Độc đáo cốm dẹp của đồng bào Khmer
Vào những ngày này, tại xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Đồng bào Khmer tất bật ra đồng gặt lúa nếp để làm món cốm dẹp (phiên âm tiếng Khmer là Om Bóc) - một trong những món ăn độc đáo không thể thiếu trong lễ hội Ok Om Bok của đồng bào dân tộc Khmer.
Không chỉ là món ăn dân dã, cốm dẹp còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer nói chung và xã Lộc Khánh nói riêng. Món ăn này được dùng để dâng tạ trời phật đã phù hộ cho họ một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu trong ngày lễ cúng trăng - nghi thức chính trong lễ hội Ok Om Bok.
Tăng tình đoàn kết
Ok Om Bok là một trong những lễ hội lớn của đồng bào Khmer vào rằm tháng 10 âm lịch hằng năm. Lễ hội thường được tổ chức tại khuôn viên các chùa. Khoảng một tuần trước khi diễn ra lễ hội, các già làng, người có uy tín và bà con tại phum, sóc quây quần với nhau vào chùa làm cốm dẹp. Suốt quá trình chuẩn bị, ai nấy cùng nhau chia sẻ các công việc từ chọn nếp, giã nếp đến rang cốm, tạo bầu không khí vui tươi, đoàn kết, gắn bó. Đêm diễn ra lễ hội, mọi người cùng nhau tham gia các hoạt động văn hóa như: Tụng kinh, đút cốm và thả đèn hoa đăng.
Người dân ra đồng gặt lúa nếp - Ảnh: HenLy
Ông Lâm Bắc, già làng ở ấp Chà Đôn, xã Lộc Khánh cho biết: “Việc làm cốm dẹp có ý nghĩa rất quan trọng nên tôi đã vận động bà con tập trung đến chùa cùng nhau làm, càng đông người thì càng làm được nhiều cốm. Nhân dịp này, bà con cũng có thể gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt với nhau. Đêm diễn ra lễ hội, cốm dẹp được dùng để cúng thần mặt trăng cầu nguyện sự bình an, hạnh phúc. Cúng xong, mọi người sẽ lấy cốm dẹp chia cho người già, trẻ nhỏ và cùng nhau ăn. Việc làm này làm cho tình cảm giữa mọi người gắn kết hơn, đồng thời là lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ phải luôn đoàn kết và giữ gìn nét văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer".
Đại đức Lâm Chha Ni, Phó trụ trì chùa Sóc Lớn, xã Lộc Khánh chia sẻ: “Lễ hội Ok Om Bok ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống sinh hoạt của đồng bào Khmer nơi đây. Bởi, lễ hội được diễn ra vào rằm tháng 10 (hay còn gọi là Khe kađấc phiên âm tiếng Khmer) có nghĩa là tháng cuối cùng trong lịch Khmer. Đây cũng là tháng sau mùa thu hoạch, người dân sẽ được nghỉ ngơi sau một mùa vụ lao động vất vả nên lễ hội là dịp để đồng bào trong phum, sóc gặp gỡ, cùng nhau chuẩn bị, tổ chức lễ hội Ok Om Bok, qua đó tạo sự kết nối mạnh mẽ trong cộng đồng người Khmer.
Giữ gìn bản sắc dân tộc
Đặc sản cốm dẹp của người Khmer đã có từ rất lâu đời. Đến nay, món ăn này vẫn được bà con dùng để cúng thần mặt trăng nhằm tỏ lòng biết ơn cho một vụ mùa bội thu và nguyện cầu mùa màng tốt tươi trong năm tới.
Bà Thị Tưa ở xã Lộc Khánh cho biết: “Để cốm dẹp thơm ngon, người dân phải đi gặt lúa nếp trước mùa thu hoạch. Bởi, hạt gạo nếp lúc này chưa già, mềm, vẫn còn lưu lại chút sữa ở đầu hạt gạo, sau đó sàng lấy những hạt đều chắc đem rang bằng chảo. Khi rang nếp phải đều tay cho hạt nếp vừa chín giòn không bị khét, sau đó cho vào cối giã cho dẹp, sau đó sàng sảy để tách vỏ trấu ra khỏi hạt cốm rồi trộn với nước dừa, dừa nạo, đường cho cốm mềm và ngon hơn".
Người dân tuốt lúa lấy hạt làm cốm - Ảnh: HenLy
Người dân giã cốm - Ảnh: HenLy
Bà Thị Tưa chia sẻ: “Để làm được cốm dẹp đòi hỏi nhiều người cùng phối hợp và hỗ trợ nhau thực hiện mọi công đoạn. Từ già đến trẻ, chỉ nhau cách làm. Người lớn sẽ chỉ cho các cháu nhỏ với mong muốn thế hệ trẻ sẽ hiểu tường tận về món ăn này, từ đó tiếp tục giữ gìn và phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer".
Em Thị Sập Hắt ở xã Lộc Khánh cho biết: “Em rất vui khi được tham gia làm cốm dẹp cùng với các cô, chú. Qua đó, em hiểu rõ hơn về món ăn truyền thống của dân tộc mình. Em sẽ cố gắng học theo các cô, chú làm cốm dẹp thật ngon, sau đó chỉ lại cho các em nhỏ. Em mong món ăn truyền thống của dân tộc Khmer sẽ được nhiều người biết đến hơn nữa”.
Người Khmer ở xã Lộc Khánh chủ yếu sinh sống bằng nghề nông nghiệp, vì thế lúa, gạo, cốm dẹp là thực phẩm đóng vai trò quan trọng không thể thiếu trong đời sống hằng ngày. Do đó, cốm dẹp trở thành món ăn đặc trưng trong lễ hội Ok Om Bok, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tin rằng, các thế hệ trẻ sẽ tiếp nối, gìn giữ nét văn hóa truyền thống độc đáo này.