Phát huy giá trị của các di sản văn hóa là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế

Tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy giá trị của các di sản văn hóa được xác định là nguồn lực đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Tỉnh Thừa Thiên Huế là địa phương có nhiều di sản văn hóa được UNESCO công nhận là di sản thế giới và di sản khu vực. Bên cạnh đó là hệ thống phong phú và đa dạng các loại hình di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, khảo cổ… được xếp hạng di sản cấp quốc gia và cấp tỉnh.

Trong quá trình xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, phát huy giá trị của các di sản văn hóa được xác định là nguồn lực đặc biệt quan trọng, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Giai đoạn 2010-2024, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế, tạo ra sự phát triển bền vững của đô thị di sản, đạt nhiều kết quả quan trọng và để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị.

 Đại nội Huế

Đại nội Huế

Nơi đây lưu giữ gần như nguyên vẹn tổng thể kiến trúc của một Kinh đô với những giá trị di sản vật thể và phi vật thể vô giá với 7 di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu được UNESCO công nhận; gần 1.000 di tích đã được kiểm kê, trong đó có 166 di tích được công nhận ở các cấp; hơn 500 lễ hội.

Bên cạnh đó, thiên nhiên đã ban tặng những di sản thiên nhiên kỳ vĩ và thu hút cho vùng đất này như sông Hương, núi Ngự; hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai có tổng diện tích trên 22 nghìn ha, lớn nhất khu vực Đông Nam Á; Vườn quốc gia Bạch Mã còn nguyên vẹn; Vịnh Lăng Cô là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới…

Nhận thức rõ những tiềm năng, lợi thế riêng có, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế luôn ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa.

Năm 2023, thành phố Huế đã đầu tư 26 tỷ đồng để trùng tu, tôn tạo 4 đình làng (đình Dương Xuân Hạ, đình Kim Long, đình Xuân Hòa, đình An Cựu) trên địa bàn thành phố.

Là nơi hội tụ hàng trăm món ăn đặc sắc từ cung đình đến dân gian, hiện nay, Huế có gần 1.700 món ăn, với ba dòng ẩm thực chính: ẩm thực cung đình, ẩm thực dân gian và ẩm thực chay. Hiện nay, đề án “Huế - Kinh đô ẩm thực” đang được thực hiện, góp phần nâng cao vị thế của ẩm thực Huế, trở thành nguồn lực văn hóa quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội nói chung, phát triển du lịch của Thừa Thiên Huế nói riêng.

 Áo dài Huế

Áo dài Huế

Thừa Thiên Huế cũng là một trong những địa phương đang lưu giữ các đô thị cổ có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, thương mại như: phố cổ Bao Vinh, phố cổ Gia Hội - Chợ Dinh, từng là nơi giao thương, buôn bán tấp nập một thời; nơi tập trung những ngôi nhà cổ có giá trị kiến trúc, lịch sử, văn hóa.

Để phát huy di sản “thành phố vườn”, với hàng trăm ngôi nhà vườn, phủ đệ gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nỗ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ, đề án cụ thể về trùng tu, bảo vệ và phát huy giá trị của nhà vườn Huế.

Nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng, lễ hội văn hóa đặc sắc của tỉnh Thừa Thiên Huế đã được sưu tầm, nghiên cứu, phục dựng thành công. Tỉnh đã tổ chức thành công các kỳ Festival Huế với quy mô quốc tế, góp phần thúc đẩy mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, nâng cao vị thế văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế ở khu vực và quốc tế.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào “Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”, gồm: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống A Da Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô.

Trong đó, di sản nghệ thuật Ca Huế đang được tỉnh xây dựng và hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật ca Huế đã nhận được sự đồng hành ủng hộ của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân.

Áo dài truyền thống Huế từng bước được khôi phục và trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, không chỉ mang lại giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội mà còn góp phần bảo tồn, phát huy giá trị loại hình trang phục cổ này trong đời sống đương đại. Năm 2024, ngành văn hóa Huế cũng đã đệ trình hồ sơ “Nghề may đo Áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế” đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đồng thời hướng tới đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

PV

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-huy-gia-tri-cua-cac-di-san-van-hoa-la-dong-luc-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-tinh-thua-thien-hue-post326479.html
Zalo