Họa sĩ Đào Hải Phong: Đi tìm sự hài hòa
'Tôi lấy những màu sắc mạnh mẽ nhất và làm cho nó hài hòa. Đó là cách suy nghĩ của tôi trong nghệ thuật' - họa sĩ Đào Hải Phong bắt đầu cuộc trò chuyện với Hànôịmới Cuối tuần bằng quan điểm về sự tương quan màu sắc, hình khối trong nghệ thuật.
Sự tương quan ấy cũng chính là quan điểm sống của anh - sự hài hòa. Suốt cuộc đời đam mê với thể loại tranh phong cảnh, Đào Hải Phong đã để lại những ấn tượng khó quên với những tác phẩm nghệ thuật trầm mặc, nồng ấm và gợi nhiều liên tưởng.
- Thưa họa sĩ Đào Hải Phong, khi nói về triển lãm “Thu Phong” vừa diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh, có người nhận định rằng: Dường như anh đang bước đi trên một thảo nguyên, với tâm thế rất nhẹ nhõm?
- Tôi nhận lời mời làm triển lãm này với một gallery rất non trẻ. Nếu như cách đây khoảng 10 năm, chưa chắc tôi đã nhận lời. Lúc đó, nếu làm tôi sẽ chọn một nơi rất chuyên nghiệp và đặt nhiều kỳ vọng. Nhưng bây giờ, điều quan trọng, tôi muốn đây là dịp để công chúng trong thành phố Hồ Chí Minh được xem những bức tranh thật của tôi.
Tôi giới thiệu tác phẩm vẽ từ năm 2008 đến nay, để mọi người thấy được một quá trình sáng tác, trong đó có nhiều bức đã bị người khác làm giả. Triển lãm này, chỉ với sự trân trọng, nhiệt tình của một người chủ gallery và sự đón nhận của khán giả lại khiến cho tôi cảm thấy ấm cúng, giản dị. Vui nhất là các bạn trẻ đến xem rất đông.
Tôi nghĩ rằng: Nghệ thuật “đứng” được ít nhất phải đi qua 3 thế hệ. Thế hệ 5x mua tranh của tôi, sau đó là 6x, 7x thì bây giờ hy vọng thế hệ 8x, 9x vẫn thích tranh của tôi. Không phải cứ mở triển lãm và bán hết tranh mới là thành công hay mới là nghệ thuật đỉnh cao, vì bán tranh phụ thuộc nhiều yếu tố: Yếu tố thời thượng, mối quan hệ và có những yếu tố thuộc về phong trào.
- Điều gì khiến anh nhớ sau triển lãm này?
- Tôi kỳ vọng sự bình dị của tôi níu kéo được một điều gì đó với thế hệ trẻ. Trong những ngày đầu triển lãm, tôi có đọc được những dòng cảm nhận của khán giả.
Có bạn trẻ viết rất thành thật: “Nhìn tranh của chú Đào Hải Phong, cháu thấy rất yên tĩnh nhưng cháu không thấy sự bình yên”. Tôi hơi giật mình. Tranh của tôi không vẽ người, chỉ vẽ cảnh, với những rặng cây, con thuyền, ánh trăng...
Tôi nhận ra rằng: Có thể đó là sự bình yên trong mình nhưng chưa chắc là bình yên trong mắt người khác. Đấy chính là giá trị nghệ thuật, bởi nghệ thuật không chỉ là những lời khen, những lời vuốt ve hay tỉ tê, thân ái. Nghệ thuật đôi khi còn làm cho người ta trăn trở, suy nghĩ.
Có lẽ đến một độ tuổi nào đó, tôi lại thích lắng nghe những chia sẻ, nó mang lại cho tôi rất nhiều, ít nhất là để biết mình thêm nữa. Đôi khi điều đó sẽ giúp mình trả lời một câu hỏi nào đấy mà mình chưa trả lời được.
- Trong tranh của Đào Hải Phong, người xem luôn bắt gặp những gam màu tươi sáng, nồng ấm. Có lẽ một thế mạnh của anh là màu sắc?
- Tôi nghĩ rằng màu sắc là bản năng. Màu sắc với tôi là sự ám ảnh. Tôi rất thích những bảng màu đứng cạnh nhau, có thể làm cho mình vui, cũng có thể làm cho mình buồn. Không đơn giản mà người ta mặc định lễ hội là gam màu tươi sáng, những buổi tang lễ lại gắn với màu tối.
Quan sát những điều đó từ khi còn rất trẻ, tôi nhận thấy màu sắc quyết định trạng thái cảm xúc. Thị giác tác động một cách trực tiếp, nhanh nhất vào bộ não con người. Trong xã hội văn minh, chi phí tốn kém nhất chính là để phục vụ thị giác, để làm vừa mắt nhìn. Nghệ thuật ra đời để phục vụ, chinh phục thị giác.
Ngay từ nhỏ, tôi đã yêu thích màu sắc, thường quan sát những con côn trùng, bọ ngựa, xén tóc, cánh cam... dù bé xíu nhưng tỷ lệ rất hài hòa, khiến tôi mê mẩn nhìn ngắm hàng giờ.
Từ bản năng và những điều được đúc kết, tôi nhận thấy thiên nhiên là bậc thầy mà mỗi chúng ta không thể ôm trọn vẻ đẹp vô tận, bao la ấy. Mỗi nghệ sĩ chỉ xin, mượn thiên nhiên “một mẩu” nào đó để dành cho mình, để đưa vào câu chuyện của mình.
Tranh của tôi có dùng màu mạnh, gắt đến mấy chăng nữa thì tôi vẫn thấy rằng nó nằm trong một tổng thể hài hòa. Đó cũng là quan niệm của tôi trong cuộc sống.
- Có vẻ như Đào Hải Phong của hiện tại điềm tĩnh hơn nhiều so với trước đây?
- Vài năm gần đây tôi vẽ không nhiều mà đi nhiều hơn, xem nhiều hơn. Những năm trước, có thể mình còn trẻ, còn một chút liều lĩnh và năng lượng để làm việc nên đôi khi cũng có sự “bất chấp” và làm rất nhiều thứ. Cũng may mắn là những điều đó mang lại cho tôi một giá trị nào đó, mang lại sự tự tin với những thành công nho nhỏ.
Vài năm trở lại đây, tôi dành thời gian đi xem các tác giả trẻ họ đang làm gì. Tôi thích năng lượng của những người trẻ và biết đâu có khi chính họ lại gợi ý cho mình những điều khác.
Bên cạnh đó, với thiên nhiên, có những tuần lễ tôi ngắm nhìn một ngọn núi nhỏ, chụp ảnh lại vào đúng một giờ cố định và nhận ra: Không ngày nào giống ngày nào và rồi cảm nhận thiên nhiên vĩ đại vô cùng. Ngọn núi đó, ánh sáng đó, những áng mây đi qua... khác nhau đến hàng giờ, hàng phút. Sự khác nhau ấy rất đẹp: Một cơn giông đi qua, một buổi chiều tà với áng mây còn sót lại hay một buổi sáng thiên nhiên như bừng tỉnh...
Tôi nghĩ nếu có một họa sĩ nào đó dành cả đời để vẽ ngọn núi ấy thì không bao giờ vẽ những bức tranh giống nhau cả.
Ở tuổi này tôi mới thấy: Người ta nhiều khi mải đi tìm số lượng mà chưa đi “đến nơi đến chốn” trên con đường của mình. Các cụ vẫn nói rằng: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Điều này áp dụng cho nghệ thuật cũng rất đúng!