì ở miền Nam hoa mai được ví như nàng hậu, cho nên hoa đào và hoa mai được ưa chuộng.

Chính là cái đẹp của sức sống mùa xuân, của nhan sắc mùa xuân tiềm ẩn trong lớp vỏ sần sùi, trơ trụi của thân cây hoa mai, cái khẳng khiu của cành, cái sù sì của thân cây hoa đào. Vậy mà thân cây gầy guộc ấy đã ấp ủ mùa xuân trong suốt mùa đông, để rồi thắp bừng lên mùa xuân trên những bông hoa mai vàng mật ngọt, những đóa hoa đào hồng thẫm đài trang.

Người phương Đông nói chung và người Việt nói riêng, coi việc trồng hoa, ngắm hoa và thưởng thức hoa là một thái độ đạo đức, vì nó giúp con người hướng tới cái đẹp thẩm mỹ.

Đứng trước những “nàng hoa” khoe sắc trong những ngày cuối Chạp, không những chúng ta thưởng thức cái đẹp của “các nàng”, mà còn thể hiện cái đẹp của mối quan hệ giữa người với người và người với thiên nhiên, đặc biệt là những ngày Tết đến.

HOÀNG HÀ THẾ

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/hoa-tet-post119842.html
Zalo