Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng: Người của làng
10 năm chắt chiu theo đuổi đam mê, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng trình làng triển lãm thứ hai mang tên 'Về'. Có thể nói,'Về' là hành trình trở về với nguồn cội, với bản thể của chính mình, người của làng.
Người xem lạc vào một thế giới đẹp đẽ, tươi sáng nhưng cũng đầy hoài niệm trong những bức tranh của Nguyễn Quốc Thắng. “Về” của Thắng trưng bày hơn 50 bức tranh được chọn từ gần 400 tác phẩm sáng tác bằng chất liệu bột màu trên giấy báo cũ, với nhiều chủ đề: Phong cảnh, Tĩnh vật, Lễ hội, Thuyền không - đánh dấu 10 năm họa sĩ chuyên tâm, đi sâu vào chất liệu này.
Vì sao lại là bột màu, một chất liệu nhuốm màu hoài niệm liệu có còn được đón nhận trong xã hội đương đại? Nguyễn Quốc Thắng chọn cho mình một lối đi riêng từ chính chất liệu bị mặc định là “cũ”, “rẻ tiền”, chỉ thích hợp vẽ phác thảo hoặc trong điều kiện khó khăn về họa phẩm trước kia. Anh đã phá bỏ những định kiến về chất liệu để dẫn dụ người xem vào thế giới của mình. Bởi, khi đi sâu vào sáng tác, bột màu là chất liệu đáp ứng được sở thích cũng như bút pháp thể hiện của họa sĩ: Ghi lại cảm xúc nhanh, dễ lên tương quan, bề mặt bông xốp... để tạo hình các bức tranh. “Trên một nền báo cũ cũng rẻ tiền và dễ dàng bỏ đi, bột màu là chất liệu vô cùng hay khi mà mình cảm nhận được nó. Nó có thể giúp mình phát triển thiên hướng, định hình cho mình một lối làm việc riêng, một con đường riêng...”, họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng cho biết.
Bên cạnh những tranh phong cảnh ghi lại nơi chốn họa sĩ dừng chân như Cao Bằng, Lào Cai, Ninh Thuận, Hải Phòng..., những bức tĩnh vật gần gũi cuộc sống hằng ngày, “Về” đưa người xem trở về với không khí, văn hóa làng ở phần sống động nhất mà đến nay vẫn được duy trì: Tết và lễ hội. Bảng màu tươi tắn, những mảng màu ào ạt, đường nét khoáng hoạt mang đến sinh khí rực rỡ, xóa đi phần nào quan niệm lâu nay của nhiều người về làng quê, nhất là làng cổ: thường cũ kỹ, lặng lẽ, u trầm.
Họa sĩ sống lâu ở làng Cự Đà, một ngôi làng vẫn còn giữ được nhiều nét đẹp cổ kính, xưa cũ, nên anh có đủ thời gian để “ngắm làng, ngấm làng” và “vẽ cảm xúc của mình trước làng chứ không phải là hiện thực mọi người thường nhìn thấy”. Hơn nữa: “Tất cả mọi điều thể hiện đều để nói về sự sống, nhân sinh. Màu của mình rực rỡ, bởi vì mình yêu đời. Tại sao mình phải nhìn đời bằng con mắt u trầm lúc nào cũng chỉ đen với tối?”, họa sĩ chia sẻ. Vì thế, tranh của anh mang đến một màu sắc mới về những ngôi làng, như sự sống đang hồi sinh từ những điều tưởng như xưa cũ.
Họa sĩ Lê Thiết Cương đánh giá: “Theo đuổi một đề tài ngót chục năm rồi chọn lọc ra vài chục bức để bày vừa là cẩn trọng với nghề mà cũng là cách sống chậm, vẽ chậm như chất người của Thắng, như nhịp sống của làng. Có lẽ, chất làng, chất Thắng và tranh của anh vốn ở trong nhau... Thắng để cảm xúc dẫn màu, dẫn hình đi chứ không bó vào cái mà anh nhìn thấy...”. Còn họa sĩ Đặng Tiến cho rằng: “Trong trẻo, tươi rói mà vẫn ra chất phố cổ, làng cổ rêu phong... với những nhát bút lúc nhấn nháy hoặc ào ạt, buông lơi... giàu cảm xúc, tất cả như những bài thơ của sắc màu! Điều đó cho thấy Thắng đã chọn đúng chất liệu để thể hiện được cá tính của mình, quan niệm nghệ thuật của mình”.
“Về” không chỉ là câu chuyện gói ghém 10 năm sáng tác chuyên chú chất liệu bột màu, mà còn mở ra con đường dài trong sự nghiệp hội họa của Nguyễn Quốc Thắng, từ đó “họa sĩ có thể biến ra rất nhiều chất liệu mà mình muốn thể hiện và hoàn thiện với tư cách của họa sĩ”. Thắng vẽ làng, nhưng thực ra là vẽ mình, tìm mình trong hành trình sáng tạo còn dài và nhiều chông gai.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Thắng sinh năm 1976, trong một gia đình yêu nghệ thuật ở Hải Phòng. Cha anh là họa sĩ Nguyễn Quốc Thái (1943-2020). Anh tốt nghiệp Khoa Đồ họa truyền thống tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội (nay là Đại học Mỹ thuật Việt Nam) năm 2001. Họa sĩ sáng tác nhiều chất liệu như: mực tàu, sơn dầu, acrylic... trước khi trở lại chuyên chú với chất liệu bột màu. Anh tham gia nhiều triển lãm nhóm. Triển lãm cá nhân đầu tiên ra mắt năm 2020 tại xưởng vẽ ở làng Cự Đà với tên gọi “Đối cảnh Cự Đà” giới thiệu một phần sáng tác chất liệu bột màu báo cũ của anh.