Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng của mỹ thuật

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên (17/7/1924 - 17/7/2024), ngày 13-7, tại Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức art talk (trò chuyện nghệ thuật) với chủ đề 'Họa sĩ Dương Bích Liên - Ánh chớp thầm lặng', với sự tham dự của người thân cố họa sĩ, các nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên mỹ thuật cùng đông đảo công chúng yêu nghệ thuật.

Art talk thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghệ thuật tạo hình và công chúng. Ảnh: Thụy Du

Art talk thu hút sự quan tâm của đông đảo giới nghệ thuật tạo hình và công chúng. Ảnh: Thụy Du

Họa sĩ Dương Bích Liên sinh ngày 17-7-1924 tại Khoái Châu, Hưng Yên. Ông sống tại phố Bà Triệu, Hà Nội và theo học khóa cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông sáng tác nổi bật trên chất liệu tranh sơn dầu và sơn mài, với các tác phẩm giá trị: “Hồ Chủ tịch qua suối”, “Hào”, “Ngày mùa”, “Đi học đêm”, “Hành quân đêm”, “Thiếu nữ áo trắng”, “Chiều vàng”… Ông cũng được xếp vào “tứ trụ” của giới mỹ thuật Việt Nam thế kỷ XX, gồm họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm (1918-2016), họa sĩ Dương Bích Liên (1924-1988), họa sĩ Nguyễn Sáng (1923-1988), họa sĩ Bùi Xuân Phái (1920-1988).

Họa sĩ Dương Bích Liên được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2000.

Art talk đã đưa công chúng tới những ký ức về họa sĩ Dương Bích Liên thông qua các tác phẩm, thước phim tài liệu quý và những chia sẻ xúc động của khách mời là các họa sĩ, nhà nghiên cứu, đồng nghiệp và người thân của cố họa sĩ.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ. Ảnh: Thụy Du

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ. Ảnh: Thụy Du

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, đây là dịp để giới mỹ thuật tưởng nhớ danh họa Dương Bích Liên, đồng thời để công chúng yêu nghệ thuật hôm nay hiểu thêm về những danh họa lớn của mỹ thuật nước nhà.

Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nền mỹ thuật hiện đại của Việt Nam may mắn có được tứ trụ cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có họa sĩ Dương Bích Liên. Họ là gạch nối quan trọng tạo sự phát triển ngày càng đa dạng của nền mỹ thuật Việt Nam. Họa sĩ Dương Bích Liên là một người sống và cống hiến thầm lặng, song tác phẩm, phong cách của ông chói sáng, đóng góp lớn cho mỹ thuật nước nhà.

Đồng hành cùng danh họa Dương Bích Liên nhiều năm, họa sĩ Đặng Thị Khuê, nguyên Ủy viên Ban Thư ký, Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (nay là Hội Mỹ thuật Việt Nam) đánh giá, Dương Bích Liên là một hiện tượng điển hình nhất của giao thoa văn hóa, ở cả tinh thần nghệ thuật lẫn bút pháp. Pha trộn lối tả thực đơn giản với bút pháp ấn tượng nhẹ nhàng, tranh ông là cảm hứng lãng mạn, trữ tình của một phong vị điển hình cho sắc thái tâm hồn con người Việt Nam đầu thế kỷ.

Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ về tác phẩm "Hào" của danh họa Dương Bích Liên. Ảnh: Thụy Du

Họa sĩ Đặng Thị Khuê chia sẻ về tác phẩm "Hào" của danh họa Dương Bích Liên. Ảnh: Thụy Du

Theo họa sĩ Đặng Thị Khuê, tác phẩm ấn tượng nhất của họa sĩ Dương Bích Liên là “Hồ Chủ tịch qua suối” đã giành giải Nhất tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 1980, nay được công nhận là Bảo vật quốc gia và đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bên cạnh đó, một tác phẩm khác cũng mang tầm tư tưởng lớn là “Hào”, được ông vẽ trong 12 ngày đêm Mỹ ném bom Hà Nội (1972). Ngoài hội họa, họa sĩ còn say mê cả triết học, văn học và sân khấu. Với vốn ngoại ngữ giỏi, ông luôn cập nhật thông tin về thế giới nghệ thuật hiện đại, lấy sách và những người bạn trí thức trẻ thuộc nhiều ngành giới làm bạn tâm giao, tri kỷ.

“Khiêm nhường, ẩn dật và nhẫn nhịn trong đời sống, ông dồn hết năng lượng và nhiệt huyết cho nghệ thuật. Vì thế, tranh Dương Bích Liên dù là chất liệu gì, thể loại nào cũng đều mang vẻ đẹp huyền ảo, lung linh, lãng đãng cổ kính, vừa gợi cảm vừa bí ẩn”, họa sĩ Đặng Thị Khuê nhận định.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoa-si-duong-bich-lien-anh-chop-tham-lang-cua-my-thuat-671972.html
Zalo