'Hoa suối ngầm' và thanh âm cảm xúc của tình người trong chiến tranh

Tác phẩm 'Hoa suối ngầm' mang tới những câu chuyện thấm đẫm tình yêu, tình người trong những năm tháng gian truân của đất nước.

"Hoa suối ngầm" là tuyển tập truyện ngắn của cựu nhà báo Vũ Phạm Chánh. Sách gồm 130 trang với 11 truyện ngắn, được ông Chánh viết từ những năm tháng chiến tranh tới khi hòa bình.

Cuốn sách "Hoa suối ngầm" của cựu nhà báo Vũ Phạm Chánh.

Cuốn sách "Hoa suối ngầm" của cựu nhà báo Vũ Phạm Chánh.

11 truyện ngắn với những chủ đề khác nhau, nhưng nổi bật là những câu chuyện với bối cảnh trong cuộc kháng chiến của quân ta trong những năm tháng chiến đấu giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước. Ở đó, có những mối tình thuần khiết, trong trẻo của những cặp nam nữ, cũng là tình cảm, tình người trong những năm tháng khó khăn của đất nước.

Đó là "Thung lũng sao" kể những tâm tình của người lái xe giao hàng lên vùng núi miền cao Tây Bắc từng được lắng nghe câu chuyện về dòng suối Khuổi Đây huyền thoại.

Đó là mối tình nhẹ nhàng, nên thơ của chàng kỹ sư cầu đường với một thiếu nữ của thành phố Huế thơ mộng.

"Chuyến tàu đi vào miền Trung" lại dẫn dắt người đọc bước vào hành trình của một cựu nữ thanh niên xung phong, từng cống hiến cả thanh xuân của mình ở chiến trường núi rừng Trường Sơn. Những di chứng từ những năm tháng trong rừng sâu hun hút, bệnh tật, sốt rét đã lấy đi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ ấy. Thế nhưng, bà vẫn luôn tràn đầy tinh thần lạc quan, sôi nổi và mỗi năm theo lời hẹn đều vào miền Trung thăm những đồng đội cũ.

Được lựa chọn để làm tiêu đề cho cuốn sách, "Hoa suối ngầm" lại ghi lại câu chuyện của một chàng hạ sĩ lái xe Giải phóng ba cầu trên tuyến vận tải chiến lược trên chiến trường Trường Sơn.

Qua ngòi bút kể chuyện tỉ mỉ của nhà báo Vũ Phạm Chánh, chuyện của chàng lính lái xe tên Lâm hiện lên sống động và cũng để lại nhiều xúc cảm thổn thức cho người đọc. Trong hành trình "xé" núi rừng để vận tải hàng hóa, anh gặp một nữ thanh niên xung phong đã sẵn sàng lột bỏ chiếc áo thanh niên xung phong màu cỏ úa đậm để làm màu sáng, xi nhan cho xe qua đoạn ngầm TK trong đêm đen đặc quánh.

Sau chiến tranh, anh vẫn miệt mài tìm kiếm tin tức về người con gái mà định mệnh đã cho anh gặp được giữa rừng Trường Sơn năm ấy. Thậm chí có lúc, anh đã nghĩ dại: "Hay là cô đã hy sinh trên một trọng điểm nào đó rồi?".

Tác giả Vũ Phạm Chánh sinh năm 1936, quê quán tại Thanh Oai, Hà Nội. Nghề nghiệp chính của ông là Kỹ sư cầu đường. Ông từng có thời gian công tác trong ngành GTVT suốt từ 1954 đến tận năm 1996.

Tuy là kỹ sư cầu đường, nhưng ông Chánh có niềm đam mê lớn với văn chương. Các tác phẩm của ông phần lớn có nội dung đều viết về những số phận, con người trong ngành giao thông vận tải.

Ông từng xuất bản một số cuốn sách như tập ký "Mặt đường cháy bỏng" (Giải Nhì cuộc thi sáng tác văn học về đề tài giao thông vận tải năm 2015, do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ GTVT tổ chức), truyện ký "Trước mặt là con đường", truyện ký "Dòng sông cuộc đời, hay là Hồi ức về mẹ".

Nhã Phong

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/hoa-suoi-ngam-va-thanh-am-cam-xuc-cua-tinh-nguoi-trong-chien-tranh-192250202092140216.htm
Zalo