Hòa Sơn Phát huy lợi thế, nâng cao thu nhập cho người dân

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng đã dựa vào lợi thế của địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Qua đó, từng bước nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.

Người dân thôn Đoàn Kết, xã Hòa Sơn chăm sóc rừng keo

Người dân thôn Đoàn Kết, xã Hòa Sơn chăm sóc rừng keo

Xã Hòa Sơn có hơn 3.200 ha đất lâm nghiệp (chiếm hơn 63% diện tích đất tự nhiên), đây là lợi thế để phát triển mô hình sản xuất: trồng keo, bạch đàn. Ngoài ra, xã có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi với nguồn thức ăn dồi dào.

Ông Phùng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn cho biết: Xác định nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo cán bộ chuyên môn xây dựng kế hoạch giảm nghèo cụ thể, trong đó, tập trung rà soát, phân loại hộ nghèo kỹ lưỡng theo các tiêu chí nghèo đa chiều. Từ đó, xác định rõ nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hộ, nhóm hộ để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, để phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, chúng tôi tích cực định hướng, tuyên truyền bà con nông dân đẩy mạnh phát triển trồng rừng và chăn nuôi, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.

Theo đó, UBND xã đã chú trọng thực hiện đào tạo nghề cho bà con nông dân. Từ năm 2022 đến nay, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện mở 6 lớp đào tạo nghề về chăn nuôi và trồng rừng cho người dân. Qua đó, góp phần nâng tỷ lệ lao động đã qua đào tạo của xã từ 39% (năm 2022) lên 43% (năm 2024). Cùng đó, trung bình mỗi năm, xã cũng phối hợp với các phòng chuyên môn của huyện tổ chức từ 5 - 7 lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi cho người dân áp dụng vào sản xuất.

Đặc biệt, để hỗ trợ người dân có vốn để phát triển sản xuất, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn xã hướng dẫn người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHXCSXH) huyện. Đến nay, toàn xã có 817 hộ được vay vốn từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện với tổng dư nợ trên 45 tỷ đồng để phát triển chăn nuôi và trồng rừng. Song song với đó, UBND xã còn tích cực tuyên truyền, triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất đến người dân. Theo đó, từ việc triển khai Nghị quyết 08 ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và Nghị quyết 15 ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08, đã có 28 hộ trên địa bàn xã được tiếp cận và vay vốn triển khai các mô hình trồng rừng với tổng kinh phí trên 10,7 tỷ đồng.

Bà Hoàng Thu Diệu, thôn Đoàn Kết cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng khoảng 2.000 cây keo, bạch đàn. Với mong muốn mở rộng diện tích trồng rừng, năm 2017, gia đình tôi đã vay 30 triệu đồng từ Phòng Giao dịch NHCSXH huyện đầu tư mua cây giống, phân bón để mở rộng diện tích trồng rừng với tổng số trên 5.000 cây. Đến năm 2021, diện tích rừng của gia đình đã cho sản lượng khai thác ổn định. Nhờ đó, bình quân mỗi năm, thu nhập của gia đình đạt trên 100 triệu đồng/năm. Từ đó, đời sống ngày được nâng cao, gia đình tôi đã trả hết nợ ngân hàng.

Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn lực hỗ trợ từ các chương trình, dự án giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền xã đã chú trọng triển khai đến bà con nông dân. Từ cuối năm 2022 đến nay, xã đã triển khai 4 dự án giảm nghèo (2 dự án chăn nuôi ngựa sinh sản, 2 dự án chăn nuôi trâu sinh sản) với tổng kinh phí trên 1,7 tỷ. Qua quá trình đấu thầu dự án, đến nay, xã đã cấp xong con giống cho 47 hộ dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo để các hộ quản lý và chăm sóc. Qua đó, góp phần tạo sinh kế giúp người dân phát triển sản xuất.

Từ những giải pháp trên, đến nay, toàn xã đã có nhiều mô hình phát triển sản xuất, tiêu biểu như: mô hình trồng rừng (hơn 3.000 ha); mô hình trồng ớt (15,5 ha); mô hình trồng dưa (trên 20 ha); mô hình nuôi ong lấy mật (tổng 735 đàn); mô hình chăn nuôi gia súc (trên 2.100 con)... Các mô hình sản xuất đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, trong đó, riêng mô hình trồng rừng đã đem lại thu nhập ổn định cho khoảng 50% hộ dân trên địa bàn xã (khoảng 100 triệu đồng/hộ/năm). Trong năm 2024, toàn xã có 6 hộ gia đình đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi (tăng 3 hộ so với năm 2023). Hiện, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 40 triệu đồng/người/năm (tăng 2 triệu đồng/người/năm so với năm 2023). Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm và không có hộ tái nghèo. Hết năm 2024, toàn xã chỉ còn 27 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,89% tổng số hộ trên toàn xã, giảm 8% so với năm 2023.

Ông Triệu Đức Hoan, Phó Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội – Dân tộc huyện Hữu Lũng cho biết: Thời gian qua, xã Hòa Sơn đã phát huy lợi thế của địa phương, tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Trong năm 2024, Hòa Sơn là xã có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất trên địa bàn huyện, góp phần tích cực vào công tác giảm nghèo chung của huyện.

CÁT TIÊN

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/hoa-son-phat-huy-loi-the-giam-ngheo-ben-vung-5032538.html
Zalo