Họa sĩ Đào Minh Tri – 50 năm ghi dấu ấn trong hội họa

Cuốn sách song ngữ Việt – Anh 'Đào Minh Tri – 50 năm hội họa' do Nhà Xuất bản Mỹ thuật ấn hành, ra mắt ngày 19-12, tại Hà Nội, ghi lại hành trình nửa thế kỷ cống hiến cho mỹ thuật của họa sĩ Đào Minh Tri.

Cuốn sách “Đào Minh Tri – 50 năm hội họa” dày 320 trang, tập hợp 170 tác phẩm hội họa tiêu biểu của Đào Minh Tri trong suốt 50 năm qua trên chất liệu sơn dầu, bột màu, sơn mài.

Cuốn sách về 50 năm cống hiến cho mỹ thuật của họa sĩ Đào Minh Tri. Ảnh: T.Hương

Cuốn sách về 50 năm cống hiến cho mỹ thuật của họa sĩ Đào Minh Tri. Ảnh: T.Hương

Cuốn sách còn có các bài viết của họa sĩ Nguyễn Xuân Tiệp, Nguyễn Thanh Bình, Ca Lê Thắng, Lương Xuân Đoàn, Lý Trực Sơn, Đào Châu Hải, Phan Thiết; nhà báo Nguyễn Trọng Chức; nhà sưu tập Hoàng Nguyên Vũ; nhà nghiên cứu mỹ thuật Linh Lê, Vũ Huy Thông... về hành trình cống hiến cho hội họa của họa sĩ này.

Qua cuốn sách, độc giả thấy tư tưởng đổi mới đã xuất hiện từ rất sớm trong các sáng tác của họa sĩ Đào Minh Tri. Ông đã có những sáng tạo hội họa đậm tinh thần cá nhân độc đáo. Đặc biệt với thể loại tranh sơn mài, ông đã tạo được ngôn ngữ nghệ thuật riêng trên nền kỹ thuật thẩm mỹ, văn hóa truyền thống.

Họa sĩ Đào Minh Tri tại buổi ra mắt sách. Ảnh: T.Hương

Họa sĩ Đào Minh Tri tại buổi ra mắt sách. Ảnh: T.Hương

Phát biểu tại buổi ra mắt cuốn sách, họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam khẳng định, họa sĩ Đào Minh Tri xứng đáng là thế hệ thứ nhất của đổi mới trong nghệ thuật ở Việt Nam. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ông xuất hiện với gương mặt gai góc trong hội họa, báo trước sự đổi mới mạnh mẽ ở tương lai. Trước năm 1986, họa sĩ Đào Minh Tri đã có những đột phá về ngôn ngữ tạo hình, với màu sắc riêng biệt, ít ai thể nghiệm. Ông đã chọn cho mình con đường khó khăn nhất và dấn thân hết sức.

Họa sĩ Thành Chương, bạn học của Đào Minh Tri chia sẻ: Ông là người quân tử, tốt bụng, tranh của ông cũng như thế. Đặc biệt, khi tham gia công tác giảng dạy tại thành phố Hồ Chí Minh, Đào Minh Tri không bị cuốn theo thị hiếu bắt mắt trong mỹ thuật lúc bấy giờ, mà vẫn giữ được bản sắc trong hội họa. Ông tạo nên cốt nền cho các thế hệ sinh viên cùng khai mở, sáng tạo trong nghệ thuật. Hơn thế, với tư cách là Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh, ông còn góp phần phát triển mỹ thuật miền Nam ở bề sâu và bề rộng.

Họa sĩ Đào Minh Tri chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Ảnh: T.Hương

Họa sĩ Đào Minh Tri chia sẻ tại buổi ra mắt sách. Ảnh: T.Hương

Họa sĩ Đào Minh Tri chia sẻ, ở tuổi 75, dù sức khỏe yếu và đi lại khó khăn, nhưng ông vẫn vẽ hằng ngày. Không còn thực hiện được những bức tranh khổ lớn, ông vẽ tranh khổ nhỏ, bằng chất liệu giấy, bột màu. Ông quan niệm: “Trong tranh phải có tư tưởng. Người nghệ sĩ sáng tạo thông qua lao động hằng ngày, vẽ lại những suy nghĩ đang sống cùng với mình, sẽ tìm thấy bản sắc của mình. Nhưng không phải minh họa thô tư tưởng đó, mà bộc lộ nhân sinh quan, thế giới quan thông qua ngôn ngữ tạo hình của riêng mình”.

Họa sĩ Đào Minh Tri sinh năm 1949, tại Thái Nguyên. Năm 1960, ông được học vẽ dưới sự hướng dẫn của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu. Ông tốt nghiệp hệ sơ trung (7 năm) và hệ đại học (5 năm) của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam năm 1976. Sau đó, ông được cử vào thành phố Hồ Chí Minh làm giảng viên tại Trường Đại học Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Đào Minh Tri từng tham gia trại sáng tác tại Liên Xô cũ, theo học tại Trường Mỹ thuật Paris (Pháp), lưu trú sáng tác tại New York (Mỹ). Ông giữ cương vị Chủ tịch Hội Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2005 đến năm 2010.

Các tác phẩm của ông có trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và các bộ sưu tập tư nhân tại nhiều quốc gia. Ông đã tổ chức 5 triển lãm cá nhân, trong đó có 1 triển lãm tại Pháp; tham gia 21 triển lãm nhóm ở trong và ngoài nước từ năm 1980 đến 2012.

Một số tác phẩm hội họa của họa sĩ Đào Minh Tri:

An Nhi

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/hoa-si-dao-minh-tri-50-nam-ghi-dau-an-trong-hoi-hoa-687924.html
Zalo