Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng: Mỗi miền đất đều cho tôi một 'mầm cảm xúc'
Sinh sống, công tác và làm nghệ thuật ở tỉnh lẻ nhưng tranh của họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng đã vượt xa không gian tạo sinh ra tác phẩm.
Họa sĩ từng có 4 cuộc triển lãm cá nhân, tham gia nhiều triển lãm, giành nhiều giải thưởng danh giá trong nước và quốc tế. Nhiều tác phẩm của họa sĩ được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh và bộ sưu tập của Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhiều sưu tập tư nhân trong và ngoài nước...
Mấy năm trở lại đây, duyên chữ nghĩa lại ùa ạt vào ông, làm cho độc giả lại không khỏi bất ngờ về một “vùng sáng” trong con người nghệ sĩ Đỗ Ngọc Dũng. Phóng viên Chuyên đề VNCA đã có cuộc trò chuyện cùng họa sĩ về công việc sáng tạo này.
PV: Là một họa sĩ từng được đào tạo bài bản, làm nghệ thuật trong môi trường chuyên nghiệp, đạt được những thành tựu trong nghề, nhưng dăm năm trở lại đây, giới nghệ thuật không khỏi bất ngờ khi họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng ra mắt 2 tập tạp bút dày dặn. Họa sĩ có thể chia sẻ về cơ duyên đến với văn chương?
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng: Tôi yêu thích văn học từ nhỏ và luôn cho rằng văn học là cái gốc của mọi lĩnh vực nghệ thuật. Khi còn là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, có nhiều hội viên từng thắc mắc tại sao tôi lại hay chú ý và tập trung nhiều cho chuyên ngành văn học? Tôi phải nói với các bạn ấy: “Đánh giá một Hội Văn học nghệ thuật mạnh, trước hết nhìn vào đội ngũ các nhà văn và ảnh hưởng tác phẩm của họ đối với nền văn học”...
4 năm trở lại đây, khi bắt đầu nghỉ công tác, tôi có nhiều thời gian cho sáng tác và đã xuất bản 2 cuốn, gồm: “Những mảnh ghép kỷ niệm” gần 600 trang in, là cuốn sách khái quát chặng đường hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật của tôi, trong đó có 3 nhiệm kỳ là Chủ tịch Hội; còn cuốn thứ hai “Ngang qua những miền đất” hơn 300 trang, gồm 45 bài viết về những chuyến công du, mang tranh đi triển lãm ở hơn 20 quốc gia, khi tôi hoạt động sang lĩnh vực đối ngoại (từ 2013-2020). Tôi thấy vui khi nhiều bạn đọc chia sẻ rằng họ đã hiểu hơn về tác giả, biết nhiều hơn về những miền đất mà họ chưa từng đặt chân tới.
PV: Ông muốn gửi thông điệp gì qua 2 tác phẩm “Những mảnh ghép kỷ niệm” và “Ngang qua những miền đất”?
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng: Tôi xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở miền núi huyện Đoan Hùng, lớn lên, đi học và công tác, được làm nghề mình yêu thích là hội họa. Còn với viết lách thì chỉ thử sức mình mà thôi, chứ không dám gửi gắm thông điệp gì lớn lao (cười...). Một lần họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nói với tôi: “Trong giới mỹ thuật Việt Nam có nhà phê bình Nguyễn Quân, Phan Cẩm Thượng, các họa sĩ Lê Trí Dũng, Đỗ Đức, Đỗ Phấn viết rất nhiều, giờ lại thêm Đỗ Ngọc Dũng viết văn. Vậy là, ngoài mấy ông kia ra, có tới 3 họa sĩ họ Đỗ viết văn”.
Tôi không dám gọi mình là viết văn, chỉ là viết hoặc ghi chép, ký sự về những gì mình muốn viết mà thôi, để lưu lại như những kỷ niệm cuộc đời. Giới viết lách thường yêu quý mà “tấn phong” cho nhau những danh hiệu (cười...). Tôi chỉ dám nhận mình là nhà báo, vì gần đây, mỗi năm bình quân tôi viết tầm trên dưới 40 bài trên các báo, tạp chí.
PV: Khi vẽ và viết, hai trạng thái cảm xúc đó có khác nhau không và hai lĩnh vực đó có tác động qua lại như thế nào trong quá trình sáng tác của ông?
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng: Tôi nghĩ vẽ và viết đều là hoạt động sáng tạo, đều cần phải có kiến thức nhất định. Đặc biệt, đều phải có cảm xúc mới vẽ và viết hay được. Tôi tự thấy mình tham lam, nhiều khi muốn vẽ khi có ý tưởng hiện lên trong đầu. Lại thấy muốn viết cái gì đó kịp thời phục vụ một chủ điểm nào đó. Hằng tuần, hằng tháng tôi tự đặt ra kế hoạch viết, vẽ cho mình đan xen lẫn nhau. Với tôi, hai trạng thái này có quan hệ với nhau, ví như: Khi tôi viết về Van Gogh hay Bảo tàng Van Gogh; sau đó, khi vẽ, tự nhiên thấy bị nhiễm bút pháp của ông, nhưng mà nhiễm ông thì chỉ có tốt thôi (cười...) hoặc khi viết bài dịp Kỷ niệm 75 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, lại nảy ra ý định phải vẽ về chủ đề này. Thế là, ngay sau đó tôi đã hình thành bố cục và hoàn thành tác phẩm về Điện Biên Phủ. Hiện, tác phẩm đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (cơ sở mới) phục vụ hàng ngàn lượt người xem mỗi ngày.
