Chương trình nghệ thuật đặc biệt tri ân những giá trị nhân văn sâu sắc của nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, chương trình không chỉ là lời tri ân sâu sắc dành cho Nguyễn Đình Thi - một nghệ sĩ, nhà văn hóa lớn, người lãnh đạo tận tụy mà còn thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc kế thừa, phát huy di sản quý báu mà ông đã để lại cho chúng ta.

Tối 9/1, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội tổ chức chương trình nghệ thuật "Đất nước”, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn hóa lớn Nguyễn Đình Thi.

Tiến sĩ Đoàn Thanh Nô, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho biết, chương trình là dịp để tưởng nhớ những đóng góp xuất sắc của nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam

Nguyễn Đình Thi không chỉ là nhà thơ, nhạc sĩ, nhà soạn kịch tài hoa mà còn là nhà lãnh đạo văn hóa xuất sắc. Trong vai trò chủ tịch thế hệ đầu tiên của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Nguyễn Đình Thi đã sáng tạo, phát triển ngành văn học nghệ thuật để ngành văn học nghệ thuật tiếp tục là tinh hoa văn hóa, hồn cốt dân tộc, đồng thời khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Tiến sĩ Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Tiến sĩ Đoàn Thanh Nô, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Nguyễn Đình Thi thấu hiểu rằng văn học nghệ thuật không chỉ phản ánh mà còn góp phần vào kiến tạo đời sống, bồi đắp tâm hồn của con người. Với tư duy của một trí thức cách mạng, tầm nhìn nhà lãnh đạo, ông đã khẳng định văn học nghệ thuật là sức mạnh văn hóa gắn bó mật thiệt với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng đất nước và bảo tồn bản sắc dân tộc, đồng thời mở rộng giao lưu với thế giới.

Theo Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, chương trình không chỉ là lời tri ân sâu sắc dành cho Nguyễn Đình Thi - một nghệ sĩ, nhà văn hóa lớn, người lãnh đạo tận tụy mà còn thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay trong việc kế thừa, phát huy di sản quý báu mà ông đã để lại cho chúng ta.

“Những giai điệu, câu thơ và hình ảnh trên sân khấu hôm nay chính là minh chứng cho sức sống mãnh liệt cho di sản Nguyễn Đình Thi, một nguồn cảm hững bất tận và niềm tự hào sâu sắc trong lòng mỗi chúng ta”, tiến sĩ Đoàn Thanh Nô khẳng định.

Nguyễn Đình Thi là nhà thơ có phong cách nghệ thuật độc đáo, kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Thơ ca của ông thường mang tính triết luận, giàu suy tư và có sức truyền cảm lớn.

Bài thơ "Chia tay trong đêm Hà Nội" được thể hiện qua giọng đọc NSND Hà Vy và phần đệm Piano của NSND Phạm Ngọc Khôi.

Bài thơ "Chia tay trong đêm Hà Nội" được thể hiện qua giọng đọc NSND Hà Vy và phần đệm Piano của NSND Phạm Ngọc Khôi.

Bên cạnh đó là những bài thơ ngắn mang đậm dấu ấn cá nhân, xúc tích nhưng rất giàu hình ảnh, cùng với những bài thơ về quê hương, đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt, ông cũng đã để lại cho hậu thế nhiều bài thơ tình lãng mạn sâu sắc, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau từ niềm vui hạnh phúc, đến nỗi buồn chia ly.

Trong chương trình tối nay, ban tổ chức đã mang đến cho khán giả thưởng thức nhiều tác phẩm nổi tiếng của Nguyễn Đình Thi như "Rừng trúc", "Trương Chi", "Người Hà Nội" (âm nhạc), "Du kích quân", "Bên bờ sông Lô"... đều là những tác phẩm xuất sắc do chính nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch Nguyễn Đình Thi sáng tác.

Chương trình nghệ thuật diễn ra trong bầu không khí đầy trang nghiêm, giàu cảm xúc để tưởng nhớ đến cố nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi. Những di sản mà ông để lại cho hậu thế mang đậm giá trị to lớn cho nền văn học nghệ thuật nói riêng và nền văn hóa của người Việt nói chúng.

Tiết mục "Nhớ" được thể hiện bởi người chắt của nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi.

Tiết mục "Nhớ" được thể hiện bởi người chắt của nhà văn hóa Nguyễn Đình Thi.

Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, nhà viết kịch Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20/12/1924 ở Luang Prabang, Lào, nguyên quán tại làng Vũ Thạch, nay là phố Bà Triệu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Nguyễn Đình Thi tham gia hoạt động cách mạng từ khi còn rất trẻ.

Những năm 1940, ông tham gia Tổ Văn hóa cứu quốc, sau đó là Hội Văn hóa cứu quốc.

Năm 1945, ông tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, được bầu làm đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa 1, 2, 3.

Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng Thư ký Hội Văn hóa cứu quốc.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông tiếp tục viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình.

Sau năm 1954 ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật.

Từ năm 1958 đến năm 1989, ông là Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam.

Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của nhân dân ta trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý: Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật...

Mộc Miên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chuong-trinh-nghe-thuat-dac-biet-tri-an-nhung-gia-tri-nhan-van-sau-sac-cua-nha-van-hoa-nguyen-dinh-thi-a27672.html
Zalo