Họa sĩ Ngọc Linh ra mắt sách 'Hà Nội Tôi yêu' nhân dịp sinh nhật tuổi 93

Sáng nay 5/10, tại Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia 3, Hà Nội diễn ra chương trình ra mắt sách 'Hà Nội Tôi yêu' của họa sĩ đa tài Ngọc Linh, nhân dịp sinh nhật lần thứ 93.

Cuốn sách "Hà Nội Tôi yêu" trưng bày 134 bức tranh phong cảnh và phố xá Hà Nội mà họa sĩ Ngọc Linh vẽ trong năm 1991, ở tuổi 60 còn rất sung mãn trong sự nghiệp hội họa của mình.

Những bức tranh trong cuốn sách đều được họa sĩ Ngọc Linh trực họa bằng sơn dầu, vẽ trên những tờ vé số tiết kiệm cỡ 7x10cm, với bộ đồ vẽ bé xíu mà đầy đủ bút, màu, dầu pha... để gọn trong chiếc giỏ nhựa trước tay lái chiếc xe đạp mini của ông.

 Họa sĩ Ngọc Linh (bìa trái) cùng chị Vi Huyền Linh (cháu nội) - phát biểu tại lễ ra mắt sách.

Họa sĩ Ngọc Linh (bìa trái) cùng chị Vi Huyền Linh (cháu nội) - phát biểu tại lễ ra mắt sách.

Thay lời họa sĩ Ngọc Linh, chị Vi Huyền Linh (cháu nội họa sĩ) cho biết: "Bộ sách Hà Nội Tôi Yêu ra đời năm 1991 và được gọi là bộ sách ông cháu, là sự tiếp nối truyền thống của gia đình. Vào năm 1991, cháu ngoại Nguyễn Hồng Anh đã cầm những tấm vé số của một người bạn trong lớp cuối ngày còn xót lại về cho họa sĩ Ngọc Linh. Những tấm vé số đó đã tạo cảm hứng sáng tác lên gần 140 bức tranh rất đẹp, rất tình cảm về Thủ đô Hà Nội. Vào năm 2023, tôi thấy được tình cảm của ông nội mình dành cho Thủ đô Hà Nội rất sâu lặng nên đã quyết định biên soạn lại để giới thiệu cuốn sách Hà Nội Tôi yêu cho tất cả mọi người..."

"Điểm đặc biệt của bộ tiểu họa này là họa sĩ Ngọc Linh đã trực họa lại bằng chất liệu sơn dầu, ghi lại tình cảm của mình bằng một Hà Nội tươi mới, chuyển mình sau thời gian chiến tranh, đói nghèo, họa sĩ Ngọc Linh đã đưa thế giới quan ngây thơ, vô cùng tươi tắn về Hà Nội vào bộ sách này trên từng nét vẽ", chị Vi Huyền Linh nói thêm.

 Nghệ sĩ điêu khắc, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên.

Nghệ sĩ điêu khắc, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên.

Tại buổi lễ, nghệ sĩ điêu khắc, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên cho biết: "Chủ đề tranh về Hà Nội thì có nhiều họa sĩ đã rất thành công, tuy nhiên, đối với họa sĩ Ngọc Linh thì Hà Nội luôn tươi mát, trẻ trung, rực rỡ. Tôi nghĩ là Thủ đô của chúng ta chứa đựng được cả sự cổ kính, nhiều hoài niệm, nhiều kỷ niệm nhưng đồng thời cũng là những sự tươi trẻ, phát triển của Hà Nội. Do đó, họa sĩ Ngọc Linh qua cuốn sách đã thể hiện được góc nhìn về ảnh trong hội họa của mình".

Loạt tranh trong cuốn sách "Hà Nội Tôi yêu" chính là nguồn cảm hứng và là tư liệu độc đáo để họa sĩ Ngọc Linh sáng tác hơn 160 bức tranh phái sinh với nhiều kích cỡ và chất liệu khác nhau cho cuộc triển lãm "Hà Nội Tôi yêu" được công chúng và giới phê bình tưởng thưởng nhiệt liệt hồi năm 1995. Cuốn sách giống như một triển lãm cho bộ tiểu họa gốc, mà người xem có thể lưu giữ để thưởng thức ở bất kỳ đâu, theo ý mình.