PV:Theo suy nghĩ của ông, một người làm nghệ thuật ở tỉnh lẻ có thuận lợi và khó khăn gì?
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng: Thuận lợi chắc chỉ là tránh được sự xô bồ, náo nhiệt của cuộc sống đô thị, tránh sự ngột ngạt của những khối bê tông, những tòa cao ốc án ngữ tầm mắt. Ở tỉnh lẻ là cảnh thiên nhiên yên bình, có thể gợi cảm xúc cho sáng tạo nghệ thuật.
Nhưng, nhìn chung, người làm nghệ thuật ở tỉnh lẻ sẽ thiệt nhiều hơn so với người ở Thủ đô. Trước hết, bởi điều kiện tiếp xúc, va đập hằng ngày với các trào lưu nghệ thuật, với các nghệ sĩ tên tuổi, dẫn đến hạn chế sự kích thích học hỏi lẫn nhau, kế thừa nhau giữa các nghệ sĩ, kể cả kỹ thuật thể hiện, kỹ thuật sử dụng chất liệu... Điều này rất quan trọng đối với người sáng tác hội họa. Mặc dù, ngày nay đã có sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, nhưng không phải cái gì cũng có ở trên mạng, hơn nữa xem những tác phẩm bản gốc sẽ khác rất nhiều so với hình ảnh trên mạng. Hoặc, muốn mua một vài họa phẩm thông thường thì ở tỉnh lẻ cũng không có hoặc kém chất lượng.
Tuy nhiên, nếu biết khắc phục, nghệ sĩ ở tỉnh lẻ vẫn có thể không bị tụt hậu so với các nghệ sĩ ở Thủ đô. Đó là tự tìm hiểu, sự rèn luyện, tăng cường tiếp xúc và thi thoảng cần về Thủ đô, đến các triển lãm, bảo tàng nghệ thuật... để hâm nóng cảm xúc, cũng như nắm bắt xu hướng thời đại. Bản thân tôi thường làm như vậy, kể cả mỗi khi ra nước ngoài, thay vì hăng hái shopping, tôi dành thời gian đến các bảo tàng, đến các trung tâm triển lãm...
PV: Từng có những chuyến công du đến gần 30 quốc gia trên thế giới, hẳn là ông có nhiều cảm nhận về những miền đất ấy, nơi đâu để lại cho ông ấn tượng sâu đậm nhất?
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng: Đến thời điểm này tôi đã đặt chân đến hơn 30 quốc gia, mỗi miền đất đều cho tôi một “mầm” cảm xúc. Nó cứ dần lên trong chuyến đi và cả sau chuyến đi. Tôi có thói quen tìm hiểu kỹ về những miền đất mình đến, thấy nó đều có những điều thú vị riêng. Còn nếu nói ấn tượng nhất với tôi có lẽ là Paris (Pháp) với Bảo tàng Louvre - bảo tàng nghệ thuật số 1 thế giới; là đồi Montmartre - quả đồi thơ mộng, nơi quy tụ các nghệ sĩ cả thế giới, như một trung tâm nghệ thuật sôi động hằng ngày, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm của các thiên tài như Picasso, Van Gogh, hay Gauguin từng sống ở đây. Đặc biệt là Nhà thờ Đức Bà Paris với kiến trúc vĩ đại và độc đáo, có những phòng lưu niệm hình ảnh về nhân vật thằng gù Quasimodo, nàng Esmeralda trong tiểu thuyết lừng danh của đại văn hào Victor Hugo.
PV: Dịp cuối năm cũng là thời điểm chạy nước rút của nhiều họa sĩ chuyên vẽ minh họa và bìa báo Tết, Đỗ Ngọc Dũng là một trong số đó. Cảm xúc của ông với việc vẽ bìa báo Tết ra sao, ông thấy khó khăn gì với mảng đề tài có vẻ như “đóng khung” này?
Họa sĩ Đỗ Ngọc Dũng: Cảm xúc mùa xuân mới luôn khiến các họa sĩ cống hiến cho bạn đọc những bìa báo xuân đẹp nhất, bắt mắt và lạ nhất. Mấy năm gần đây, mỗi năm tôi thường vẽ từ 15 đến 20 bìa báo, tạp chí số Tết từ TP Hồ Chí Minh trở ra Hà Nội rồi các tỉnh. Nhưng, năm Ất Tỵ này, do bận nhiều công việc, vả lại, sức khỏe kém hơn nên ngay từ đầu tháng 11 tôi phải từ chối, xin lỗi nhiều tổng biên tập không dám nhận vẽ nữa, chỉ nhận vẽ một số lượng bìa khiêm tốn.
Nếu nói cái khó ở mảng đề tài này thì chính là một số họa sĩ, trong đó có tôi thường vô tình lặp lại chính mình, bởi vẽ quá nhiều. Thế nên, đôi lần có bạn đọc nhắn tin, gọi điện cho tôi sau khi khen các bìa báo tôi vẽ, rồi họ cũng nói là thấy cái này nhang nhác cái kia... Quả thế thật, phải cẩn trọng hơn thôi (cười...).
PV: Xin cảm ơn họa sĩ về cuộc trò chuyện này!