Họa sĩ Tô Ngọc Trang: Khoảng sáng từ những mảnh vỡ

Không phải ký họa, cũng không phải chân dung nhân vật nổi tiếng bằng màu, bằng sơn dầu, sơn mài mà bằng... những mảnh gốm vỡ... Họa sĩ Tô Ngọc Trang đã làm tái sinh một đời sống mới cho những mảnh gốm vỡ trên nền sơn mài thâm trầm màu thời gian, độc đáo, khác biệt.

1. Xưởng vẽ của Tô Ngọc Trang nằm bình yên giữa làng sơn mài Hạ Thái. Anh có cơ duyên về đây sống và làm việc đã 5 năm, trở thành cư dân của làng sau những năm tháng phiêu bạt. Ở đó, anh có không gian để bày biện, "chơi" với những món "đồ chơi" của mình. Và lần này, Tô Ngọc Trang trình làng một cuộc chơi độc đáo mang tên "Chiêm bao" tại 75 Hàng Bồ, Hà Nội kể câu chuyện về những mảnh vỡ của gốm trên nền sơn mài.

"Cuối năm 2021, vợ tôi làm vỡ 1 cái bát rất đẹp, nhờ tôi gắn lại. Nhìn đống mảnh vỡ, tôi thấy giống bản thân đến lạ. Tôi đã thử ghép chúng thành mặt mình. Và cuối cùng ai đến xem cũng nhận ra đó là Trang Trọc".

Anh bắt đầu hành trình của mình như thế. Những mảnh gốm vỡ muôn hình vạn trạng từ hình, mảng, khối cho đến màu. Trong khi hội họa truyền thống đã và đang dùng các chất liệu lâu đời như màu nước, sơn dầu, sơn mài, acrylic để biểu đạt thì tại sao ta lại không dùng các mảnh gốm vỡ đa dạng để kết hợp với nhau, gợi cả hình, khối và màu để làm ra một cảm nhận khác?

Tô Ngọc Trang chia sẻ: "Tôi nhận ra các mảnh gốm ngoài tính bền vững, nó muôn hình vạn trạng, từ hình, mảng, màu cho đến khối, mỗi mảnh vỡ tự nhiên gợi đến hình dung về một biểu tượng nào đó trong ký ức hỗn tạp của con người. Mỗi mảnh vỡ có một hình thái tượng trưng không lặp lại, vậy tập hợp của nhiều mảnh vỡ sẽ có cơ duyên tạo thành một bức tranh, tại sao không?".

Họa sĩ Tô Ngọc Trang.

Họa sĩ Tô Ngọc Trang.

Hơn 2 năm qua, Tô Ngọc Trang sưu tầm các mảnh gốm vỡ và ghép chúng thành các gương mặt. Phần lớn là chân dung các danh nhân nổi tiếng thế giới như nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ, CEO công nghệ… Một số ít là chân dung những nhân vật văn học như Don Quixote, Chí Phèo, Thị Nở…. Ở góc độ của luân hồi, vốn dĩ trong chính mảnh gốm vỡ đã có "thân trung ấm", chỉ chờ khoảnh khắc sáng tạo của họa sĩ khởi sinh để được tái sinh.

Anh kể, cảm giác như có sự dẫn dắt của "tâm linh" khi những mảnh gốm tìm đến anh, đôi khi có đầy đủ hình hài của một gương mặt người nổi tiếng mà anh mường tượng. Có những gương mặt anh vẽ phác thảo và đi tìm những mảnh gốm phù hợp nhưng phần lớn các chân dung đều không có phác thảo mà nó là 'duyên" gặp gỡ như nhà vật lý Stephen Hawking, Albert Einstein, Steve Job… Điều thú vị là chân dung những người nổi tiếng được ghép từ các mảnh gốm của Tô Ngọc Trang khiến người xem nhận ra ngay nhân vật mà không cần chú thích. Có những chân dung anh “vẽ” họ bằng tinh thần như Don Quixote, họa sĩ Bùi Xuân Phái

"Những đồ gốm, vỡ thường bị vứt đi, nhưng thực tế, để tạo ra một chiếc bát, một bình hoa phải mất rất nhiều công sức, nó là tinh chất của đất, của nước, của sự sáng tạo, có thể tồn tại hàng trăm năm…". Vì thế, nó gợi nguồn cảm hứng cho Tô Ngọc Trang viết tiếp hành trình mới từ những mảnh vỡ. Họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ rằng, ông nhìn thấy khoảng sáng từ những mảnh vỡ. Còn với người nghệ sĩ, đó là tình yêu, tâm huyết mà anh muốn gửi lại trong tác phẩm của mình, về những vẻ đẹp của đời sống quanh ta, những vẻ đẹp ngay từ trong sự vỡ vụn.

Không phải lấy chất liệu lạ để làm con đường, mà đó là hành trình anh tìm thấy chính mình khi cầm cọ. Bởi Tô Ngọc Trang quan niệm, vẽ gì cũng là vẽ mình. Tìm ra mình quan trọng hơn là thành công. Anh quan niệm: "Trong bước đường kiếm sống ta vô tình có thể làm được điều gì đó hay ho, thú vị". Và với "Chiêm bao" cũng vậy. Tôi hỏi Tô Ngọc Trang, anh có làm khó mình không khi chọn một con đường độc đạo như thế. Tô Ngọc Trang nói, anh rất tâm đắc một câu nói của Elon Musk rằng ông không chạy theo tiền mà ông làm ra giá trị. Và với anh, nghệ thuật không bao giờ muộn.