Họa sĩ Ngọc Linh đến với con đường mỹ thuật một cách tình cờ như duyên phận. Nhân một buổi đi chơi ở Thái Nguyên, gặp họa sĩ Trần Văn Cẩn đang đi vẽ và biết được lớp mỹ thuật kháng chiến có tuyển sinh, do họa sĩ Tô Ngọc Vân đích thân giảng dạy (1950-1954), ông đã quyết tâm theo học. Sau khi tốt nghiệp, họa sĩ Ngọc Linh về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam từ năm 1955 cho đến khi nghỉ hưu.

 Cuốn sách "Hà Nội Tôi yêu" của họa sĩ Ngọc Linh.

Cuốn sách "Hà Nội Tôi yêu" của họa sĩ Ngọc Linh.

Trong suốt thời gian công tác, họa sĩ Ngọc Linh là họa sĩ thiết kế cho 25 bộ phim trong đó nhiều phim nổi tiếng của giai đoạn đầu dòng phim Cách mạng Việt Nam như: Chung một dòng sông (1959), Sao tháng Tám (1976)... Ông cũng tham gia thiết kế 9 vở chèo, kịch nói, nhạc kịch…

Họa sĩ Ngọc Linh được phong tặng danh hiệu NSƯT năm 1993. Ông là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam và từng đoạt nhiều giải thưởng mỹ thuật cả trong nước và quốc tế...

Ngoài ra, họa sĩ Ngọc Linh cũng là người đã đấu tranh bền bỉ mấy chục năm để Nhà nước và các cơ quan chức năng ghi nhận người thầy của ông, họa sĩ Bùi Trang Chước, là tác giả của Quốc huy Việt Nam.

Hình ảnh tại buổi lễ ra mắt sách "Hà Nội Tôi Yêu" của họa sĩ Ngọc Linh

 Họa sĩ Ngọc Linh chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời.

Họa sĩ Ngọc Linh chụp ảnh lưu niệm cùng khách mời.

 Khách mời chụp ảnh bên tác phẩm hội họa của họa sĩ Ngọc Linh.

Khách mời chụp ảnh bên tác phẩm hội họa của họa sĩ Ngọc Linh.

 Khách mời chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa được xuất bản thành sách của họa sĩ Ngọc Linh.

Khách mời chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa được xuất bản thành sách của họa sĩ Ngọc Linh.

 Một số tác phẩm hội họa trưng bày tại lễ ra mắt sách "Hà Nội Tôi Yêu".

Một số tác phẩm hội họa trưng bày tại lễ ra mắt sách "Hà Nội Tôi Yêu".

Họa sĩ Ngọc Linh sinh ngày 30/10/1930, tên thật là Vi Văn Bích, là cháu nội cụ Vi Văn Định - Tổng đốc Hà Đông (cũ), thuộc thế hệ họa sĩ kháng chiến. Ngay từ năm 16 tuổi, Vi Văn Bích khăn gói theo ông cha lên ATK (Thái Nguyên), theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ khi đi theo Cách mạng, ông không dùng tên thật Vi Văn Bích, mà lấy bí danh là Ngọc Linh. Sau này, ông ký lên các tác phẩm, cũng giữ tên Ngọc Linh.

Công chúng yêu nghệ thuật biết đến họa sĩ Ngọc Linh với nhiều tác phẩm tiêu biểu, tràn đầy sức sống cuồn cuộn tựa núi rừng, với cái tôi và sự tự do được tung hoành sáng tạo như bầu trời quê hương ông: Những ngày tôi mơ ước (Bột màu, 1969), Những nẻo đường nai đi (Lụa, 1988), Mùa xuân (Sơn mài, 2001) và bộ tranh ký họa hơn 100 bức chân dung các nghệ sĩ. Họa sĩ Ngọc Linh cũng là người lưu giữ vô cùng nhiều tài liệu về các họa sĩ khóa kháng chiến...

Tin và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/hoa-si-ngoc-linh-ra-mat-sach-ha-noi-toi-yeu-nhan-dip-sinh-nhat-tuoi-93-post267395.html
Zalo