2. 36 tuổi Tô Ngọc Trang mới tốt nghiệp khoa sơn mài Trường Mỹ thuật công nghiệp sau một chặng đường dài bôn ba. Hội họa đến với anh cũng rất tình cờ, nhưng dường như ở sẵn trong con người anh. Lần đó, họa sĩ Đặng Thị Khuê bảo anh thử vẽ xem, thế là đi theo vẽ thôi, vào xưởng của thầy Phạm Viết Hồng Lam làm thuê. Ba năm đó truyền cho anh rất nhiều cảm hứng và học được rất nhiều từ xưởng của thầy. Anh quyết định nếu đi con đường dài với hội họa, phải đi học.

Anh thi vào Mỹ thuật công nghiệp. Sau đó, Tô Ngọc Trang trở thành họa sĩ minh họa truyện tranh nổi tiếng của nhà xuất bản Kim Đồng, với những nét vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu mang đậm màu sắc của dân gian Việt Nam. Tinh thần ấy, những cách nhìn độc đáo ấy khiến Tô Ngọc Trang đã vượt qua một cuộc thi và được chọn làm thiết kế sách Tết và xuất bản ở Mỹ.

Cuốn sách "Ten Mice for Tet" về Tết Việt lấy cảm hứng từ lối vẽ của tranh Đông Hồ được nghệ nhân Phạm Viết Đinh - làng thêu Quất Động thêu và Nhà xuất bản Chronicle Books - Mỹ ấn hành. Đó là một dự án bảo tồn làng nghề của nước ngoài dành cho Việt Nam. Cuốn sách lọt vào top 100 cuốn sách hay nhất của Hiệp hội xuất bản thế giới năm đó.

Tác phẩm Chí Phèo.

Tác phẩm Chí Phèo.

Rồi sau nhiều năm phiêu bạt Tô Ngọc Trang cùng người bạn đời của mình có một bến đỗ bình yên ở làng sơn mài Hạ Thái. Trả ơn mảnh đất cho mình mái ấm bình yên và những cảm hứng sáng tạo mới, anh dạy vẽ sơn mài miễn phí cho lũ trẻ trong làng. Cứ mỗi chiều cuối tuần, lớp học ở xưởng của anh lại ríu rít tiếng trẻ thơ. Những đứa trẻ lớn lên ở làng, có lẽ, trong dòng máu của chúng có hồn cốt từ nhiều đời nên có lối vẽ tự nhiên, sinh động.

Anh chỉ tiếc, những thế hệ làm sơn mài ở làng ngày càng mai một. Hy vọng tình yêu và sự bền bỉ của anh sẽ gieo vào trong những đứa trẻ ở làng tình yêu với sơn mài, với hội họa, để lớn lên, chúng có thể làm một điều gì đó, hồi sinh ngôi làng truyền thống này.

Họa sĩ Lý Trực Sơn:

Tôi không dám chắc về tỷ lệ người thích những bức chân dung làm theo kiểu quá khác thường của Tô Ngọc Trang, tôi thì thích chúng và mau chóng gần gũi yêu chúng. Đôi khi ý tưởng nghệ thuật tới với nghệ sĩ đột ngột như gặp một sự cố nhỏ nhoi, một cái bát cổ, một cái ang gốm xưa rơi vỡ làm mở ra một khoảng sáng.

Những mảnh vỡ trở thành họa tiết, tập hợp lại thành chân dung của những nhân vật đã là biểu tượng của khoa học, nghệ thuật, tôn giáo, chính trị hoặc chỉ xuất hiện trong văn chương. Ai cũng được tán dương, sống lại với diện mạo của mình trong cấu trúc ngôn ngữ nghệ thuật.

Người xem sẽ thấy vui khi nhận ra trong tập hợp mảnh gốm khuôn mặt của Einstein, Leo Tolstoy, Picasso, bác Bùi Xuân Phái, hoặc cả Bá Kiến, Chí Phèo, Thị Nở… Hóm hỉnh có, nghiêm trang có, ngưỡng mộ có và có cả chân dung sẽ trở thành bất hủ (ý tôi là chân dung nghệ thuật) của Đức Phật và Chúa Jesus.

Và trước hết, qua tất cả những bức tranh không gian hai chiều rưỡi của Tô Ngọc Trang, là tinh thần của ông: nghiêm cẩn, ham hiểu biết, say mê đến liều lĩnh. Vậy cả triển lãm “Chiêm bao” này là chân dung Tô Ngọc Trang. Tìm ra mình còn trọng đại hơn tất cả những thành công khác.

Họa sĩ Phan Cẩm Thượng:

Nghệ thuật ghép gốm/ Mosaic có từ hơn 2.000 năm trước CN trong nền văn hóa Lưỡng Hà (Mesopotamia), rồi văn hóa La Mã… thời Nguyễn ở Việt Nam, nghệ thuật này cũng được sử dụng với nhiều công trình trang trí kiến trúc đặc sắc, và người ta cũng đập nhiều bát đĩa gốm sứ quý làm tranh và đồ ghép mảnh, điển hình như công trình ghép mảnh gốm sứ ở lăng Khải Định.

Tạo hình gốm liên quan đến tranh tượng cũng được nhiều họa sĩ xuất thân từ trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp sáng tác. Trang Trọc cũng ra trường từ đây, nhưng cách ông làm là độc đáo, và không liên quan đến một trật tự kỹ thuật truyền thống nào. Ông suy ngẫm về con người, sự từng trải, đổ vỡ, thậm chí đến tan nát của nó, mà thuở thiếu thời khi sinh ra ai cũng như chiếc bình quý lành lặn. Nhưng rồi người ta ai nấy cũng phải tái tạo lại mình, từ những mảnh vỡ cuộc đời của mình, và tự nó sẽ mang vẻ đẹp của người trưởng thành.

Mỹ Hiền

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/hoa-si-to-ngoc-trang-khoang-sang-tu-nhung-manh-vo-i756121/
Zalo